Xu hướng sắm áo dài Tết sớm
Nhiều người mua áo dài Tết từ đầu tháng 12 để tranh thủ giá chưa đội lên, mẫu mã đa dạng và còn nhiều size.
Áo dài ngày càng trở thành xu hướng hot và gần gũi với đời sống hàng ngày. Nếu trước đây, áo chỉ được người lớn tuổi lựa chọn vào dịp Tết, các sự kiện trang trọng như lễ tốt nghiệp, cưới hỏi, nay áo được nhiều bạn trẻ mặc dạo phố.
Chiều cuối tuần giữa tháng 12, Quỳnh Hoa, 25 tuổi, làm nghề kinh doanh mỹ phẩm, cùng nhóm bạn năm người đến một tiệm quần áo trên phố Chùa Bộc, Hà Nội để tìm mua áo dài. "Dạo qua Facebook thấy nhiều bộ đẹp quá nên chị em rủ nhau đi sắm để chụp hình luôn, tranh thủ trời mấy hôm nay cũng đẹp nữa. Gần đến Tết trời lạnh, nhiều việc nên diện áo sẽ không thích bằng bây giờ", Quỳnh Hoa nói.
Cùng thời điểm, Minh Phương, nhân viên văn phòng 31 tuổi, tranh thủ lúc con đi học ghé qua phố Hội Vũ, Hà Nội, xem áo. Chị cho biết năm nay muốn chơi Tết sớm hơn nên từ đầu tháng đã "ngó nghiêng" nhiều mẫu trên mạng và cửa hàng, sắm sửa đi chơi Tết dương và âm. Minh Phương nói: "Tôi không kén chọn kiểu dáng, miễn có màu dịu dàng hợp gu là mua. Cách đây vài ngày tôi săn được mẫu áo dài hồng phấn giảm giá chỉ có 189.000 đồng. Rẻ nên tôi mua luôn một bộ xanh bạc hà cho con trai. Chất liệu không tệ, mặc để chụp ảnh và đi chơi vẫn đẹp".
Chị Minh Phương đi sắm áo dài Tết từ giữa tháng 12 tại một cửa hàng ở phố Hội Vũ, Hà Nội. Ảnh: Ý Ly
Năm nay, thị trường áo dài lên cơn "sốt" cận dịp lễ Giáng sinh. Chị Hoa và Phương là hai trong số người đi sắm áo sớm do Tết Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày 29/1 đến 2/2. Ở mùa Tết Giáp Thìn 2024, thống kê của Metric - nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử, cho biết người Việt chi 41,5 tỷ đồng một tháng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên bốn sàn thương mại điện tử lớn. Mức này tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Nắm bắt được nhu cầu áo dài ngày càng cao của người dân, nhiều thương hiệu địa phương (local brand) ở Hà Nội và TP HCM đã "chạy đua", lên kế hoạch thiết kế, sản xuất áo từ cách đây hai tháng và mở bán từ cuối tháng 11. Áo dài năm nay không chỉ xuất hiện ở những tiệm chuyên buôn bán sản phẩm này mà còn ở những cửa hàng bán quần áo bình thường.
Hà Anh, 38 tuổi, chủ tiệm quần áo ở Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, cho biết dịp Tết Giáp Thìn kiếm được doanh thu "khủng" từ việc bán áo dài nên năm nay đã chuẩn bị sớm và kỹ càng. Chị nói: "Tôi không chuyên áo dài, chỉ là làm thêm thắt mà năm ngoái bán được 3.000 bộ một tháng, thu về 4,5 tỷ đồng. Nên năm nay tôi quyết định kinh doanh sớm trước Tết hai tháng để mọi người có thêm lựa chọn". Hà Anh cho biết một số mẫu hiện "cháy hàng", đang liên tục sản xuất thêm.
Một số mẫu dài Tết được các local brand lăng xê, như áo dài sequin (trái), áo dài cách tân (giữa) và áo suông in họa tiết lấy cảm hứng từ cổ phục. Ảnh: Mare, H2B à la Mode, Petbychang
Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, các bộ sưu tập được quảng cáo rầm rộ trong khoảng một tuần nay. Hầu hết trang phục gợi ý phối quạt giấy, chụp theo hơi hướng hoài cổ. Năm xu hướng chính được các thương hiệu lăng xê gồm áo dài lụa đơn sắc dáng suông kiểu thập niên 1930, áo đính kết sequin, áo in họa tiết cách điệu lấy cảm hứng từ cổ phục, áo gấm mang hoa văn hoa lá và áo cách điệu táo bạo từ trang phục phương Tây. Chất liệu được ưa chuộng gồm lụa và gấm dệt công nghiệp của làng Vạn Phúc (Hà Đông), Nha Xá (Hà Nam), voan và nhung.
Ngoài mẫu mã đa dạng, biên độ giá sản phẩm cũng phong phú, phù hợp nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, người đi làm. Với các thương hiệu địa phương, mỗi chiếc áo thuộc dòng cao cấp, tùy chất liệu và kỹ thuật may đo, có giá trung bình 2-5 triệu đồng một bộ. Áo dòng bình dân có thể mặc hàng ngày hoặc phục vụ chụp hình có giá mềm hơn khoảng 300.000-800.000 đồng một bộ. Theo chị Hà Anh, dòng này dễ bán hơn. Ở những nhà mốt có tiếng, giá thường từ 8 triệu đồng trở lên một chiếc áo, chưa tính quần.
Các bạn trẻ chụp ảnh áo dài trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, hôm 21/12. Ảnh: Ý Ly
Ngoài lý do Tết đến sớm, nhiều người mua quyết định mua sắm trong thời điểm này vì có nhiều mẫu để lựa chọn, giá rẻ hơn và còn nhiều size. Uyển Nhi, 40 tuổi, chủ cửa hàng online có trụ sở ở TP HCM, cho biết càng gần Tết, các tiệm sẽ tung ra những bộ sưu tập chủ lực với kiểu dáng đẹp mắt hơn, đi kèm đẩy giá cao hơn. "Nếu không săn sớm, khách có thể sẽ bỏ lỡ những mẫu mình thích hoặc vừa vặn mà giá hợp lý. Sát kỳ nghỉ, các cửa hàng thường không nhận sản xuất thêm đồ vì công nhân nghỉ sớm", chị nói.
20 năm nghiên cứu và giảng dạy thời trang, nhà thiết kế Vũ Việt Hà nhận định dòng thời trang ứng dụng trong nước bão hòa cũng là nguyên nhân khiến thị trường áo dài bùng nổ sớm. Sự ra đời của hàng loạt local brand, các cửa hàng quần áo vật lý và trực tuyến giữa bối cảnh kinh tế suy thoái dẫn tới việc thừa cung thiếu cầu, buộc các cửa hàng chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng Tết sớm để cải thiện doanh thu.
Ngắm nhìn trang cá nhân của các nàng hậu Việt, dễ biết đâu là xu hướng áo dài được ưa chuộng cho ngày Tết 2024.
Nguồn: [Link nguồn]
-27/12/2024 00:00 AM (GMT+7)