Thời trang Việt: Chú tắc kè hoa đổi màu
Sự thâm nhập của các nhãn hàng thời trang xa xỉ như Chanel, LV, Hermes, Gucci, Armani… trên các con phố lớn như Ngô Quyền, Đồng Khởi cho thấy Việt Nam được đánh giá là một thị trường triển vọng và tiềm năng.
Thời trang là một guồng quay sáng tạo bất tận dựa trên những thứ cũ kỹ. Hôm nay, cùng với chuyên đề "60 năm bồi hồi ngoảnh lại", chúng ta hãy cùng đi trên chuyến tàu thời gian quay ngược trở lại từ những thập niên 50 – 60 đến hiện nay để điểm lại những nét đặc sắc đầy biến động của thời trang Việt Nam. Kỳ 1: Thời kỳ bao cấp và tiền bao cấp |
Internet – bạn tốt của thời trang
Thế kỷ 21 đánh dấu sự chuyển động đáng ngạc nhiên của thời trang Việt Nam. Các xu hướng thay đổi dồn dập hơn, đa dạng hơn, các tín đồ thời trang Việt nắm bắt những trào lưu mới và áp dụng nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet. Và cũng từ đây, giới thanh niên bị choáng ngợp bởi đủ loại phong cách và sự đổi thay chóng mặt của thời trang. Một bộ cánh hôm nay hợp gu, chỉ vài tháng sau đã trở nên lỗi mốt. Chẳng hạn chân dung của một chàng sành điệu là năm nay diện quần tụt, xích bạc lấp lánh hầm hố kiểu hip hop, năm sau đã thấy áo chẽn, quần skinny bó sát đúng chất thời trang unisex, lâu lâu nữa đã thấy vận vest 1 cúc, carvat bản nhỏ Hàn QUốc bảnh bao…
Quần tụt hip hop những năm đầu thế kỷ
Và các biến thể thời hiện đại
Phong cách unisex
Chúng ta thấy sự tồn tại ngắn ngủi của quần cạp cực trễ ống vẩy do Britney lăng xê trong MV “I'm not a girl, not yet a woman”, sau đó bị thay thế bằng quần cạp cao quá rốn ống côn, rồi lại trộn lẫn cạp trễ skinny bó sát, quần cạp cao ống loe... Thời trang cứ thế, thay đổi, xoay tròn, pha trộn, biến tấu… khiến dù vẫn kiểu ấy mà vẫn khiến giới hâm mộ đảo điên chạy theo.
Sự xoay vần của mốt ống loe trong 60 năm qua
Cuộc tấn công ngọt ngào của các xu thế thời thượng
Có thể nói, nhờ mạng internet giới hâm mộ thời trang Việt nắm bắt xu hướng mới ngày càng nhanh nhạy , từ phong cách harajuku của Nhật, cho tới trào lưu ăn theo sàn diễn của các hãng thời trang đình đám. Chẳng hạn như mốt họa tiết da thú do DG hay Robetto Cavalli tiên phong ngay lập tức gây sốt cho các fashionista Việt. Đi đâu cũng thấy họa tiết động vật (animal printed) phủ sóng, không khăn ngựa vằn thì cũng quần da báo… Ngoài ra còn nhiều xu hướng thịnh hành khác như ren (lace) lấy từ cảm hứng váy cưới công nương Kate Middleton hay bộ sưu tập ren của Valentino, chất liệu xuyên thấu (sheer) của nhà dior, váy liền tối giản ôm sát của Victoria Beckham… cũng được ưa thích đặc biệt.
Tín đồ thời trang trên phố những năm 90
Sự chuyển biến của váy ngắn năm 2012
Tất nhiên để mua những món hàng hiệu nghìn đô này luôn vượt quá thu nhập khả năng của đại đa số người dân, giải pháp cho tín đồ thời trang Việt đó là sự đổ bộ của các nhãn hàng hiệu bình dân nước ngoài như Zara, H&M, Fcuk, Mango… Những nhãn hàng này rất khôn ngoan, bắt kịp (mà theo cách nói của giới phân tích là “chép”) theo mẫu mã của các thương hiệu nghìn đô nói trên. Từ đó, các xu hướng như áo choàng không tay (cape), nam tính hóa (menswear), quân đội (military), màu sắc sặc sỡ (colour block), ánh kim (glitter), vintage hay in hoa (flower printed)… được người Việt tiếp cận và sở hữu dễ dàng hơn nhiều. Đồng thời, bù lại các nhãn hàng với mức giá bình dân trên cũng có chỗ đứng, và luôn là những nhãn hàng rất được ưa chuộng trong giới trẻ Việt Nam.
Thời trang Zara luôn hớp hồn giới trẻ bởi kiểu dáng hợp mốt, giá cả hợp lý
Điểm sáng và mảng tối thời trang Việt
Với thị trường nhân công giá rẻ, tay nghề khá, có nguồn cung cấp chất liệu bền đẹp thì chính các công ty may trong nước lại là nơi sản xuất và xuất khẩu khá nhiều các sản phẩm cho các hãng H&M, Zara… nói trên. Tất nhiên là với mẫu mã hợp thời do chủ đầu tư cung cấp. Từ ấy nảy sinh ra một làn sóng người người dùng hàng “made in Viet Nam”. Sản phẩm bán ra chủ yếu là hàng xuất dư, hàng lỗi, hàng nối chuyền… thậm chí cả hàng Tàu trà trộn vào. Dù chưa chắc có đủ tinh tường phân biệt được hàng thật – giả, thì xu thế sử dụng hàng thời trang “made in Viet Nam” vẫn đã và đang rất phổ biến hiện nay.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thời trang Việt, các nhà thiết kể ngày một đông đảo và sáng tạo hơn. Và trong số đó có rất nhiều gương mặt tạo dựng được cá tính riêng biệt trong thương hiệu của mình, ví dụ như Phương My, Huy Võ, Đỗ Mạnh Cường, Kelly Bùi, Mai Lâm... Tuy nhiên các món đồ thiết kế trong nước cũng có giá rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu nên không phải ai cũng tiếp cận được.
Một mẫu thiết kế độc đáo của NTK Phương My
Sự thâm nhập của các nhãn hàng thời trang xa xỉ như Chanel, LV, Hermes, Gucci, Armani… trên các con phố lớn như Ngô Quyền (Hà Nội), Đồng Khởi (TP.HCM) cho thấy Việt Nam được đánh giá là một thị trường triển vọng và tiềm năng. Sự “sính”, cuồng si mác hàng hiệu cao cấp còn thể hiện không chỉ ở việc một quý bà sẵn sàng chi hàng trăm triệu cho một chiếc túi Birkin Hermes, mà còn ở một sự thật là hình ảnh các món đồ hàng hiệu nhái (hàng fake) LV, Hermes… tràn lan ở khắp nơi, từ chợ cho tới trên các diễn đàn mua bán online. Rất nhiều người tiêu dùng hết sức ưa thích các sản phẩm fake này vì vừa rẻ (bằng khoảng 1/10) lại thỏa mãn điềm đam mê sở hữu với nhãn hàng. Tuy nhiên đây chắc chắn không phải là một hình ảnh tích cực cho sự phát triển của thời trang Việt Nam.
Ở Việt Nam ai cũng có thể sở hữu 1 chiếc “Hermes” vì hàng fake ở khắp nơi với giá rẻ.
Chiếc váy xòe đáng tiền của người đẹp Lý Nhã Kỳ và "phiên bản gốc"
Lời kết
Nhìn lại 60 năm trở lại của thời trang trong nước; từ thời kỳ đói khổ, loạn lạc cho tới giai đoạn hòa bình, mới thấy thời trang quả nhiên không chỉ là một danh từ nói về cách ăn vận hợp thời mà thời trang chính là Văn Hóa và Lối Sống đi liền với mỗi cá nhân người Việt.