Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói gì về tình trạng "sáng nắng, chiều mưa" của sân chơi nóng?
Ngày 11/5, nhiều mã cổ phiếu đặc biệt là cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới tham chiếu trong phiên sáng nhưng đồng loạt tăng kịch biên độ trong phiên chiều. Nhà đầu tư nên “phòng thủ” hay “phản công”?
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, ngày 11/5, các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan ngại về những bất ổn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vừa qua.
Đánh giá về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường chứng khoán hiện "quá bất thường".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường chứng khoán hiện "quá bất thường"
"Ngày nào tôi cũng xem chứng khoán. Thị trường gần đây quá bất thường, có phiên giảm đến hơn 4,4%, rồi hôm qua (ngày 10/5) có phiên giao dịch 'sáng mưa, chiều nắng'. Thị trường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?", ông Huệ nêu vấn đề.
Ngày 9/5, thị trường "đỏ lửa" khi giảm gần 60 điểm. Tới phiên sáng 10/5 toàn thị trường giảm 36 điểm, nhưng tới chiều lại đảo chiều tăng 24 điểm nhờ dòng tiền giải ngân vào các mã vốn hoá lớn.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ), nêu thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Ông cho rằng thao túng cổ phiếu đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
"Số lượng lớn nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định", ông Thanh nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, thanh khoản thời điểm này vẫn đang thể hiện sự nghi ngờ lớn
Kết thúc phiên giao dịch 11/5, với việc tăng gần 8 điểm của VN-Index đã giúp thị trường xác lập phiên thoát đáy thứ 2 liên tục.
Bất động sản là cái tên được chú ý nhất trong phiên hôm nay. Các mã được chú ý nhóm này như DIG, CEO, CII, NBB giao dịch dưới tham chiếu trong phiên sáng nhưng đồng loạt tăng kịch biên độ trong phiên chiều. Một số mã khác thuộc nhóm này như SCR, NLG, HQC, QCG, DXG cũng giao dịch tích cực.
Chứng kiến loạt mã cổ phiếu BĐS tăng trần bất ngờ, một tài khoản có tên Tai Nguyen đặt câu hỏi: “Đu giá trần ROS và ART hôm nay không biết hôm sau có được cốc cafe không anh em?”
Câu hỏi trên thu hút loạt câu trả lời khá hài hước: “Lỡ không được thì tầm này cũng chỉ mất cốc cafe thôi bạn, tiếc gì; “Hy vọng có cốc cafe uống”; “Ai mà biết được, nếu biết tôi đâu có bị âm tài khoản 70%”...
Theo các chuyên gia, thanh khoản vẫn đang thể hiện sự nghi ngờ lớn. Các blue-chips vẫn không thể hiện khả năng dẫn dắt rõ ràng hay nhóm cổ phiếu nào nổi bật. Dầu khí, ngân hàng hay bất động sản, chứng khoán đều phân hóa, tăng giảm không bền hàng ngày. Thị trường đang dựa nhiều trên việc giảm nhu cầu bán, hơn là tăng nhu cầu mua.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh trở lại trong phiên 11/5 khi mà nhóm trụ cột bị chốt lời từ khoảng 14h cho đến hết phiên. Điều đặc biệt là độ rộng thị trường lại ở mức tích cực khi mà nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ít chịu ảnh hưởng của đợt bán cuối phiên, chỉ có nhóm vốn hoá lớn là điều chỉnh do mức độ tập trung vốn trong giai đoạn gần đây. Rủi ro sẽ gia tăng nhiều hơn nếu dòng tiền rời bỏ nhóm này.
Trên góc nhìn kỹ thuật, do thị trường tiếp tục đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm nên xác suất để thị trường nối dài sóng tăng 5 được đánh giá là ngang bằng so với khả năng thị trường chuyển sang sóng điều chỉnh a. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 12/5, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc khi mà bên ủng hộ sóng tăng 5 và bên ủng hộ sóng điều chỉnh gặp nhau tại vùng giá hiện tại.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi, và điều này dẫn đến thị trường biến động mạnh trong các phiên gần đây. Từ chỗ giảm sàn trong phiên 9/5, hàng trăm cổ phiếu đã phục hồi mạnh mẽ trong phiên 10/5.
Cũng theo công ty chứng khoán này, một phiên tăng cũng chưa làm thay dổi xu hướng của thị trường hiện tại, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi thêm về thanh khoản thị trường trong các phiên tới.
Còn theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index khả năng cao sẽ có sóng hồi ngắn hạn. Vùng kháng cự đầu tiên VN-Index phải đối mặt là vùng điểm 1.315 -1.325 điểm. Công ty chứng khoán này khuyến nghị: "Các nhà đầu tư nên bám sát diễn biến của thị trường khi VN-Index tiến lên vùng kháng cự. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư nên rà soát cơ cấu lại danh mục trong những nhịp phục hồi, cần “phòng thủ“ tốt trước khi nghĩ đến việc “phản công” trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
VN-Index giảm mạnh nhưng thị trường vẫn đón hơn 230.000 tài khoản cá nhân mới trong một tháng, đưa tổng số tài khoản lần đầu vượt mốc 5 triệu.