Chơi chứng khoán nước ngoài: Coi chừng dính bẫy!
Một công ty tại Việt Nam tự xưng là đại lý của nhà môi giới chứng khoán nước ngoài liên tục đưa ra nhiều thông tin hấp dẫn, chào mời mua - bán cổ phiếu trên thị trường Mỹ, châu Âu
"Là 1 trong 6 tập đoàn dầu khí lớn nhất, ngày 25-3 tới đây, Tập đoàn T. tiến hành chi trả cổ tức 0,66 euro/cổ phiếu. Hiện tại, mỗi cổ phiếu T. trên thị trường chứng khoán Pháp đã tăng từ 40 euro lên 41 euro, là cơ hội để mua vào nhận lợi nhuận..." - Nguyệt, nhân viên của Công ty Adad Brand (viết tắt là Adad Brand; trú đóng tại số 35A Núi Thành, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), chào mời chúng tôi mua cổ phiếu từ nước ngoài.
Tặng thưởng 30% vốn đầu tư (?)
Sau chào mời, Nguyệt thông báo sau nhiều phiên tăng điểm, thị trường chứng khoán Mỹ đã chững lại khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất cơ bản có thể tăng làm cản trở sự phục hồi giá cổ phiếu. Thế nhưng, nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều thông tin hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về lãi suất và lạm phát vào ngày 17-3 theo giờ Mỹ để đoán định xu hướng thị trường.
Lấy danh nghĩa đại lý Công ty Rosyfx để mời chào, lôi kéo mua cổ phiếu ở nước ngoài
Trước đó, đầu tháng 3-2021, Nguyệt cũng nhắn tin cho biết cổ phiếu của Công ty Dược phẩm GILEAD niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đã có 3 phiên tăng giá liên tiếp, từ 62,96 USD/cổ phiếu vọt lên 64,54 USD/cổ phiếu. Theo đó, người mua cổ phiếu này với mức giá 62,96 USD/cổ phiếu đã thu về lợi nhuận 1,58 USD/cổ phiếu; đồng thời vào ngày 12-3, GILEAD đã chi trả cổ tức với mức 0,71 USD/cổ phiếu.
"Đầu tư cổ phiếu ngành dược trong giai đoạn này là cực kỳ an toàn vì thị trường chứng khoán đang phản ứng tích cực từ gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỉ USD của Mỹ, trong đó có cổ phiếu công ty dược phẩm GILEAD. Đồng thời, người mở tài khoản mới sẽ được Adad Brand tặng thưởng 30% vốn đầu tư để tăng thêm nguồn lực tài chính khi mua cổ phiếu" - Nguyệt nhắn nhủ rồi cung cấp cho chúng tôi thông tin về của Adad Brand.
Cụ thể, Adad Brand là đại lý tại Việt Nam của Công ty Rosyfx (rosyfx.com) - nhà môi giới giao dịch chứng khoán quốc tế trên phần mềm MT4 được đặt dưới sự quản lý bởi MARDORM HK Ltd (địa chỉ: Heng Shan Centre, 145 Queens Road East, Wan Chai, Hong Kong). Theo đó, tất cả vốn đầu tư của khách hàng được giữ trong tài khoản riêng biệt. Công ty Rosyfx không được sử dụng số tiền này trong bất kỳ trường hợp nào.
Thay thế môi giới nước ngoài tiếp nhận lệnh giao dịch
Biết chúng tôi hoài nghi việc mua - bán cổ phiếu nước ngoài thông qua trung gian là Adad Brand, Nguyệt liền giải thích với vai trò đại lý, Adad Brand thay thế Công ty Rosyfx tiếp nhận rồi chuyển lệnh mua - bán cổ phiếu của nhà đầu tư lên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, châu Âu như các công ty chứng khoán ở Việt Nam chuyển lệnh đến Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM, Hà Nội. "Nghĩa là nhà đầu tư đã trực tiếp mua bán cổ phiếu trên các sàn chứng khoán ở nước ngoài. Theo đó, Công ty Rosyfx thay thế chủ sàn thu phí giao dịch 1-3 USD/lệnh mua - bán thành công" - Nguyệt nói.
Thế nhưng, khi truy tìm các thông tin liên quan đến Adad Brand, chúng tôi biết được công ty này thành lập vào giữa năm 2020, mã số doanh nghiệp: 0402045787, hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV, danh mục đăng ký kinh doanh 25 ngành nghề tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, trong đó ngành nghề chính là đại lý mua bán hàng hóa, môi giới dịch vụ thương mại.
Nguy cơ bị lừa
Để tiếp cận cách "chơi" cổ phiếu nước ngoài, chúng tôi cung cấp cho Adad Brand danh tính, hình ảnh mặt trước và sau thẻ căn cước công dân, địa chỉ email. Ngay sau đó, thông qua email, hệ thống của Adad Brand thông báo hồ sơ đăng ký của chúng tôi đã được chấp nhận; tài khoản giao dịch chứng khoán, tài khoản kinh doanh được thiết lập và kèm theo tên, mật mã truy cập, đồng thời hướng dẫn chúng tôi tải phần mềm MT24 về máy tính hoặc điện thoại thông minh để chuẩn bị giao dịch.
Sau đó, nhân viên của Adad Brand điện thoại cho biết họ sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của từng mã cổ phiếu nước ngoài, hướng dẫn chúng tôi cách thức giao dịch, kiểm tra số lượng cổ phiếu ra - vào, nộp và rút tiền trên phần mềm MT24.
Theo đó, nhà đầu tư phải nộp tiền vào tài khoản kinh doanh tối thiểu 23,5 triệu đồng. Các đối tác của Adad Brand sẽ có trách nhiệm chuyển đổi số tiền này thành 1.000 USD (tỉ giá chuyển đổi cố định 1 USD = 23.500 đồng). Sau đó, USD được chuyển thẳng vào tài khoản kinh doanh để nhà đầu tư đặt lệnh mua cổ phiếu. Ngược lại, khi nhà đầu tư rút tiền, các đối tác của Adad Brand sẽ chuyển đổi USD sang VNĐ rồi chuyển vào tài khoản của khách hàng. Còn trường hợp giao dịch cổ phiếu bằng euro thì các đối tác của Adad Brand sẽ chuyển đổi USD sang euro để nhà đầu tư giao dịch.
"Thế nhà đầu tư và Adad Brand có ký hợp đồng môi giới chứng khoán không?" - chúng tôi thắc mắc. "Hiện tại, thị trường chứng khoán quốc tế không có công ty nào ký hợp đồng môi giới với nhà đầu tư. Tuy nhiên, Adad Brand luôn bảo đảm nguồn tiền an toàn, hỗ trợ cho người "chơi" cổ phiếu nước ngoài giao dịch đúng xu hướng thị trường" - nhân viên Adad Brand giải đáp và cam kết.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Maketing) nhận định nhà đầu tư không có thông tin để kiểm chứng Adad Brand là đại lý của Công ty Rosyfx tại Việt Nam hay không? Công ty Rosyfx có đích thực là nhà môi giới trên thị trường chứng khoán quốc tế hay không? Vì thế, việc nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản do các công ty này chỉ định để "chơi" cổ phiếu có thể dính bẫy lừa đảo.
Theo ông Thuận, giả sử việc giao dịch chứng khoán quốc tế là có thật thì hoạt động của Adad Brand vẫn trái phép vì pháp luật không cho phép đơn vị này đứng ra tổ chức cho người khác mua - bán cổ phiếu. Mặt khác, hệ thống giao dịch do Adad Brand và Công ty Rosyfx thiết lập và nếu hệ thống này tạo ra các lệnh giao dịch cổ phiếu sai lệch hoặc mất hết dữ liệu thì nhà đầu tư sẽ kêu cứu với ai. Còn việc các đối tác của Adad Brand chuyển đổi số tiền VNĐ của nhà tư sang USD và ngược lại là giao dịch ngoại tệ trái phép. Thế nên, khi nhà đầu tư dùng USD để mua - bán cổ phiếu sẽ liên đới trách nhiệm pháp luật.
Dấu hiệu kêu gọi đầu tư trái phép
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng phát đi cảnh báo về chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Một trong các thủ đoạn của các đối tượng này là hướng dẫn người dân tải về điện thoại thông minh các phần mềm giao dịch chứng khoán để tham gia đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định loại hình giao dịch chứng khoán này thường có chung đặc điểm là kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, nhằm lôi kéo nhà đầu tư mua bán cổ phiếu quốc tế.
Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, hiện chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội được phép tổ chức giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Bộ này còn cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an giải quyết các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch chứng khoán trái phép.
Màu xanh phủ kín thị trường, VN-Index chính thức vượt được đỉnh lịch sử.
Nguồn: [Link nguồn]