Bỏ túi hơn 1.400 tỷ, khối tài sản gia đình đại gia Hưng Yên vượt 11.300 tỷ đồng
Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán, gia đình đại gia Hưng Yên này vẫn bỏ túi thêm hơn 1.400 tỷ đồng và sở hữu khối tài sản vượt 11.300 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 15/4), chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh 13,56 điểm, kết phiên ở mức 1.458,56 điểm; HNX-Index giảm 6,98 điểm, xuống mức 416,71 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 23,44 điểm (-1,58%); HNX-Index giảm 15,31 điểm (-3,54%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 608 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 20,35% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 75 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 17,18% so với tuần giao dịch trước.
Trái ngược với đà lao dốc của các chỉ số trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiếp tục có một tuần giao dịch ấn tượng khi ghi nhận mức tăng 14,81% so với tuần liền trước, tương đương mức tăng 32.000 đồng/cổ phiếu trong tuần vừa qua để đóng cửa ở mức giá 248.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng của DGC không chỉ mang lại niềm vui cho các cổ đông của doanh nghiệp, mức tăng mạnh của mã cổ phiếu này cũng mang về cả nghìn tỷ đồng cho gia đình đại gia Đào Hữu Huyền.
Khối tài sản của ông Đào Hữu Huyền và con trai Đào Hữu Duy Anh tăng mạnh cùng đà tăng của cổ phiếu DGC
Theo báo cáo quản trị doanh nghiệp năm 2021 của DGC, ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng vợ và con trai, con gái đang trực tiếp sở hữu hơn 45,56 triệu cổ phiếu doanh nghiệp. Với mức tăng mạnh của DGC trong tuần giao dịch vừa qua, khối tài sản của gia đình đại gia quê Hưng Yên này ghi nhận mức tăng 1.458 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối tài sản của đại gia 66 tuổi ghi nhận mức tăng thêm hơn 1.013 tỷ đồng lên 7.317 tỷ đồng.
Với việc DGC chốt phiên giao dịch ngày 16/4 với mức giá 248.000 đồng/cổ phiếu, khối tài sản gia đình đại gia Đào Hữu Huyền đang trực tiếp sở hữu cũng đã vượt 11.300 tỷ đồng, trong khi giá trị vốn hóa của doanh nghiệp cũng vượt 42.427 tỷ đồng. Hiện DGC cũng trở thành mã cổ phiếu cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Đà tăng mạnh của DGC trong tuần vừa qua là thông tin Hội đồng quản trị công ty thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 117%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu thì được nhận 117 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Ngoài ra, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, việc ban lãnh đạo DGC ước lãi sau thuế quý I/2022 đạt 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm ngoái, cũng tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Công ty dự báo năm nay doanh thu đạt hơn 14.000 tỷ đồng và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ xấp xỉ 4.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 46,6% và 71,5% so với cùng.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch tới, các chuyên gia của CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính giảm để chỉ số đại diện VN-Index kiểm định mức đáy gần nhất (hỗ trợ yếu) quanh vùng 1.455 điểm. Sự giằng co có thể sẽ xuất hiện tại đây trong một biên độ nhất định nào đó.
Nếu hỗ trợ tại 1.455 điểm này bị phá vỡ, đặc biệt là ở nửa cuối phiên chiều, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà giảm điểm, hướng về hỗ trợ thấp hơn tại vùng 1.440 điểm (đáy tháng 3) hoặc thấp hơn là 1.425 điểm nơi có hỗ trợ của đường MA200 ngày. Ở kịch bản khả quan hơn nếu VN-Index duy trì đóng cửa trên mốc 1.455 điểm, chỉ số này sẽ có cơ hội tăng để kiểm định lại kháng cự MA100 tại vùng 1.485 điểm.
Tương tự, các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) cũng cho khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.450 – 1.455 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.440 - 1.445 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Lạc quan hơn, các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng cơ hội duy trì xu hướng hồi phục của chỉ số vẫn được giữ vững chừng nào điểm đỡ quan trọng quanh 1.44x chưa bị phá vỡ. Đây cũng là chốt chặn phải được bảo toàn nếu không khả năng tiếp tục phá đáy ngắn hạn cần được tính đến.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể gia tăng một phần vị thế trading tại vùng hỗ trợ đã đề cập đối với các cổ phiếu mục tiêu nhưng cần duy trì tỷ trọng ở mức vừa phải, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.
Các chuyên gia của công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục động thái bắt giá thấp trong phiên giao dịch tiếp theo và giúp hỗ trợ cho thị trường.
Theo đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ và hồi phục nhưng cần theo dõi sát diễn biến thị trường. Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do thị trường vẫn đang tiềm ẩn những biến động bất thường, ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.
Theo đó dự án khu đô thị với quy mô 1.775 ha của Tập đoàn FLC tại Bình Phước vừa bị tỉnh này hủy bỏ chủ trương lập quy hoạch.
Nguồn: [Link nguồn]