Phục trang "èo ọt" trên phim Việt: Đầu tiên tiền đâu?
"Phó thác" cho diễn viên, trông chờ vào sự đầu tư "èo uột" từ bên ngoài... đang là thực trạng đáng buồn của phục trang phim Việt.
Phó mặc cho diễn viên
Điện ảnh Việt đã có những thay đổi trong những năm gần đây, khi mà cả dòng phim truyền hình lẫn phim chiếu rạp đều có sự tăng tiến về cả mặt số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, để bàn về độ ổn định và sự đầu tư toàn diện cho phim Việt thì thực sự vẫn mờ nhạt và lẻ tẻ, nhất là có những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" như mảng phục trang của diễn viên.
Trang phục cho phim Việt đang khiến các nhà làm phim đau đầu.
Không biết, có phải vì chưa nhận thức được tầm quan trọng khâu phục trang cho diễn viên lên phim hay vì “bất khả kháng” với vốn kinh phí hạn hẹp mà vấn đề “hôm nay mặc gì” luôn khiến nhiều người làm phim đau đầu. Và càng đau đầu hơn khi người xem hiện nay dễ dàng điểm danh được nhiều “hạt sạn” liên quan đến chuyện “cái quần, cái áo”.
Có thể thấy trang phục rất quan trọng đối với mạch phim và với cả diễn viên. Chọn được trang phục đáp ứng với cả hai yêu cầu này chưa bao giờ là việc đơn giản. Và điều quyết định đến việc đầu tư trang phục cho diễn viên luôn được nhiều ngưới dí dỏm rằng: “đầu tiên phải là tiền đâu”. Chính nguồn kinh phí hạn hẹp nên đa phần diễn viên đều phải tự lo. Nhiều người thì “tận dụng” trang phục thường ngày của mình, còn không thì đi mượn, đi thuê, thậm chí là săn đồ secondhand vì…giá rẻ.
Diễn viên Thanh Hương: "Nhiều khi tiền cát-xê không đủ tiền mua trang phục"
Diễn viên Thanh Hương, người đã ghi dấu mạnh mẽ bằng vai Phan Hương- ái nữ của ông trùm Phan Quân trong “Người phán xử” và gần đây là "Lan cave" trong bộ phim "Quỳnh Búp bê" từng chia sẻ: “Hầu hết trang phục của các vai diễn là diễn viên tự đi mua. Mà các nhân vật có hoàn cảnh, tính cách, số phận…khác nhau nên tôi không bao giờ sử dụng lại đồ đã lên phim trước. Đầu tư cũng khá tốn kém nên nhiều khi sau hậu trường, chúng tôi vẫn đùa nhau có khi tiền cát-xê phim không đủ tiền mua phục trang mất”.
Hay người đẹp Lê Huỳnh Thúy Ngân với vai diễn Hân trong bộ phim tâm lý tình cảm “Gạo nếp, gạo tẻ” đang gây sốt cũng từng băn khoăn tâm sự: “Chuyện diễn viên tự lo trang phục là điều “bất thành văn” ở Việt Nam hiện nay, nhất là đối với các dòng phim thị trường. Khi nhận được vai diễn rồi, ngoài đầu tư nghiên cứu kịch bản thì việc tạo hình nhân vật như trang phục, trang điểm cũng khiến tôi đau đầu. Tôi cũng tận dụng được một ít quần áo của mình còn lại là đi mua”.
"Để tiết kiệm, tôi thường mua đồ hàng chợ hoặc secondhand cho các vai diễn trong phim"
Cái khó bó cái khôn, sau nhiều lần thâm hụt “hầu bao” vì đầu tư trang phục cho các vai diễn của mình, á khôi của “Gạo nếp, gạo tẻ” cũng đã rút ra được nhiều “mẹo”: “Không đủ điều kiện mua đồ đắt, đồ hiệu nên tôi có thói quen mua hàng chợ hoặc săn hàng secondhand để sử dụng xong có hỏng hay rách và vứt đi cũng đỡ tiếc”.
Ước mơ cho đến bao giờ?
Vấn đề phục trang cho diễn viên không phải là vấn đề mới mà thậm chí được đưa ra bàn luận, mổ xẻ rất nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, phim Việt vẫn loay hoay tìm cho mình giải pháp?
Chuyện các nhà làm phim nhận được tài trợ từ các nhà thiết kế hay các hãng thời trang là câu chuyện có thật, nhưng rất họa hoằn. Vì số lượng được tài trợ không đáp ứng được nhu cầu của đoàn làm phim, còn chưa kể đến trang phục đó không phù hợp với gu thẩm mỹ và bối cảnh của vai diễn. Nên việc xin tài trợ trang phục từ bên ngoài vẫn là điều nên làm nhưng điều chỉnh sao cho phù hợp mối quan hệ điện ảnh- thời trang là vấn đề cần quan tâm.
Đạo diễn Bá Vũ
Đạo diễn Bá Vũ, chủ nhân của các tác phẩm điện ảnh đình đám như: “Ngủ với hồn ma”, “Khách sạn không đèn”…cũng từng ý kiến rằng, do chi phí làm phim hạn hẹp nên không có nhà sản xuất nào mạnh dạn đầu tư quá nhiều vào phần phục trang diễn viên ngoại trừ những phim cổ trang, phim lịch sử. Mỗi một đoàn phim tuy có bộ phận phục trang riêng nhưng công việc của họ lại chủ yếu là…giữ đồ, ủi đồ mà thôi.
Trong bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, diễn viên Minh Hằng đã phải bay qua Thái Lan, Singapore để sắm hơn 200 bộ trang phục cho vai diễn chính Minh Minh. Ca sĩ Thủy Tiên cũng mua gần 100 bộ cho phù hợp với phong cách của nhân vật Bảo Yến- nhà thiết kế thời thượng, sành điệu nhưng nổi tiếng cá tính, kiêu ngạo…
Minh Hằng và Thủy Tiên là một trong những diễn viên "chịu chi" nhất cho vai diễn của mình trong Ngôi nhà hạnh phúc.
"Phó thác" cho diễn viên, tìm hướng "đầu tư" từ bên ngoài...đều là những giải pháp tạm thời nhưng ít nhiều cũng đã giúp kéo khán giả trở lại sau một thời gian dài “quay lưng với phim Việt”.
Ngọc Quyên cho rằng, ảnh nude mà cô chụp là những sai lầm, nông nổi của tuổi trẻ. Nhưng chính nó đã khiến cô mệt mỏi...