Váy hở ngực, áo sát nách gắn mác áo dài gây tranh cãi

Một số thương hiệu gây tranh cãi vì bán sườn xám Trung Quốc, váy ngắn ngang đùi nhưng vẫn gọi là áo dài. Trước tình trạng này, chuyên gia cho rằng cần phân biệt rõ áo dài truyền thống, áo dài cách tân với áo thời trang. 

Cộng đồng mạng bất bình

Tết Nguyên đán tới gần, giới trẻ nô nức sắm sửa áo dài để chụp ảnh Tết. Các thương hiệu thời trang lớn nhỏ dịp này cũng hoạt động hết công suất để phục vụ khách. Tuy nhiên, một số thương hiệu gây tranh cãi vì bán sườn xám Trung Quốc, váy ngắn nhưng vẫn gọi là áo dài.

Một thương hiệu thời trang có trụ sở tại quận 3, TPHCM bán bộ sưu tập trang phục được gọi là áo dài, nhưng chỉ ngắn tới đầu gối và không có tà.

Chiếc váy được giới thiệu là "áo dài cách tân".

Một sản phẩm khác của thương hiệu này có thiết kế tương tự sườn xám - trang phục truyền thống của Trung Quốc, vẫn được cộp mác áo dài. Trang phục được may bó, tay ngắn, cổ áo đứng, có viền.

Cuối năm 2024, một cửa hàng có địa chỉ tại quận 2, TPHCM bán trang phục gọi là "áo dài Thịnh Vượng" với áo quây ngực và quần dáng rộng.

Nhiều người bất bình khi thương hiệu thiếu hiểu biết về áo dài, gắn áo dài với những trang phục thiếu vải. Một tài khoản trên Threads bình luận: "Thấy một nhóm chụp ảnh ở Chùa Bà Thiên Hậu (TPHCM), tôi nghĩ họ bán sườn xám. Ai ngờ tháng sau thấy họ đăng bán bộ trang phục đó, ghi là áo dài".

Tài khoản Quỳnh My viết: "Không thể xẻ hai cái tà rồi gọi đó là áo dài, nhìn khó chịu vô cùng".

Váy quây cũng được một cửa hàng thời trang gắn mác áo dài.

Váy quây cũng được một cửa hàng thời trang gắn mác áo dài.

Chị Nguyễn Hoàng Anh - nhà sáng tạo nội dung chuyên về thời trang trên TikTok - cho rằng những thương hiệu thời trang làm sản phẩm truyền thống cần nghiên cứu cẩn thận.

"Tôi phản đối những mẫu áo dài được gọi là cách tân nhưng làm quá đà, đến mức không còn nhận ra đó là áo dài nữa. Có bộ xuyên thấu, cắt xẻ bừa bãi, hở da thịt gây phản cảm. Có bộ áo rõ ràng làm cổ tàu, thiết kế kiểu sườn xám", chị Hoàng Anh nói.

Sau khi bị cư dân mạng chỉ trích, các thương hiệu âm thầm sửa bài viết trên mạng xã hội bằng cách xóa chữ "áo dài", thay bằng "đầm" hoặc "set váy".

Giới hạn của cách tân

Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm - cố vấn CLB Đình làng Việt - cho rằng cần phân biệt rõ áo dài truyền thống, áo dài cách tân với áo thời trang. Ông khẳng định không thể gọi váy ngắn đến đùi, váy quây, hở cả cánh tay là áo dài.

Đầu thế kỷ 20, phần đông phụ nữ thành thị may áo dài theo thể năm thân, hay năm tà. Áo lùng thùng, quần đũng thấp, chỉ có màu nâu hoặc đen. Trong Nam có những lối mặc khác, áo nhiều màu hơn.

Ông Trần Đoàn Lâm - chuyên gia nghiên cứu về áo dài.

Ông Trần Đoàn Lâm - chuyên gia nghiên cứu về áo dài.

Làn sóng cách tân trang phục phụ nữ xuất hiện từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Phong trào cải cách y phục nữ giới do họa sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng. Khi kỹ thuật dệt vải được cải tiến và khổ vải được tăng chiều rộng, nhiều nhà thiết kế áo dài giản lược đi phần nối giữa sống áo để chỉ còn có ba thân.

Trên tuần báo Phong hóa số 86 (23/2/1934), họa sĩ Cát Tường đưa quan niệm của ông về cải cách áo dài: "Áo mặc phải ăn với người, phải có đường lối văn minh thì vẻ đẹp ấy mới có thể để lộ ra ngoài được. Sau nữa kiểu mẫu phải tùy theo từng người mà thêm bớt...”.

Áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường được thiết kế dựa trên dáng áo dài ba thân đã ra đời trước đó. Áo dài Lemur có cổ tròn hay cổ lá sen, nhún bèo hoặc khoét rộng để hở cổ, viền đăng ten. Vai áo may bồng hoặc không có tay, lưng để hở đến eo.

Về màu sắc, ông chủ trương từ bỏ màu thâm nâu truyền thống, ưu tiên gam thanh nhã và tươi sáng.

Nhắc lại những dấu mốc lịch sử của áo dài, TS Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh ranh giới của việc cách tân. "Cách tân là thay đổi chi tiết nhưng không làm ảnh hưởng tới bản dạng, bản sắc của áo dài truyền thống. Áo dài cách tân vẫn phải bảo đảm những đặc trưng của áo dài truyền thống, mặc lên không bị na ná những loại áo khác", chuyên gia nói.

Nhiều họa sĩ, nhà thiết kế cải tiến áo dài để tôn vinh nét duyên dáng của phụ nữ.

Áo dài truyền thống có quy chuẩn riêng về chiều dài, rộng, dáng cổ... Vì vậy, TS Trần Đoàn Lâm cho rằng các thương hiệu thời trang nên phân định rõ trong cách gọi, không để áo dài truyền thống lẫn lộn với áo thời trang.

"Rất nguy hiểm nếu áo dài truyền thống bị hiểu sai. Giải pháp cho tình trạng này là lan tỏa vẻ đẹp áo dài truyền thống bằng những buổi nói chuyện, giáo dục di sản với lớp trẻ, khuyến khích mặc áo dài ở những sự kiện, không gian văn hóa phù hợp", ông Lâm nói với Tiền Phong.

Nhiều người mua áo dài Tết từ đầu tháng 12 để tranh thủ giá chưa đội lên, mẫu mã đa dạng và còn nhiều size.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu An ([Tên nguồn])
Xu hướng thời trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN