Những "lời hứa gió bay" của các "ông lớn" thời trang
5 năm sau khi ký cam kết sẽ thay đổi ảnh hưởng xấu tới môi trường cho đến năm 2020, rất nhiều thương hiệu đã thất hứa, trong đó có các "ông lớn" như Victoria's Secret và Nike.
Zara liệu có thực hiện lời hứa của mình trong cam kết nổi tiếng năm 2011 với GreenPeace?
Vào năm 2011, tổ chức về môi trường Greenpeace đã tuyên truyền chiến dịch "Thanh lọc độc tố thời trang" nhằm mục đích kêu gọi các thương hiệu ngừng sử dụng hóa chất độc hại và thải rác thải nguy hiểm ra môi trường. Mục tiêu của tổ chức này là yêu cầu các hãng ký cam kết tới năm 2020.
Như đã biết, ngành công nghiệp thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau ngành công nghiệp sản xuất năng lượng. Vì thế những cam kết mà Greenpeace đòi hỏi sẽ có ảnh hưởng lớn và làm thay đổi tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng trên toàn thế giới.
Có tới 70 thương hiệu thời trang từ lớn tới bé đã cam kết với Greenpeace về vấn đề nêu trên, trong đó có nhiều "ông lớn" như Victoria's Secret, Nike, Zara, H&M, Adidas, và Mango.
Các thương hiệu như H&M, Benetton và Zara... được cho là đã thực hiện rất tốt lời hứa của mình với tổ chức hòa bình xanh. Họ đã minh bạch những chất sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may mặc và hóa chất độc hại xả ra môi trường. Sau đó cũng có những động thái thay thế chúng bằng những chất thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra họ đưa ra kế hoạch cụ thể để đạt tới cam kết từ năm 2011 tới 2020.
Đáng buồn thay, hầu hết các nhãn hiệu khác từng cam kết thực hiện kế hoạch của Greenpeace như Adidas, Mango, Valentino, Levi, Burberry, Puma... có thể sẽ không đạt được lời hứa của họ. Nike và Victoria's Secret là hai thương hiệu vi phạm nghiêm trọng nhất lời cam kết. Trong đó, Victoria's Secret chỉ thực hiện một số bước rất nhỏ trong cam kết minh bạch hóa chất độc hại thải ra môi trường. Hãng này cũng không đưa ra được kế hoạch trong tương lai.
Victoria's Secret và Nike
Thậm chí tổ chức GreenPeace tìm thấy NPEs - một chất gây vô sinh và ung thư, có trong đồ lót của một số sản phẩm Victoria's Secret vào năm ngoái.
Tuy nhiên Victoria's Secret còn khá hơn một chút so với Nike. Theo báo cáo, sau khi cam kết, Nike đã không thực hiện bất cứ điều gì trong suốt 5 năm qua.
Thực tế, hầu như ai cũng hiểu động thái ký cam kết với tổ chức Greenpeace vào năm 2011 là một cách thức PR hoàn hảo cho các thương hiệu. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu việc vi phạm lời hứa, vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới môi trường sống có thể biến chiêu PR này từ tốt trở thành một bước đi sai lầm? Và liệu người tiêu dùng có sãn sàng ngừng mua Victoria's Secret, Nike và tiêu nhiều tiền hơn cho H&M, Zara, Adidas, Puma vì vấn đề môi trường sống. Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.