Lưu bài Bỏ lưu bài

 

NTK Song Toàn: “Áo dài không được mặc chung với váy đụp”

Áo dài là trang phục truyền thống, được mặc nhiều mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhưng không hẳn ai cũng biết cách mặc, biết cách chọn áo dài phù hợp. 

Áo dài không hề đơn giản

- Tính tới thời điểm hiện tại, anh đã có bao nhiêu năm làm trong lĩnh vực thời trang?

9 năm. Tôi yêu thích thời trang từ nhỏ. Lớn lên, tôi đã đi làm thời trang từ lúc đi học đại học. Sau đó, tôi mở cửa hàng và phát triển thương hiệu thời trang tới bây giờ. May mắn được mọi người yêu thương và “đứa con tinh thần” lớn lên từng ngày.

- Thị trường thời trang trong nước khá đa dạng nhưng đa phần các nhà thiết kế sẽ phát triển phân khúc dạ hội để PR cá nhân, phân khúc thời trang ứng dụng để bán lẻ. Nhưng, anh lại chọn thiết kế áo dài, tại vì sao?

Bởi vì, tôi có niềm đam mê cực kỳ lớn với áo dài. Tôi cảm thấy bộ áo dài đẹp như bộ da thứ hai của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài vừa kín đáo vừa sexy, tôn hình thể của người mặc. Bên cạnh đó, thị trường áo dài lúc bấy giờ cũng không có nhiều nhà thiết kế trẻ cho nên tôi đã quyết định gắn bó với áo dài để làm mới nó.

- Nhắc đến áo dài, dường như người ta nhớ tới phom dáng rất đặc trưng và có phần đơn giản, điều này có đúng không?

Mọi người nghĩ áo dài đơn giản nhưng thật ra áo dài không hề đơn giản chút nào. Để may được một chiếc váy đẹp thì cần một người thợ giỏi, nhưng để may được một chiếc áo dài đẹp thì ngoài giỏi, người thợ còn phải am hiểu rất nhiều về cơ thể phụ nữ thì mới có thể làm ra được một chiếc áo dài hoàn hảo.

- Vậy những công đoạn để hoàn thành một thiết kế áo dài là gì?

Đầu tiên là chọn chất liệu, xử lý chất liệu, cắt rập giấy, cắt rập vải, may form, thử form, chỉnh sửa, may, luông tà, hoàn thiện. Luông là một kỹ thuật chỉ có trong áo dài. Bởi tà áo dài không thể may bằng máy nên phải luông bằng tay, đây cũng là một công đoạn khá cực mà người thợ phải thực hiện thủ công.

Áo dài mới và cũ

- Áo dài là trang phục truyền thống, mà nhắc tới truyền thống thì rất dễ bị phản ứng khi đưa yếu tố sáng tạo vào. Anh có góc nhìn như nào về điều này?

Thường người ta nghĩ là cái gì truyền thống sẽ luôn là như vậy và áo dài cũng thế. Cho nên may áo dài phải biết tiết chế sự sáng tạo lại để phù hợp với các yếu tố truyền thống. Nhưng điều đó cũng không hẳn phủ định sự sáng tạo trong thiết kế áo dài bị giới hạn lại.

- Là một NTK chuyên về áo dài, từ quan điểm cá nhân, anh cho rằng sự sáng tạo của một chiếc áo dài nên nằm trong khoảng nào so với thiết kế nguyên bản?

Tôi nghĩ sự sáng tạo nên nằm trong khoảng 35% đến 40%

- Để tránh những tranh cãi không đáng có, anh thường sáng tạo áo dài ở những điểm nào?

Tuỳ theo từng bộ sưu tập mà tôi có những sáng tạo khác nhau. Ví dụ, mình có thể sáng tạo về chất liệu, form dáng cũng như sáng tạo về hoạ tiết, miễn làm sao mà nó đảm bảo được yếu tố thẩm mỹ cũng như giữ lại được nét đặc trưng của chiếc áo dài truyền thống.

- Những quy tắc bất di bất dịch khi thiết kế áo dài mà anh đặt ra là gì?

Tôi không có nguyên tắc, bởi nguyên tắc sẽ giết chết sự sáng tạo.

- Chất liệu xuyên thấu được ứng dụng rất nhiều trong thời trang, bao gồm cả áo dài. Để tránh những sự cố đáng tiếc, anh xử lý chất liệu này như nào khi dùng cho áo dài?

Khi mặc áo dài xuyên thấu, bạn nên mặc trang phục lót nó phù hợp. Ví dụ, bạn nên chọn màu tiệp với màu da của mình, thì người mặc sẽ không bị thô. Hoặc có thể phối thêm phụ kiện như là khăn choàng hay trang sức để che lại những chỗ cần che để không bị phản cảm.

- Dịp Tết đến Xuân về, áo dài là trang phục rất được ưa chuộng. Với nhiều bạn trẻ hay lăng xê mặc áo dài với váy đụp bị cho là “râu nọ cắm cằm kia” hoặc “làm xấu vẻ đẹp văn hoá áo dài”, nặng hơn là những lời miệt thị… anh có quan điểm gì về điều này không?

Tôi không nghĩ đó là áo dài. Bởi vì đối với tôi, áo dài không được phép mặc chung với váy đụp.

 

 

 

Áo dài Tết 2023

- Một năm anh sẽ ra mắt bao nhiêu bộ sưu tập áo dài?

Thường một năm tôi sẽ cho ra mắt ba bộ sưu tập: Một bộ sưu tập tết và hai bộ sưu tập áo dài cưới.

- Ý tưởng làm nên những thiết kế áo dài của anh từ đâu?

Ý tưởng tôi làm bộ sưu tập từ chính cuộc sống của mình. Những người mà tôi gặp, những nơi mà tôi đi, những bài hát mà tôi nghe, những cái đẹp xung quanh tôi… rất đa dạng và phong phú.

- Yếu tố truyền thống nào được anh giữ lại? Yếu tố hiện đại nào được anh thêm vào? Cách anh dung hoà 2 yếu tố này?

Phần cổ áo được tôi giữ lại, tôi yêu thích cổ áo dài vì ôm sát cổ người phụ nữ, tôn lên vẻ đẹp sang trọng và quý phái của họ. Tôi thêm vào sự rộng rãi, thoải mái, sự phóng khoáng trẻ trung.

Tôi giữ lại phần tà áo nhưng sẽ thay đổi về độ dài/ngắn khác nhau để có một phom dáng hài hoà cho chiều cao đa dạng của mỗi người mặc.

Chất liệu cũng được tôi lựa chọn cẩn thận, phù hợp với chủ đề và thời tiết của từng thời điểm trong năm.

- Được biết, Hà Thu là “nàng thơ” trong bộ hình mới của anh, vì sao có sự kết hợp này?

Tôi và Hà Thu chơi với nhau từ xưa. Đúng dịp này, tôi cần tìm một người vừa có nét đẹp hiện đại vừa có nét đẹp truyền thống, mà Hà Thu chính là người như vậy.

Kết quả, chúng tôi có một bộ hình thời trang về áo dài mà tôi rất tâm đắc.

- Lời khuyên của anh về việc phối đồ, chọn phụ kiện… để mặc áo dài thêm duyên dáng, ấn tượng hơn?

Áo dài cũng rất dễ phối phụ kiện. Nếu áo dài trơn thì phối phụ kiện to bản, nếu áo dài hoạ tiết thì phối phụ kiện bản nhỏ. Những món đồ như túi xách, nấm đội đầu, khăn lụa khoác ngoài, áo khoác mỏng… đều có thể mix cùng áo dài, tạo nên outfit hoàn chỉnh.

- Cảm ơn anh!

 

 

 

 

Model: Hà Thu

Photo: Nguyễn Toại

Art and style: Trần Hữu Duy

Make up: Nguyễn Chánh Tính - Phát

Nails: Lê Hoàng Long

NTK Song Toàn: "Áo dài không được phép mặc chung với váy đụp" - 17

Content: Minh Trang

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Minh Trang ([Tên nguồn])