Thượng đế dở khóc, dở cười khi mang đồ hiệu đắt tiền đi "spa"
Chi phí phục hồi, sửa chữa đồ hiệu có khi lên tới nghìn đô nhưng nhiều khách hàng lại bỏ tiền mua… sự bực mình.
Những tình huống dở khóc, dở cười
Gần 4 năm làm nghề sửa đồ hiệu, anh Nguyễn Quang Minh (Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM) đã gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười và bài học “xương máu”. Có lần, anh nhận “tút” lại một đôi giày cũ mà theo khách hàng nó có giá hơn 45 triệu đồng. Vì kinh nghiệm phân biệt hàng hiệu với hàng fake (hàng giả) chưa nhiều nên anh không để ý. Nhận lại món đồ, vị khách nằng nặc bảo đôi giày họ nhận được là hàng fake, không đúng như bàn giao lúc đầu.
Choáng váng, đưa đi kiểm định thì đúng là đôi giày fake siêu cấp. Biết đã mắc bẫy người gian, anh đành ngậm ngùi bỏ tiền túi trả cho khách. Còn bây giờ, chỉ cần nhìn qua anh cũng có thể phân biệt được gần chính xác giá trị món hàng và những vấn đề chúng đang gặp phải.
Ngoài việc bị mắc bẫy khách hàng, có nhiều trường hợp cửa hàng phải đền tiền vì làm hỏng sản phẩm. Bởi các sản phẩm hàng hiệu đều sản xuất thủ công nên việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng phải thực hiện hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, hạn chế tối đa sai sót.
Nghề sửa chữa, bảo dưỡng đồ hiệu đang trở nên "hot" ở Việt Nam trong mấy năm trở lại đây.
Ở đây, hàng ngày nhận một khối lượng lớn các món đồ cần “spa”. Vì nhu cầu sử dụng đồ hiệu của người dân có xu hướng gia tăng nên dịch vụ làm mới, làm đẹp đồ hiệu đã qua sử dụng cũng ăn nên làm ra.
Tùy theo mức độ và tình trạng hỏng hóc của món đồ mà có giá khác nhau. Có khi chỉ vài trăm đồng nhưng có khi lên tới vài triệu đồng hoặc chục triệu đồng đối với những ca khó. Theo ông chủ cửa hàng bật mí, thu nhập từ việc sửa chữa, bảo dưỡng hàng hiệu có thể lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Phụ kiện và nguyên liệu sửa chữa khá khó tìm. Giá tút tát lại món đồ có khi cũng gần bằng mua mới nhưng khách hàng vẫn chịu móc hầu bao, vì để nguyên trạng rất khó sử dụng, còn bỏ đi thì phí.
Trường hợp của chị Phan Thanh Ngân (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã rất chịu chi khi bỏ ra 30 triệu đồng thay thế cái móc khóa vàng của chiếc túi Hermes Birkin yêu thích. Vì xót chiếc túi trị giá gần 200 triệu nhưng bị gãy móc khóa, chị ngậm ngùi ra cửa hàng đồ hiệu để làm mới. Hay chị Mai Thanh (Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), nổi tiếng sành điệu, sành đẹp và tín đồ của hàng hiệu, chị là khách hàng thân thiết của cửa hàng “spa” đồ hiệu trên phố Hà Trung. Không đợi đến lúc đồ có vấn đề chị mới mang ra cửa hàng mà chị bảo dưỡng định kỳ hàng tháng.
Theo chị, đồ hiệu chất liệu xịn nhưng nếu không sử dụng thường xuyên thì cũng rất dễ bị mốc, ố và giảm tuổi thọ. Nên chị mất một khoản tiền vài chục triệu mỗi tháng để giữ cho chúng luôn mới. Trước đây, khi ở Việt Nam chưa có dịch vụ “spa” đồ hiệu, chị phải gửi sang nước ngoài để bảo dưỡng mà chi phí cao hơn rất nhiều, thời gian chờ đợi lại lâu.
Mỗi lần "spa" có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu đối với những "ca" khó.
Chi khoản tiền giá “cắt cổ” đã đành, không ít trường hợp đưa đồ hiệu đi spa rồi bị thất lạc hoặc lúc nhận lại sản phẩm không phải của mình là chuyện rất hay gặp hoặc sản phẩm nhận về còn tệ hơn lúc bàn giao vì gặp cửa hàng làm ăn thiếu uy tín, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Tỉnh táo khi “chọn mặt gửi vàng”
Là chủ cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng đồ hiệu tại phố Đường Thành (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Hải cho biết, đây là một nghề có từ lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới xuất hiện vài năm trở lại đây, rất nhiều món đồ giá trị tưởng chừng phải bỏ đi nhưng sau khi “qua tay” các cửa hàng thì lại trở nên như mới. Ngoài việc làm mới, đánh bóng, tẩy ố, mốc thì các vấn đề khác như: hàn đế, khắc phục chỗ bong tróc da, khôi phục màu da nguyên bản, thay phụ kiện tương thích…
Bằng công nghệ đặc biệt, những sản phẩm hàng hiệu cũ tưởng chừng phải bỏ đi sẽ được khôi phục ở mức độ nào đó
Vì nhu cầu sử dụng đồ hiệu của người dân có xu hướng gia tăng nên dịch vụ làm mới, làm đẹp đồ hiệu đã qua sử dụng cũng đang đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, hiện nay vì chạy theo lợi nhuận nên một số cửa hàng đã bỏ qua chất lượng dịch vụ. Nhiều khách hàng đã "méo mặt" khi nhận lại sản phẩm của chính mình.
Anh Trần Minh Nhân (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Tôi từng là nạn nhân của một cửa hàng sửa chữa hàng hiệu kém uy tín, lúc nhận lại sản phẩm rất đẹp, rất long lanh nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì da bị bong, tá hỏa đi kiểm tra thì mới biết họ dùng nguyên liệu kém chất lượng để tân trang. Sau đó tôi cạch đến già"
Không ít khách hàng cũng tiết lộ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, chuyện túi xách bị bạc màu, giày mất đi độ mới, khóa không còn sáng bóng... như lúc mới nhận hàng từ cơ sở sửa chữa, mặc dù giá tút tát vài triệu đồng.
Ở trong giới sửa chữa, khôi phục hàng hiệu, người ta hay "rỉ tai" nhau những mánh khóe, tiểu xảo có thể "tút" lại hàng đã cũ một cách nhanh chóng và tinh vi nhất mà giá thành cực rẻ. Thông thường các nguyên liệu để đánh bóng da xịn thường phải nhập khẩu ở nước ngoài, những hãng có uy tín nên giá thành khá đắt đỏ. Chính vì thế, các chủ cửa hàng tân trang, sửa chữa đồ cũ chẳng dại gì nhập về. Tuy nhiên, chính vì sử dụng nguyên liệu rẻ, kém chất lượng vô tình làm cho tuổi thọ của sản phẩm ngắn đi, mất lòng tin của khách hàng.