Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy sở hữu tài sản hơn 3.840 tỷ đồng
Cùng với biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, khối tài sản của đại gia 46 tuổi quê gốc Tiền Giang này cũng tăng mạnh lên hơn 3.840 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên giảm mạnh hôm 19/7 vừa qua, kết phiên chỉ số VN-Index giảm 9,66 điểm, về mức 1.264,78 điểm; HNX-Index giảm 1,97 điểm, xuống còn 240,52 điểm. Xét cho cả tuần giao dịch từ 15-19/7, VN-Index tổng cộng giảm 15,97 điểm (-1,25%), HNX-Index giảm 4,5 điểm (-1,84%).
Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu do đại gia sinh năm 1978 quê gốc Tiền Giang Trần Hùng Huy giữ vị trí Chủ tịch ghi nhận chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp để đóng cửa ở mức giá 25.100đ/cổ phiếu. Cùng với đà tăng về giá, thanh khoản của ACB cũng tăng vọt với hơn 17 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch hơn 428 tỷ đồng.
Chuỗi đà tăng giá của cổ phiếu ACB không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, với mức giá đóng cửa 25.100đ/cổ phiếu, khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Trần Hùng Huy ghi nhận vượt mức 3.841 tỷ đồng. Trước đó, giữa tháng 6 vừa qua đại gia sinh năm 1978 cũng đã nhận được hơn 133 tỷ đồng khi ACB trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%.
Khối tài sản của Chủ tịch Trần Hùng Huy vượt 3.841 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu đang nắm giữ
Cổ phiếu ACB ghi nhận chuỗi phiên tăng liên tiếp trong bối cảnh kết quả kinh doanh của ngân hàng này ghi nhận tích cực trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, chia sẻ những ghi nhận chính tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư quý 2/2024 của ACB, Chứng khoán Vietcap (VCSC) tiết lộ ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10,5 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so cùng kỳ), riêng quý 2/2024 đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so quý trước).
Trong đó tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 của ACB đạt 12,4%, cao hơn mức toàn hệ thống là 6%. Trong đó, mảng khách hàng cá nhân tăng 12,3%, mảng SME cũng tăng 7,2% và mảng doanh nghiệp tăng 37,6%. Tăng trưởng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2024 của ACB đạt 6,2% so với mức toàn hệ thống là 2%.
Sau những rung lắc và biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 22/7, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo khả năng giảm về vùng 1.240 điểm của VN-Index đã cao hơn phiên trước đó. Mặc dù đóng cửa trên hỗ trợ 1.260 điểm nhưng đà giảm gia tăng khi chỉ số kết thúc tuần dưới MA20 và MA50 với dãi Bollinger bands có chiều hướng đi xuống. Chuyên gia Vietcap dự báo VN-Index có thể kiểm định lại vùng 1.240 điểm. Tuy nhiên, lực mua quanh vùng giá thấp sẽ xuất hiện vì xu hướng trung hạn vẫn ở mức Trung tính.
Chuyên gia CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên giao dịch 22/07. Đồng thời, thị trường sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tới, nhóm cổ phiếu Mid Caps và Small Caps có thể tiếp tục đi ngang quanh vùng đáy của tháng 06/2024, trong khi đó nhóm cổ phiếu Large Caps có thể sẽ tiếp thu hút dòng tiền và có diễn biến tích cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán được kỳ vọng sẽ tích cực trong tuần giao dịch tới và dẫn dắt đà hồi phục của thị trường.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục cơ cấu lại danh mục ngắn hạn và đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng, tỷ trọng cổ phiếu nên ưu tiên nắm giữ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng và chứng khoán.
Chuyên gia CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường thận trọng khi áp sát vùng cản 1.280 điểm và lùi bước trở lại. Thanh khoản tăng, cho thấy nguồn cung vẫn đang gây sức ép cho thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang được hỗ trợ tại vùng MA(100), vùng 1.260 điểm.
Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái giằng co trên vùng này để thăm dò cung cầu vào đầu tuần giao dịch mới. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần lưu ý trạng thái thận trọng và rủi ro của thị trường, do ảnh hưởng từ diễn biến bất ổn gần đây.
Nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường. Ngoài ra, cần cân nhắc những nhịp hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Không chỉ tăng về giá, số lượng giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]