Bầu Đức nỗ lực níu kéo để doanh nghiệp không bị hạ sàn
Nhóm vốn hoá lớn quay đầu giảm điểm đã kéo theo sự quay đầu lao dốc của VN- Index.
Đóng cửa phiên giao dịch 27/1, VN-Index giảm 10,82 điểm (0,73%) còn 1.470,76 điểm, HNX-Index giảm 0,55 điểm (0,13%) xuống 411,27 điểm, UPCoM-Index giảm 0,32 (0,29%) còn 108,73 điểm.
VN-Index giảm 10,82 điểm (0,73%) còn 1.470,76 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Đà giảm nhìn chung đã được thu hẹp phần nào về cuối phiên chiều, tuy nhiên VN-Index đã không thể duy trì sắc xanh sau hai phiên hồi phục trước đó.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng giao dịch kém tích cực với nhiều mã giảm điểm, thậm chí giảm sàn.
Nhóm thép đang chịu áp lực điều chỉnh với hàng loạt mã giảm như HPG, HSG, NKG, TIS, TLH, VGS…
Điểm sáng trong phiên chiều được chứng kiến ở nhóm cổ phiếu chứng khoán với nỗ lực hồi phục sau chuỗi phiên điều chỉnh.
HAG đang ở vùng giá khá tốt.
Cổ phiếu HAG hôm nay giữ được mốc tham chiếu 12.650 đồng/cổ phiếu sau nhiều nhịp rung lắc. Toàn phiên có hơn 8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Điều đáng nói, đến cuối phiên lượng dư mua còn đến hơn 13 triệu cổ phiếu trong khi chỉ dư bán khoảng hơn 20 nghìn cổ phiếu. Điều này cho thấy HAG đang ở vùng giá khá tốt và được nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin.
Tính chung qua 1 tháng, cổ phiếu của bầu Đức đã mất hơn 12,7% do đà lao dốc của thị trường giai đoạn này. Tuy nhiên tính chung qua 1 quý mã cổ phiếu của bầu Đức vẫn đang tăng tới 151% giá trị.
Tình hình “con cưng” của bầu Đức đang dần khởi sắc.
Liên quan đến mã cổ phiếu này, Công ty cổ phầ Hoàng Anh Gia Lai vừa có văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông HAGL về việc cổ phiếu có thể bị xem xét có còn đủ điều kiện niêm yết hay không.
Vì vậy, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/11/2021, cổ đông HAGL đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG.
Trên cơ sở đó HAGL xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết, bởi các cổ đông HAGL mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm.
Được biết, hiện HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng; xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản.
Đồng thời doanh nghiệp cũng xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu công ty An Phú. Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.
HAGL còn có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.
Sang năm 2022, doanh nghiệp được điều hành bởi bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ và có lãi sau thuế đến 1.120 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước những biến động lớn của thị trường chứng khoán và đà tăng sốc của giá vàng trong những ngày đầu năm 2022,...