Bộ trưởng Tài chính nói gì về thị trường chứng khoán Việt Nam?
Trong 2 năm gần đây (thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 tương đương cả giai đoạn 2012-2020), phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật.
Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ ba.
Trong tuần này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, trong đó có vấn đề về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Trong tuần này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội
Theo báo cáo, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP, còn quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP.
Qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.
Báo cáo nêu rõ, thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỷ đồng; huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa đạt khoảng 143.500 tỷ đồng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 637.000 tỷ đồng), tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Một trong những nguyên nhân, theo Bộ trưởng, là thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây (thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 258% so với bình quân năm 2020, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 tương đương cả giai đoạn 2012-2020) phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật.
Trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh. Điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp.
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số giải pháp.
Như phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng thông tin là hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm cũng như tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Về tổ chức điều hành thị trường, người đứng đầu ngành tài chính hứa sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.
Khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đưa tất cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và được giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ khâu phát hành đến giao dịch.
Giải pháp nữa là tích cực triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường, thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động các công ty chứng khoán để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ trưởng cũng không quên nêu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khoán đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.
Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 6/6), một số công ty chứng khoán cho rằng thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index sẽ thể hiện những nỗ lực tăng điểm về phía cuối ngày.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index sẽ thể hiện những nỗ lực tăng điểm về phía cuối ngày. Theo đó, VN-Index sẽ kiểm định lại kháng cự của đường MA5 ngày và đỉnh gần nhất tại 1.295-1.300 điểm. Nếu lực mua đủ mạnh để giúp VN-Index đóng cửa trên vùng này, VCSC kỳ vọng chỉ số có thể sẽ hướng lên kháng cự tiếp theo quanh vùng 1.350 điểm, tạo bởi đường MA50 ngày.
Công ty Chứng khoán BIDV – BSC cũng cho rằng, thị trường đang có nhịp nghỉ tạm thời, tích lũy để tạo đà tăng nếu có thông tin hỗ trợ hoặc sự đồng thuận lớn hơn của dòng tiền trong tuần tới.
Ngược lại, nếu lực mua ở vùng giá cao không mạnh và bị áp đảo trở lại bởi lực bán, VN-Index có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ của đường MA10 tại 1.280 điểm hoặc thấp hơn là MA20 tại 1.255 điểm.
Ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh tiền vẫn kém, thể hiện qua thanh khoản khớp lệnh thấp, là mức thấp nhất từ giữa tháng 5 đến nay. Đồng thời, luôn tiềm ẩn áp lực bán khi thị trường vụt lên gần mức 1.293 điểm của VN-Index.
VDSC dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tranh chấp khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần nhưng với động thái thận trọng của dòng tiền, thị trường vẫn đang tiềm ẩn rủi ro suy yếu của thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua, tạm thời vẫn nên ưu tiên chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Trước hàng loạt động thái kiểm soát thị trường BĐS như siết phân lô bán nền, siết dòng vốn đổ vào BĐS,... thị trường đang bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên mức giá nhiều...
Nguồn: [Link nguồn]