Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ!

Thời trang Việt vẫn thiếu một đầu tàu thật sự, cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đào tạo về nghề, các nhà thiết kế và cả doanh nghiệp.

Chính thức gia nhập Hiệp hội Thời trang châu Á (AFF) từ tháng 11/2009, nhưng đến nay, dường như thời trang Việt vẫn chưa khẳng định được bản sắc riêng của mình so với các “đại gia” trong ngành ở khu vực này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, một số nhà thiết kế gốc Việt đã góp phần làm rạng danh thời trang Việt ở nước ngoài như Minh Hạnh, Lucy Dang, Barbara Bui, Hoàng Hải, … Trong nước, một số nhà thiết kế trẻ cũng đã bắt đầu khẳng định được tài năng của mình nhờ sự nỗ lực, đam mê sáng tạo, yêu nghề như Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, Trương Thanh Hải... Tuy nhiên, thời trang Việt vẫn chỉ là sân chơi còn nhiều bỏ ngõ, bởi thiếu một đầu tàu thật sự cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đào tạo về nghề, các nhà thiết kế và cả doanh nghiệp.

“Miếng bánh” chưa được chia đều

Với dân số gần 90 triệu người, lượng dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn với tính cách năng động, ham thích cái mới và mong muốn sành điệu hơn trong cuộc sống cũng như trong cách ăn mặc, Việt Nam thật sự là một trong những “miếng bánh” ngon dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Chính vì vậy nên chỉ trong vòng 2-3 thập kỷ, sau khi đất nước mở cửa hội nhập, hàng loạt thương hiệu thời trang đình đám trên thế giới đã có mặt và chiếm được vị thế khá vững chắc trong lòng dân sành thời trang Việt. Hàng loạt con phố thời trang mọc lên nhộn nhịp trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội…

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là, trong khi lĩnh vực kinh doanh thời trang đang hết sức sôi động, thì theo thống kê năm 2010, có đến hơn 60% thị trường thời trang Việt đang bị các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh, “chủ nhà” là các doanh nghiệp Việt lại phải nỗ lực từng ngày để duy trì 40% còn lại trên thị trường, với rất ít các thương hiệu tạo được dấu ấn riêng.

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 1 Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 2

Cũng như dân Trung Quốc, tâm lý “sính hàng ngoại” của người Việt đã và đang được các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới “khai thác” tối đa 

Loay hoay với bài toán “chuyên nghiệp”

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, Việt Nam dù được đánh giá là thị trường thời trang đầy tiềm năng, nhưng doanh nghiệp chỉ mới khai thác khoảng 10-20% chuỗi giá trị của sản phẩm thời trang, nghĩa là phần đông chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất, gia công. Trong khi đó, chuỗi giá trị hoàn chỉnh phải bao gồm “thiết kế - sản xuất – làm thương hiệu – phân phối”. Điều này lý giải nghịch lý rất lớn trong ngành thời trang nước nhà, đó là trong khi yếu thế trên sân nhà, các doanh nghiệp hàng may mặc Việt từ lâu lại là nhà máy sản xuất và thi công của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như H&M, Zara… nhờ lợi thế nhân công rẻ.

Xét về khía cạnh thiết kế, có thể thấy rất rõ, Việt Nam hoàn toàn thiếu hụt trong khâu đào tạo nghề thiết kế chuyên nghiệp, bài bản để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là dàn thiết kế vừa phải có ý tưởng sáng tạo, vừa đáp ứng yêu cầu về sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, đào tạo thiết kế thời trang ở nước ta vẫn còn loay hoay giữa hai bất cập lớn: đào tạo ý tưởng là chính nên thiếu hụt về kiến thức kỹ thuật, hoặc đào tạo về kỹ thuật lại thiếu ý tưởng thiết kế. Với lối dạy và học “lý thuyết át thực hành”, các bạn trẻ khi ra trường khó có cơ hội vận dụng kiến thức đã học vào nghề.

Đối với các nhà thiết kế (NTK) đã có sự cọ xát với nghề, lại xảy ra một nghịch lý không nhỏ khác, đó là thay vì ở các nước có ngành công nghiệp thời trang phát triển, NTK phải thiết kế ứng dụng trước, để sản phẩm được khách hàng ưa thích, sau đó mới nghĩ đến chuyện phát triển sản phẩm cao cấp có phong cách riêng, thì tại Việt Nam, NTK nào cũng gắng “bay bổng” để tạo dấu ấn riêng cho mình rồi mới gia nhập thị trường. Và hậu quả là, có không ít NTK không theo kịp với những kỹ thuật thiết kế công nghiệp hiện đại, cũng có NTK đưa ra sản phẩm quá mới, thị trường không chấp nhận... Thế là NTK chuyển từ làm cho doanh nghiệp sang tự mở nhãn hiệu riêng. Còn doanh nghiệp thời trang thì truy lùng mẫu thiết kế từ các đối tác xuất khẩu khi thực hiện gia công hoặc copy từ các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Ngành thời trang Việt Nam vì thế đang trong tình trạng không có đầu tàu, dẫn đến không thể phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 3

Trong khi là nơi gia công đáng tin cậy cho các hãng thời trang nước ngoài, các doanh nghiệp thời trang Việt vẫn còn đang loay hoay trong bài toán cạnh tranh với các “đại gia” hàng hiệu, hàng Trung Quốc lẫn doanh nghiệp thời trang trong nước

Bàn về khía cạnh sản xuất vốn được xem là khâu tốt nhất của các đơn vị dệt may trong nước. Nhưng trong khâu này lại vướng đến khiếm khuyết ở khâu dệt – nhuộm – hoàn tất, do hơn 70% nhà máy dệt ở nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ cần thay đổi. Chưa kể theo Ông Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Viện mẫu Thời trang Fadin nhận xét, thì lĩnh vực hóa nhuộm khá quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang, vì đây là công đoạn quyết định màu sắc, chất liệu vải khi sản xuất, nhưng các doanh nghiệp muốn đột phá thì phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí rất cao. Nghịch lý ở chỗ trong nước có trường đào tạo nhưng lại chẳng… ai theo học.

Khía cạnh làm thương hiệu hay khâu phân phối hiện lại đang là bài toán khó không chỉ với các doanh nghiệp thời trang trong nước, mà còn là thử thách của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi với các “ông lớn” nước ngoài. Ở yếu tố làm thương hiệu, nếu các thương hiệu nước ngoài luôn sẵn tay chi lớn và có chiến lược bài bản, quy tụ đội ngũ chuyên viên và công ty tư vấn tay nghề cao, thì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn chưa chịu, hay chưa đủ lực để chi cho các hoạt động truyền thông tiếp thị vốn rất tốn kém này. Trong khâu phân phối, chỉ một số thương hiệu lớn như hãng thời trang N, V.T… có hệ thống cửa hàng sang trọng trên khắp cả nước, còn lại hầu hết chủ yếu là hoạt động phân phối nhỏ lẻ, chưa kể phải cạnh tranh với các hàng may mặc giá rẻ từ Trung Quốc …

Tuy nhiên, trong khi loay hoay đối mặt với muôn vàn cái khó, vẫn có nhiều tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp và những người làm thiết kế thời trang tại Việt Nam.

Thời trang Việt dần khởi sắc

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 4

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam quay về với thời trang “Made in Vietnam”

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh thời trang Việt hiện nay chính là lòng yêu nghề, nhiệt huyết dành cho lĩnh vực thời trang nước nhà và ý tưởng sáng tạo của hàng loạt nhà thiết kế trẻ đang lên. Ở trong nước là những nhà thiết kế đã dần khẳng định được vị thế của mình như Hoàng Hải, Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, Phương My… Các nhà thiết kế trẻ này không chỉ xây dựng được thương hiệu riêng cho mình, mà cũng đã sẵn sàng “chịu chi” cho những show diễn hoành tráng phục vụ giới mộ điệu thời trang. Riêng Đỗ Mạnh Cường, trong năm 2012 vừa qua đã tự “bỏ tiền túi” để cho ra đời một chương trình thời trang riêng với chi phí tổ chức hơn 5 tỷ đồng ngay giữa thời buổi kinh tế khá khó khăn. Khoan bàn đến các bộ sưu tập hay ý tưởng thiết kế của Đỗ Mạnh Cường trong show diễn này, chỉ riêng chuyện sẵn sàng tốn kém để chia sẻ ý tưởng và niềm đam mê cũng đã “an ủi” sân chơi thời trang vốn khá đìu hìu trong những năm vừa qua.

Tại nước ngoài, những nhà thiết kế gốc Việt như Lucy Dang, Barbara Bui… cũng đã dần khẳng định được phong cách thiết kế của mình, trong đó có không ít mẫu thiết kế được tham gia trình diễn tại các Tuần lễ thời trang Pháp, Mỹ, hay được các ngôi sao Hollywood ưu chuộng và lăng xê trên thảm đỏ. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là động lực phấn đấu cho lực lượng thiết kế trẻ trong nước.

Một điều an ủi nữa với ngành thời trang Việt hiện nay, là sau bao năm chạy theo các thương hiệu nước ngoài, người tiêu dùng đã dần quay về và dành nhiều tình cảm cho các sản phẩm may mặc “Made In Vietnam”. Trong lúc các mặc hàng may mặc Trung Quốc chứa các thành phần gây độc, gây ô nhiễm môi trường đang bị tẩy chay, người tiêu dùng trong nước bắt đầu tìm về các thương hiệu thời trang trong nước, hay các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, vì chất lượng, mẫu mã phù hợp và giá cả phải chăng.

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 5

Show thời trang của NTK Hoàng Hải diễn ra tại Ý ngày 23/4 vừa qua được báo chí nước ngoài khen ngợi

Trong thời gian qua, các sự kiện về thời trang của Việt Nam như các buổi trình diễn định kỳ “Thời trang và Cuộc sống”, “Thời trang & Phong cách”… hay các Tuần lễ thời trang Xuân – Hè, Tuần lễ thời trang Thu – Đông…, các cuộc thi thiết kế thời trang trong nước và trong khu vực cũng đã được đầu tư tổ chức thường xuyên và bài bản. Đây chính là sân chơi thực tế để các NTK trẻ tham gia giao lưu, cọ xát, học hỏi, nâng cao tay nghề và khả năng sáng tạo.

Theo xu thế chung của ngành thời trang thế giới, phương Đông đang là mảnh đất màu mỡ cho các NTK, cũng như giới mộ điệu thời trang quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến những thiết kế mang phong cách và hơi thở Đông phương. Trong những năm gần đây, nhiều nhà thiết kế châu Á tham dự các tuần lễ thời trang tại Mỹ, châu Âu, khi giới thiệu bộ sưu tập của mình đã gây ngạc nhiên và thu hút sự quan tâm lớn. Đây cũng chính là cơ hội cho NTK và ngành thời trang Việt Nam.

Phát biểu của bà Francine Pairon - Giám đốc sáng tạo Viện mẫu Thời trang Pháp (IFM): “Việt Nam có đủ ba yếu tố để tạo tam giác cho sự phát triển thời trang là NTK, truyền thông và công nghiệp thời trang đang phát triển. Điều quan trọng đối với các nhà thiết kế trẻ là phải tự tìm ra con đường riêng, ý tưởng sáng tạo riêng. Sự sáng tạo không chỉ là cái cần có của mỗi nhà thiết kế mà nó còn tồn tại trên mọi công đoạn của ngành Thời trang, từ khái niệm đến sản xuất, bán hàng và truyền thông (marketing). Đây là một hệ thống gắn kết với nhau và mọi mắt xích phải hết mình vì nó”, là một gợi ý đáng tham khảo cho các doanh nghiệp và những nhà làm thời trang trong nước, để đưa thời trang Việt Nam ngày càng phát triển mạnh và vững chắc hơn.

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 6 Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 7

Thời trang Việt: "Bánh ngon" còn bỏ ngỏ! - 8

Với những mẫu thiết kế giày xuất sắc của NTK Barbara Bui được các sao Hollywood yêu chuộng, có thể khẳng định ước mơ vươn đến một ngành công nghiệp thời trang vững mạnh của Việt Nam không hề xa vời và khó với tới

Kết

Kế thừa nền tảng lịch sử trên 4000 năm xây dựng và phát triển đất nước, với kho tàng văn hóa đồ sộ, có bản sắc riêng không thua bất kỳ quốc gia hùng mạnh nào khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, đồng thời với xu hướng thế giới ngày càng ưa chuộng các mẫu thiết kế mang hơi thở phương Đông. Đây chính là những điểm sáng để ngành thời trang Việt Nam khai thác các chất liệu dân gian độc đáo cũng như nguồn cảm hứng sáng tạo từ văn hóa và trang phục dân tộc để ngày một vươn xa, khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thời trang thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Quỳnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN