Nhờ đâu Uniqlo vươn lên thành ông lớn trong ngành thời trang?
Trong khi đối thủ lớn Zara đã phá sản thì Uniqlo lại dẫn đầu thị phần bán lẻ ở châu Á và đang có kế hoạch trở thành ông trùm thời trang toàn thế giới.
Nếu 10 năm trước nhắc đến Uniqlo có lẽ bất kỳ ai cũng sẽ thắc mắc đó là thương hiêu nào. Nhưng cho đến bây giờ, với thị phần bán lẻ đứng đầu châu Á, Uniqlo đã trở thành một trong những ông lớn trong ngành thời trang.
Câu chuyện thương hiệu Uniqlo
Năm 1972, Tadashi Yanai thừa hưởng chuỗi cửa hàng may mặc của cha mình với tên Ogori Shoji ở Ube, Yamaguchi. Không lâu sau khi trở thành chủ tịch công ty vào năm 1984, ông đã mở một cửa hàng mới với tên Unique Clothing Warehouse và sau này được đổi tên rút gọn thành Uniqlo. Tadashi Yanai nhận ra tiềm năng lớn với thị trường bán lẻ thời trang thông dụng tại Nhật Bản và đặt mục tiêu phát triển chuỗi cửa hàng với tiêu chí đồ dễ mặc và chi phí thấp. Đến năm 1998, ông đã thành công khi mở hơn 300 cửa hàng Uniqlo trên khắp Nhật Bản.
Cũng vào năm 1988, người dân bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Uniqlo với những chiếc áo lông cừu chất lượng cao. Thời điểm đó, thương hiệu này chuyển chủ trương từ hàng bình dân giá rẻ sang sản phẩm giá cả phải chăng nhưng có chất lượng tốt. Chính điều này đã làm nên tên tuổi của ông trùm thời trang Nhật Bản sau này.
Sự thành công của Uniqlo
Ngày nay, Uniqlo là công ty con thuộc sở hữu của Công ty TNHH Fast Retailing Company Limited nổi tiếng với những trang phục thông dụng có giá phải chăng nhưng chất lượng luôn cao. Tính đến tháng 9 năm 2019, thương hiệu này đã mở hơn 2.196 cửa hàng tại 21 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ chỉ trong 21 năm. Đây là chuỗi cửa hàng may mặc lớn nhất châu Á với hơn 800 cửa hàng bán lẻ chỉ riêng tại Nhật Bản.
Năm 2017, Uniqlo có doanh thu 20 tỷ USD với mức lãi 1,5 tỷ USD và thị trường Nhật Bản chiếm 44% tổng doanh thu. Hãng thời trang này gây kinh ngạc khi thị trường bán lẻ phát triển chóng mặt trong 5 năm qua và được dự đoán doanh thu tăng trưởng 4,8% lên 22 tỷ USD vào năm 2020.
Theo tạp chí quản lý toàn cầu Forbes, Uniqlo có giá trị thương hiệu là 8,6 tỷ USD và đứng thứ 84 trong danh sách các thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Sự thành công này phần lớn là nhờ chiến lược đổi mới của người sáng lập và văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm.
Uniqlo đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2020 với mục tiêu doanh thu 27,6 tỷ USD với chiến lược mở rộng thị phần tại Mỹ, Trung Quốc và mua bán trực tuyến. Nếu đạt được mục tiêu đầy tham vọng này thì Uniqlo sẽ truất ngôi Inditex (công ty mẹ của Zara) với tư cách là ông lớn trong ngành may mặc toàn cầu.
Chiến lược thương hiệu của Uniqlo
Thông điệp thương hiệu Uniqlo rất đơn giản: Uniqlo là một công ty Nhật Bản hiện đại, truyền cảm hứng cho thế giới theo hướng ăn mặc giản dị. Thay vì chạy theo xu hướng thì thương hiệu này lại tập trung vào chất lượng sản phẩm để làm hài lòng khách hàng.
Công ty tự phân biệt với các đối thủ cạnh tranh về giá bằng cách xây dựng thương hiệu cho những đổi mới đặc trưng của mình với những cái tên như HeatTech, LifeWear và AIRism. Uniqlo cung cấp trải nghiệm mua sắm bậc nhất bằng cách quản lý hoàn hảo các cửa hàng của mình với văn hóa tích cực thông qua công nghệ tại các cửa hàng như hướng dẫn, mô tả các thuộc tính của sản phẩm chi tiết.
Một số yếu tố tạo nên thành công về mặt thương hiệu cho Uniqlo bao gồm:
Hệ thống phân phối hỗ trợ thương hiệu rõ ràng: Hai trong số những thách thức lớn nhất đối với bất kỳ thương hiệu nào là xác định “lời nói luôn đi đôi với việc làm” tức là quảng cáo luôn chính xác sản phẩm. Không nói quá, phóng đại sản phẩm mà cố gắng sản xuất trang phục với chất lượng tốt đúng như đã quảng cáo.
Các khả năng lập kế hoạch, thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm của công ty đều trơn tru, ăn ý nên có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất mà vẫn tiết kiệm chi phí. Bằng cách tập trung vào các sản phẩm cốt lõi, Uniqlo có thể mua được số lượng vải lớn cho các đơn đặt hàng nhiều để cung cấp bán lẻ với chi phí phải chăng.
Tadashi Yanai thường nói rằng Uniqlo không phải là một công ty thời trang, đó là một công ty công nghệ. Thật vậy, cách công ty này vận hành sản xuất may mặc có nhiều điểm tương đồng với cách tiếp cận phát triển sản phẩm ngành công nghệ hơn với tốc độ nhịp nhàng. Trong khi Zara tập trung vào những xu hướng hot nhất thì Uniqlo lại chú trọng đến các sản phẩm thiết yếu với mọi người.
Công ty cũng điều hành một chuỗi cung ứng sản phẩm bán lẻ rất mạnh mẽ. Thông qua việc xây dựng chiến lược tiếp thị chi tiết cho mỗi mùa, công ty có thể điều chỉnh sản xuất để phù hợp với thời tiết. Các cuộc họp ý tưởng với tất cả các nhóm tạo sản phẩm quan trọng được tổ chức khoảng một năm trước khi một sản phẩm được tung ra. Khi một sản phẩm may mặc được sản xuất, khoảng 400 nhân viên lành nghề đến các trung tâm sản xuất để đảm bảo chất lượng và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.
Hiện tại, các trung tâm sản xuất toàn cầu của Uniqlo được đặt tại Thượng Hải, Thành phố Hồ Chí Minh, Dhaka, Jakarta và Istanbul.
Tự nhận là hoa hậu xấu nhất nhan sắc Việt, Lê Âu Ngân Anh ngậm ngùi chia sẻ khoảnh khắc hết thời gian đương nhiệm á...
Nguồn: [Link nguồn]