NTK Đức Hùng: "Xin hãy buông tha cho tà áo dài"
NTK Đức Hùng nêu rõ quan điểm của mình trước việc tà áo dài ngày càng có nhiều biến tấu lệch lạc với truyền thống.
Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, các chị em rộ lên mốt diện áo dài cách tân du xuân. Tuy nhiên, mẫu áo dài được ưa chuộng nhất là diện áo dài với váy đụp (đây là mẫu váy thường được mặc cùng yếm đào). Từ trước Tết, các shop thời trang đã rầm rộ quảng cáo, nhiều chị em phụ nữ cũng chạy theo trào lưu, nhanh chóng sắm sửa sự "cách tân" này du xuân.
Mẫu "áo dài" cách tân gây sốt suốt dịp Tết vừa qua
Tuy nhiên, cách ăn vận khác lạ này đã gây tranh cãi dữ dội. Một số người bênh vực, cho rằng đó là xu hướng mới, nhưng cũng không ít kiến cho rằng, áo dài có thể cách tân theo rất nhiều kiểu, nhưng không thể mặc với váy đụp, bởi như vậy là thiếu thẩm mỹ, không khác nào "ngược đãi" áo dài.
Trước nhiều ý kiến trái chiều nhau về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NTK Đức Hùng để tìm hiểu rõ hơn về áo dài truyền thống và áo dài cách tân.
NTK Đức Hùng là một người rất yêu những giá trị truyền thống
- Hiện tại dư luận đang tranh cãi về vấn đề áo dài cách tân, đặc biệt là với mẫu thiết kế váy đụp mặc cùng áo dài. Người thì phản đối đó không phải là áo dài, người thì ủng hộ việc cách tân, riêng với NTK Đức Hùng, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Về cá nhân tôi thì tôi phản đối, tôi cho rằng đó không phải là áo dài Việt Nam. Mặc dù việc sáng tạo, cách tân cho phù hợp với thời đại là điều cần thiết, nhưng phải ở trong mức độ chấp nhận được, chứ không phải biến tấu quá nhiều như vậy.
Về bộ trang phục mà kết hợp giữa váy đụp và áo dài thì tôi cho rằng nó không phải là sản phẩm của nhà thiết kế nào đâu, có thể chỉ là do một xưởng may nào đó tạo ra thôi. Vì bản thân những nhà thiết kế có niềm đam mê với áo dài, họ rất hiểu về truyền thống và tôn trọng giá trị văn hóa của tà áo dài Việt Nam nên sẽ không có chuyện làm nên một sản phẩm như vậy.
- Nhưng kiểu trang phục đó nhận được rất nhiều sự yêu thích của giới trẻ, dịp Tết vừa rồi đi đâu cũng nhìn thấy các cô gái diện mẫu thiết kế này. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng các bạn chỉ theo trào lưu thôi, chứ thực sự các bạn ấy vẫn chưa hiểu hết và chưa thực sự yêu tà áo dài. Vì nếu ai thực sự yêu áo dài thì họ rất sợ tà áo dài bị biến tấu một cách thái quá, không còn giữ được giá trị ban đầu.
Với tình trạng này, thì tôi chỉ có thể mong rằng các bạn hãy buông tha cho tà áo dài, đừng biến tấu nó quá nhiều như vậy nữa. Hãy để cho áo dài giữ được giá trị vốn có của nó, đẹp nhất với hình ảnh truyền thống trước đây.
Nếu mọi người cứ cho rằng mặc váy đụp ngắn lửng cùng với áo dài mà cho rằng đó là áo dài cách tân thì tôi sợ rằng đến một ngày nào đó con cháu của chúng ta sẽ quên đi hình ảnh thật sự của tà áo dài.
NTK Đức Hùng phản đối việc biến tấu áo dài một cách thái quá
- Vậy theo anh, cách tân ở mức độ nào thì mới phù hợp?
Cách tân là thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại nhưng đã gọi là áo dài thì phải dài ít nhất qua đầu gối, mặc cùng quần dài chứ không phải là một cái váy đụp ngắn như vậy.
Chúng ta có thể nhìn sang các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… những ngày lễ Tết họ mặc hanbok, sườn xám, kimino,… đậm chất truyền thống, không có biến tấu, không cải tiến nhiều. Tại sao chúng ta lại không học hỏi những điều ấy mà cứ biến tấu tà áo dài làm gì?
Tôi rất thích câu nói: “Tận cùng của dân tộc sẽ chạm đến tận cùng của thế giới” và hy vọng rằng các bạn trẻ cũng sẽ hiểu được ý nghĩa câu nói này.
Tà áo dài truyền thống cần được giữ gìn
- Cũng có ý kiến cho rằng những người không thích áo dài cách tân là cổ hủ, bảo thủ?
Tôi không đồng ý với quan điểm này, không ai văn minh bằng những người yêu truyền thống đâu. Yêu truyền thống và phát triển truyền thống khác với làm lệch lạc truyền thống.
Nếu những người yêu truyền thống như tôi mà bảo thủ thì sẽ không bao giờ định hướng được cái đẹp, phát triển được cái đẹp. Chúng tôi vẫn biết thay đổi cho kịp thời đại mà, có điều thay đổi trong mức độ chấp nhận được.
- Xin cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc anh năm mới nhiều sức khỏe và thành công!