Nơi thời trang là một giấc mơ xa xỉ
"Nơi ấy, tấm chăn chỉ cần lành coi như đã ấm, và những đôi chân trần cứ mặc nhiên lấy đất núi làm ủng..." - Chí Nam, một tình nguyện viên quen thuộc của những bản làng vùng cao chia sẻ.
Trong khi những đứa trẻ thành thị đang nhõng nhẽo chê chiếc áo mẹ mua không đẹp, bộ váy được tặng không mốt thì có những nơi, tất cả những cái gì lành và ấm đều được coi là "mốt".
Ở những xã vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình..., cái đói, cái nghèo vẫn còn bủa vây lấy những con người lam lũ. Với họ, khi cái ăn còn bập bõm ngày đói ngày no thì chưa đến lượt "cái mặc" được trau chuốt. Nhu cầu của người dân nơi đây vẫn chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm chứ chưa bao giờ mơ tới ăn ngon, mặc đẹp.
Theo anh Mai Hà Tuyên, phó hiệu trưởng trường cấp 2 bán trú Pả Vi huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, hàng năm đã có những đoàn tình nguyện từ các tỉnh đến trường thăm và tặng các em quần áo mùa đông, chăn ấm, sách vở... và nhà trường cũng có hình thức giúp đỡ các trường hợp quá khó khăn. Nhưng với quá nhiều cái khổ, cái nghèo của hơn 200 gia đình học sinh thì không biết đến khi nào mới đủ.
Anh cũng cho biết: "Nhiều gia đình vẫn chỉ sống chủ yếu bằng nghề phát nương trồng ngô, trồng lúa. Cứ hết vụ, hết ngô khoai là cả nhà lại đói. Sống trong cảnh ăn còn chưa no, thì mặc chỉ cần lành lặn là đã tốt lắm rồi chứ các em đâu thể nghĩ gì đến đẹp hay sành điệu".
Nếu ai đó muốn mô tả về cách ăn mặc của trẻ nghèo vùng cao thì "phong cách thời trang" là một cụm từ quá mĩ miều và xa xỉ, phải dùng "dấu hiệu nhận biết", "đặc điểm chung" hay "diện mạo quen thuộc" mới đúng tính chất được. Đó là những bộ váy áo xộc xệch lấm lem bụi đất, những mái tóc rối bù xác xơ, khuôn mặt lem luốc và những đôi chân trần đã quá đỗi thân thuộc với đường rừng...
Lũ trẻ để lại trong lòng lữ khách ấn tượng khó quên về những ánh mắt ngây dại đến ám ảnh
"Thời trang" quen thuộc là mái tóc cháy nắng rối bù, áo quần xộc xệch và đôi chân lấm đất
"Ở những bản làng nằm sâu trong núi, lũ trẻ sống giữa cái lạnh quanh năm vì sương mù thường trực bao phủ. Manh áo không có nhiều để sờn, tấm chăn chỉ cần lành coi như đã ấm, và những đôi chân trần cứ mặc nhiên lấy đất núi làm ủng..." - Anh Chí Nam, một tình nguyện viên nổi tiếng trong cộng đồng phượt qua những chuyến đi từ thiện vùng cao chia sẻ.
Các đoàn tình nguyện thường tổ chức đi thăm và tặng quà các em nhỏ vùng cao vào những ngày gần tết hoặc đầu xuân để các bé có nhiều quần áo đẹp đón năm mới. Chị Mai Lương, thành viên câu lạc bộ tình nguyện Thiền Việt (Hải Phòng) cũng là một trong số đó. Nhắc lại chương trình từ thiện "Tấm áo yêu thương sưởi ấm tết vùng cao" thăm các trường tiểu học thuộc 2 xã Tân Mai và Tân Dân (Mai Châu, Hòa Bình), chị kể:
"Trong cái rét cắt da cắt thịt, những bà mẹ vẫn địu con ra đứng xếp hàng đợi nhận quà, trên lưng là những đứa bé chân không tất, áo quần phong phanh, mặt tái đi vì gió. Tôi nhớ nhất hình ảnh một bà mẹ nhút nhát đứng đợi tít đằng xa, đến lúc cả đoàn phát hết quà chị ấy mới rón rén tiến đến hỏi xem còn thừa túi quà nào cho mình không. Lúc đó, tôi chỉ ước có thể mang được thêm vài xe chở đồ nữa lên đây."
Chị cũng cho biết, hành trình mang áo ấm đến với vùng sâu không hề đơn giản. Khi xếp đồ từ nhà, cả đoàn đã gắng sức đóng gói, xếp chật cả gầm xe, buộc chằng khắp nơi sao cho mang đi được nhiều nhất có thể. Lên đến nơi, vì đường quá xấu nên đoàn phải dừng xe ở trung tâm xã, thuê công nông chở đồ vào trường còn đoàn người thì cuốc bộ hơn 6km nữa mới tới nơi. Vậy mà khi tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn ở đây, ai cũng ước giá như mình có thể mang thêm được gấp đôi, gấp 3 số quà thì tốt biết mấy.
Người lớn bận đi làm nương làm rẫy, ban ngày thường chỉ có trẻ nhỏ ở nhà tự trông nhau
Bé gái ở xã Lao Chải (huyện Sapa, Lào Cai) tự thêu những họa tiết thổ cẩm trên chiếc khăn nhuộm chàm truyền thống
Những bộ váy truyền thống của các em nhỏ người Mông và người Hà Nhì
Dân bản thường đem gà, lợn xuống chợ đổi lấy quần áo mới trong các phiên chợ
Đường các tình nguyện viên chở "cái ấm" đến những bản làng vùng cao
Cứ mỗi đoàn khách tới, lũ trẻ lại tíu tít chạy đến xếp hàng để đợi quà miền xuôi
Những khuôn mặt hớn hở khi được các đoàn tình nguyện dưới xuôi lê tặng quà
Đoàn từ thiện tìm đến Làng Sáng, một bản người Mông thuần nhất tại xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La)
Ánh mắt hàm ơn của em bé khi được tặng quần áo mới
"Cái ấm" đã về đến bản sau mỗi chuyến đi từ thiện của các nhà hảo tâm
Ảnh: Chí Nam - Hoài Thu