Các hãng bay lại đồng loạt xin "cứu trợ" khẩn cấp
Thị trường trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng khi độ rộng thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên bán.
Đóng cửa phiên giao dịch 24/8, VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (0,01%) còn 1.298,74 điểm, HNX-Index giảm 3,05 điểm (0,91%) xuống 331,79 điểm, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (0,36%) về mốc 91,13 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức rất cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 29.700 tỷ đồng.
VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (0,01%) còn 1.298,74 điểm
Cứu cánh chủ yếu cho thị trường là đà tăng hơn 6 điểm đến từ nhóm VN30.
Nhóm dầu khí (GAS, PVD, PVB, PVC, PVS, PVT, BSR…) hay thép (HPG, NKG, HSG, SMC…) giao dịch khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế.
Một số cổ phiếu lớn như BVH, FPT, MSN, VNM, SAB, MWG, BID, NVL…cũng tăng điểm giúp thị trường trở nên cân bằng hơn.
Diễn biến theo nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm phiên hôm nay khi hàng loạt mã bị chốt lời mạnh, giảm sâu, thậm chí giảm sàn như CTS, PSI, HCM, VDS, VIX. Đà giảm cũng diễn ra với hầu hết các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như DIG, CTD, FCN, HBC, HDC, IJC, KBC, VGC…
Tương tự, nhiều cổ phiếu logistic (VOS, VIP, PHP, CLL, DVP, DXP, HAH, HMH…) hay các cổ phiếu phân bón (DCM, DPM, BFC, LAS, DDV…) cũng đồng loạt bị chốt lời và giảm sâu trong phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu hàng không hôm nay cũng diễn biến trái chiều. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hôm nay giảm 0,73% về mốc 20.400 đồng/cổ phiếu. "Ông lớn" hàng không này đã giảm liên tiếp nhiều phiên khiến tính chung 1 tháng qua đã mất tới 16,7% giá trị. Mức giảm tính theo quý còn cao hơn với 24,3% giá trị bốc hơi.
Cố phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet Air hôm nay may mắn hơn khi tiếp tục tăng điểm. Đến cuối phiên VJC tăng 2,08% lên mốc 122.800 đồng/cổ phiếu. Tính chung 1 tháng qua mã này vẫn tăng gần 8,3% giá trị.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines hôm nay giảm 0,73% về mốc 20.400 đồng/cổ phiếu.
Liên quan đến ngành hàng không, mới đây Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không. Theo VABA, từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nợ gốc và lãi tăng cao trong khi các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay rất khó khăn...
Đơn cử, lợi nhuận sau thuế quý I của Vietnam Airlines âm gần 5.000 tỷ đồng, là khoản lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng nhận định doanh nghiệp này đang khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020 song dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm nay, các hãng hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không.
Ước tính, Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam đều cho thấy nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không
Để hỗ trợ các hãng hàng không, VABA kiến nghị Ngân hàng nhà nước điều chỉnh thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
VABA kiến nghị mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại, cụ thể là áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Hiệp hội này đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng, với số tiền từ 4.000-5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Tâm lý bi quan của nhà đầu tư vẫn bao trùm lên thị trường khiến VN-Index mất mốc điểm quan trọng.