Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ!

Cơn bão thời trang giá rẻ bùng nổ gây ra nhiều thảm kịch không ngờ!

Không thể phủ nhận ngành thời trang, may mặc ngày một phát triển đem tới cho nhân loại nhiều ích lợi, niềm vui, cảm hứng sáng tạo… Tuy nhiên không có gì là hoàn mỹ, nó cũng gây ra hàng loạt những mối nguy hại cho chúng ta. Để hiểu rõ hơn điều này, với chuyên đề: Thời trang: Mối nguy hiểm đe dọa loài người? sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về mặt trái của ngành công nghiệp đầy hấp dẫn này.

Thời gian gần đây, vụ sập nhà máy gia công hàng thời trang giá rẻ tại Bangladesh đã khiến cả thế giới phải rúng động trước một thực trạng có thật, đó là sự phát triển ồ ạt của thời trang “mì ăn liền” đang đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của chính loài người, mà nạn nhân đầu tiên là người dân tại các nước đang phát triển.

Hàng ngày, bên cạnh tốc độ lũy tiến vũ bão của ngành công nghiệp thời trang thì hàng loạt tình trạng xấu như lượng khí độc trong không khí, rác thải vô tội vạ, lạm dụng lao động trẻ em, bóc lột nhân công với giá rẻ mạt, trang bị an toàn lao động bị bỏ bê… cũng cứ thế song hành theo chiều tỉ lệ thuận. Cộng đồng cư dân tại các nước phương Tây đang tỏ ra e ngại và đặt nhiều hoài nghi về bộ mặt thật đằng sau những trang phục bóng bẩy, lịch lãm “liệu có phải đang nhuốm bằng máu tươi của những sinh linh vô tội?”. Một sự thực khó chấp nhận đó là sự phi nhân đạo có thể đang theo một cách nào đó ẩn sâu trong quá khứ của những thứ bình thường mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày, thậm chí còn vô cùng yêu thích. Khi biết tội ác trên đã diễn ra như thế nào, nhiều tín đồ thời trang phương Tây đã phải bật khóc!

1. Tính tới thời điểm này, số người chết được thống kê từ vụ nhà máy tại Bangladesh bị sập ngày 24/4 đã lên tới khoảng 1500 người. Hầu hết nạn nhân đều là những người lao động nghèo khổ với mức lương từ việc gia công thời trang chỉ khoảng 45-75 đô la một tháng. Trong khi mỗi chiếc váy do họ sản xuất ra được bán tại Walmart (chuỗi đại siêu thị tại Mỹ) có giá trung bình khoảng 60 - 80 đô, và một ngày mỗi người lao động ở nước thứ 3 phải sản xuất ra khoảng 3 chiếc như thế. Liên tục bị ép số lượng, có những công nhân nữ phải làm liên tục suốt 9 tiếng/ca, 1 ngày 2 ca trong các công xưởng con của nhà máy mẹ vào dịp cao điểm. Họ cặm cụi, gù lưng bên chiếc máy may công nghiệp hoặc miệt mài thùa khuyết không ngơi nghỉ cho tới khi bị vắt kiệt sức để nhận lấy vài đồng bạc “hẻo” nhằm trang trải cho cuộc sống vốn đã quá khốn khó.

Mặc dù đồ do công nhân nghèo sản xuất ra phủ kín khắp các shop thời trang thời thượng song oái oăm thay họ thường xuyên mặc quần áo tuềnh toàng, ăn không đủ no, chỗ ở tạm bợ và nhận được mức lương thuộc hàng thấp nhất thế giới nếu so với những người công nhân tại đất nước khác thuộc cùng ngành nghề. Trong ngành may mặc, công nhân đa phần là phụ nữ. Theo thông tin được công bố, công nhân nữ tại đây không được nhận bất cứ một khoản trợ cấp thai sản nào, thậm chí còn bị ép thôi việc nếu mang thai, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động. Một người nữ công nhân tại Bangladesh đã chia sẻ với phóng viên về việc chị đã phải “ở lì” trong nhà vệ sinh của xí nghiệp suốt 2 ngày để cầu xin người chủ cho phép tiếp tục được đi làm khi họ phát hiện chị mang bầu được vài tháng. Tuy nhiên sau đó, người phụ nữ trên vẫn bị chủ xưởng bắt nghỉ mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ, đền bù nào.

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 1

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 2

Công nhân nữ lao động trong điều kiện chật chội, tồi tàn

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 3

Người phụ nữ này tranh thủ ăn uống và chăm sóc con sau một ca làm việc 9 tiếng liên tục không nghỉ

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, nhiều nhà máy thời trang tại Bangladesh còn sử dụng lao động trẻ em dưới tuổi vị thành niên trái luật.

Trước khi vụ việc kinh hoàng trên xảy ra, vào tháng 6-2012, hàng ngàn công nhân tại khu công nghiệp Ashulia, ngoại ô Dacca, đã biểu tình, phong tỏa các nhà máy để đòi giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và quan trọng nhất là nhằm đẩy mức lương từ 45-75 đô lên khoảng 60-90 đô/1 tháng, vẫn còn là con số quá nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ mà các hãng thời trang giá rẻ đút túi sau mỗi mùa vụ oanh tạc túi tiền người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả đoàn biểu tình thu được chỉ là con số 0, thậm chí Aminul Islam - một trong những người đứng đầu Trung tâm đoàn kết công nhân Bangladesh còn bị bắt cóc và tra tấn cho tới chết.

Để tối đa hóa lợi nhuận thu được, các nhà máy thời trang giá rẻ còn lờ đi các điều kiện tối thiểu để người lao động có môi trường lao động được thuận lợi hơn. Công nhân bị ép vào làm tại những nhà máy tồi tàn xập xệ, máy móc rẻ tiền cũ kỹ, năng suất liên tục bị đòi hỏi phải đẩy cao trong khi không hề có chính sách tăng lương cũng như trợ cấp. Và vụ sập tòa nhà Rana Plaza khiến 1.500 công nhân bị tử nạn là đỉnh điểm của tấn bi kịch thời trang giá rẻ mà chính người lao động phải hứng chịu đầu tiên.

Tòa nhà Rana Plaza nằm ở ngoại ô thủ đô Dakca, nơi sử dụng hơn 3000 nhân công may mặc chuyên sản xuất hàng xuất cho hãng Primark của Anh và Mango của Tây Ban Nha. Công nhân trong tòa nhà cho biết đã phát hiện những vết nứt lớn từ đầu tuần nhưng chủ các xưởng may vẫn cố tình phớt lờ và yêu cầu họ phải tiếp tục đi làm nếu không muốn bị đuổi việc. Khi tòa nhà cũ kỹ đổ sập xuống như lâu đài cát, có tới 3.122 người bị đống đổ nát chôn vùi, phần lớn trong số đó là phụ nữ, và rất nhiều nạn nhân còn phải nuôi con nhỏ. Những người may mắn sống sót đã quy kết hành vi ép công nhân làm việc trong tòa nhà xập xệ khi đang có cảnh báo đỏ là “một hành động giết người đáng ghê tởm”. Bên cạnh đó, nhằm tiết kiệm chi phí tối đa, các chủ phân xưởng hàng xuất khẩu thời trang giá rẻ đã chọn khu nhà này, vốn được xây làm nơi để ở hoặc cho các văn phòng chứ không có kết cấu phù hợp với việc sản xuất. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho sự rung lắc dữ dội của 4 máy phát điện làm nứt gãy kết cấu của tòa nhà có nền tảng không đạt chuẩn.

Điều đáng nói ở đây là thảm kịch vừa xảy ra không phải trường hợp hy hữu tại đất nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu quần áo “mì ăn liền” này. Năm 2005, tại Dhaka, Bangladesh từng xảy ra vụ sập xưởng may khiến 70 người chết. Năm 2006, 8 người bị chôn vùi trong một vụ đổ sập nhà máy quần áo. Năm 2010 cũng xảy ra một tai nạn tại phân xưởng may mặc khiến 25 nạn nhân thiệt mạng. Năm 2012, hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất trang phục cho Walmart và Gap thiêu cháy 111 người. Theo hãng thông tấn AF, những sự việc trên luôn thường xuyên tái diễn bởi các công ty và cả các chủ nhà xưởng luôn gây áp lực và tìm mọi cách để hạ giá thành sản xuất nhằm thu được lợi nhuận hết mức có thể. Vì vậy, như một lẽ hiển nhiên, các nhà máy không bao giờ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn lao động cũng như điều kiện làm việc cho công nhân. Chưa bao giờ tính mạng của con người bị trục lợi hóa và bị coi rẻ tới mức như thế!

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 4

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 5

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 6

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 7

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 8

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 9

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 10

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 11

Những hình ảnh tang thương từ vụ sập nhà máy sản xuất may mặc

Campuchia là một trung tâm sản xuất hàng gia công cho nhiều hãng thời trang lớn như Puma, Gap, H&M hay Levi Strauss…, vào thàng 5 vừa qua ở đây cũng xảy ra vụ sập xưởng giảy khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tình trạng của công nhân tại Campuchia cũng không khá hơn tại Bangladesh là bao, lương của họ chỉ cao hơn những “người anh em” chút đỉnh, điều kiện nhà xưởng tồi tàn, không khí không được lưu thông tốt, dinh dưỡng trong khẩu phần ăn không đủ tiêu chuẩn, thời gian làm việc dài dẵng căng thẳng khiến nhiều người ngất xỉu. Cuối năm 2012, đã từng có một bộ phim tài liệu gây xôn xao dư luận khi đã thẳng tay chỉ mặt hãng thời trang H&M trả đồng lương “chết đói” cho công nhân để giảm giá thành sản xuất tới mức thấp thảm hại, thu lợi nhuận tối đa.

Sức tiêu thụ hàng thời trang giá rẻ ngày càng tăng cũng không cứu vãn được cuộc sống của những người công nhân đói khổ tại đất nước thứ 3. Thậm chí khi hàng hóa tiêu thụ ngày một nhiều thì công nhân lại càng bị ép tăng năng suất mà không tăng lương. Suốt từ năm 2000 tới năm 2010, mức lương của công nhân may mặc Bangladesh vẫn “đứng nguyên một chỗ” trong khi các công ty thời trang giá rẻ như H&M, Zara, Gap hoặc các chuỗi siêu thị như Walmart… vẫn tiếp tục bành chướng xâm lấn thị trường và thu nguồn lợi khổng lồ.

2. Bên cạnh đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nhà máy sản xuất hàng may mặc cũng gây đau đầu cho các nhà quản lý địa phương. Tại Bangladesh vừa xảy ra vụ ngộ độc nguồn nước do nhiễm chất thải từ nhà máy dệt may khiến 600 người phải vào viện trong tình trạng nguy kịch. Kinh khủng hơn, tại Trung Quốc, số lượng người mắc các căn bệnh ung thư do nhiễm hóa chất từ khu sản xuất hàng may mặc ngày càng tăng cao. Theo báo Guardian, tại tỉnh Chiết Giang, “thủ phủ” của các nhà máy sản xuất thời trang cung cấp cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, số lượng người bị ung thư xuất hiện nhiều đến đáng báo động. Thậm chí ngôi làng Wuli tại Chiết Giang còn bị gọi là làng ung thư hay làng ma vì có số người bị ung thư đông hơn cả người khỏe mạnh.  

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 12

Người đàn ông này sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và đang mắc bệnh ung thư do sinh hoạt gần nhà máy sản xuất hàng may mặc. Làn da và đôi mắt vàng úa của ông là triệu chứng của bệnh

Sản phẩm hàng thời trang giá rẻ sản xuất phần đa tại các nước đang phát triển dựa vào nguồn nhân công rẻ, tay nghề khá nhưng lại tiêu thụ mạnh nhất tại các nước phương Tây. Trước giờ, các tín đồ thời trang sành điệu vẫn chưa mấy ấn tượng hoặc không đặt quá nhiều dấu hỏi nghi ngại về sự thực ẩn chứa sau những thứ họ đang mặc cho tới khi câu chuyện Bangladesh cũng như hiện tượng làng ung thư tại Trung Quốc được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông, khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Đã có làn sóng mạnh mẽ từ những người tiêu dùng phương Tây đòi tẩy chay hàng hóa giá rẻ “nhuốm máu người dân nghèo”. Nhiều người dân yêu cầu nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm với hàng hóa cũng như chính người lao động của mình, và họ cảm thấy “thật kinh khủng và xấu hổ khi phải mặc thứ hàng hóa dệt từ máu”! Một số khác nhận định rằng làn sóng quay lưng lại với hàng may mặc có xuất xứ từ những nước kể trên sẽ cướp đi “bữa cơm” của những người lao động nghèo. Theo nhà thiết kế đồ da Anne Williams, một người đã từng sinh sống tại Ấn Độ và Bangladesh trong nhiều năm, cô cho rằng sẽ là tàn nhẫn hơn khi chúng ta khiến người công nhân đang từ sống lay lắt tới chết hẳn, điều quan trọng không phải là ngoảnh mặt lại với các sản phẩm “made in Bangladesh, China” mà nên có sự tác động lên các hãng thời trang mẹ để họ yêu cầu những công xưởng sản xuất ở những nước thứ 3 phải cải thiện môi trường lao động, chế độ, tiền lương cho công nhân. Ông Eric Dimbach, chuyên gia thuộc Tổ chức quyền lao động quốc tế ILR khẳng định người Mỹ (nói riêng) cũng sẽ chẳng thấy quá phiền hà nếu họ phải mua các sản phẩm có giá tiền nhỉnh hơn một chút để người công nhân có môi trường lao động tốt hơn.

Không thể phủ nhận các hãng thời trang giá rẻ đem tới cho chúng ta tiếp cận gần hơn và có cơ hội sở hữu sản phẩm bắt kịp xu hướng mốt đình đám trên sàn diễn thế giới. Tuy nhiên sự sản xuất ồ ạt lượng sản phẩm theo từng mùa thời trang và nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được cũng kéo theo vô số vấn đề về ô nhiễm môi trường, nạn lạm dụng lao động trẻ em, tiền lương thấp, chế độ bấp bênh của người lao động, môi trường nhà xưởng kém an toàn… Những sự vụ liên tiếp xảy ra kể trên có thể mới chỉ là một phần trong những bi kịch mà thời trang đem lại cho con người.

Máu: Bi kịch đằng sau quần áo giá rẻ! - 13

Sinh viên Anh biểu tình chống lại hàng hóa sản xuất dựa trên việc bóc lột công nhân từ các nước thứ 3

Không chỉ đe dọa những người nghèo khổ, cơn lốc thời trang còn tàn sát vô số các loài động vật đáng thương, vô tội theo cách vô cùng tàn khốc. Điều này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết tiếp theo vào 7h sáng thứ 5 (27/6).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN