Mặc soóc nơi công sở – Nhà thiết kế Việt nói gì?
Hãy cùng lắng nghe các nhà thiết kế Việt lên tiếng về giới hạn cho chiếc quần soóc ở chốn công sở!
Vừa qua, rất nhiều công sở ở Hàn Quốc đã thông qua nội quy cho phép nam nhân viên mặc quần soóc, sơ mi ngắn tay từ chất liệu nhẹ và không phải đeo cà vạt đến văn phòng. Xu hướng mới này được gọi là Coolbiz – trào lưu du nhập từ nước bạn Nhật Bản.
Mặc soóc tới công sở thành trào lưu ở Hàn Quốc
Cụ thể, từ năm 2000, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã ủng hộ trào lưu này và sau đó là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người đã đích thân mặc trang phục rất đời thường tới chốn công sở vào năm 2007. Cùng với việc cho phép dân công sở mặc đồ thoáng mát hơn, các điều hòa nhiệt độ tại văn phòng cũng không để thấp hơn 28 độ C và giảm số lượng quạt.
Mục đích của việc này là để tiết kiệm năng lượng và thể hiện thái độ thân thiện với môi trường, chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Trên thực tế, Coolbiz đã manh nha tại Hàn Quốc từ năm 2005, tuy nhiên, thời gian đầu, người ta mới rụt rè đến công sở với sơ mi ngắn tay không cà vạt. Chỉ tới tháng 6 vừa qua, công sở xứ sở kim chi mới ngập tràn những chiếc quần soóc vải khá bình dân, diện kèm với sơ mi. Song hành với trào lưu mới này, nhiều thương hiệu thời trang cũng bắt kịp xu thế, tung ra các sản phẩm mỏng, nhẹ và lịch sự, kết hợp với đủ mốt giày lười, sandals…
Những trang phục ngắn, cộc tay, mỏng nhẹ tại công sở Hàn, Nhật
Cũng là một quốc gia châu Á có điều kiện khí hậu nóng, năm 2013, việc nên hay không mặc soóc tới công sở cũng từng được nhà sử học Dương Trung Quốc đem ra luận bàn. Theo ông Quốc, trang phục này hoàn toàn phù hợp với khí hậu nóng, ẩm ở Việt Nam và vẫn có thể rất lịch sự. Ông dẫn chứng Bác Hồ cũng từng vận soóc tiếp khách quốc tế, khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của dân Hà Thành xưa, nam nữ chiến sĩ Giải phóng quân từ Thủ đô trở về đều mặc soóc…
Vào thời điểm đó, nhiều luồng dư luận trái chiều cũng đã được dấy lên, người ủng hộ nhiệt tình, người phản đối với nhiều lý do khác nhau… Tuy nhiên, trên thực tế là cho đến nay, chiếc quần soóc vẫn chưa thể theo chân dân Việt tới chốn công sở mà chỉ dừng lại ở những điểm đi dạo, pic nic, xuống phố…
Nhiều mẫu short suit (quần soóc và vest) đã ra đời "ăn theo" trào lưu coolbiz
Trước sự trở lại ồ ạt của Coolbiz tại nước bạn Hàn Quốc mùa hè này, phóng viên đã phỏng vấn một số nhà thiết kế - những người am hiểu về thời trang và có cái nhìn hiện đại về vấn đề này để lắng nghe ý kiến của họ về sự xuất hiện của chiếc quần soóc tại các văn phòng làm việc:
Nhà thiết kế Bảo Lộc
NTK Bảo Lộc, người từng có thời gian sinh sống và làm việc 7 năm tại kinh đô thời trang Pháp chia sẻ:
“Tôi nghĩ việc cho dân công sở mặc soóc cũng có thể được với điều kiện đó là chiếc quần như thế nào. Bởi quần soóc cũng có rất nhiều loại. Thông thường, hầu hết các loại soóc mang tính năng động, hợp với buổi picnic. Tuy nhiên, cũng có những kiểu soóc dài với chất liệu phù hợp với văn phòng.
Nhà thiết kế Bảo Lộc
Theo ý kiến của riêng tôi, chiếc quần soóc dài dưới đầu gối 10 cm có thể mặc tới chốn công sở bởi ngắn hơn thì không thể hiện được sự lịch sự. Bên cạnh đó, cũng không nên chọn chiếc quần quá ôm và nên làm từ các chất liệu thường dùng để may quần Tây như kaki chẳng hạn.
Về lý do tiết kiệm điện điều hòa, bản thân tôi thấy không thực sự thuyết phục. Điều quan trọng hơn cả là dù mặc gì cũng cần có một chuẩn mực, ý tứ nhất định. Công sở là nơi công cộng chứ không phải ở nhà để quá thoải mái. Trang phục giúp bạn thuận tiện hơn trong các hoạt động, nhưng không có nghĩa là “thả phanh”.
Hoa hậu – NTK Ngọc Hân
Hoa hậu Ngọc Hân không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà còn là một nhà thiết kế trẻ triển vọng (HH Ngọc Hân tốt nghiệp khoa thời trang với số điểm đứng thứ 3 toàn khóa). Về trào lưu Coolbiz mới đây tại Hàn Quốc, cô tỏ ra không đồng thuận:
Hoa hậu - NTK Ngọc Hân
“Theo tôi, việc cho mặc quần soóc tới công sở ở Hàn Quốc thì được nhưng ở Việt Nam, chắc còn lâu mới có thể chấp nhận được bởi mỗi nơi có một quan điểm khác nhau.
Đàn ông đến công sở thì nên mặc quần Âu, áo sơ mi, phụ nữ thì là váy, juyp – Thanh lịch và trang nhã. Quần soóc chỉ nên mặc khi đi chơi thôi chứ không phù hợp lắm với văn phòng, công sở và văn hóa người Việt.”
Nhà thiết kế Phạm Đặng Khánh
Phạm Đặng Khánh sinh năm 1992, anh từng được chú ý khi tham gia chương trình Project Runway (Nhà thiết kế thời trang Việt Nam 2014). Tuy đứng trên quan điểm của một người trẻ, thuộc thế hệ 9x nhưng Đăng Khánh cũng không ủng hộ ý tưởng này:
NKT 9x Phạm Đặng Khánh
“Bản thân tôi cho là không nên, vì đôi chân của người Việt Nam có nhiều khuyết điểm, nhất là phần đầu gối không đẹp. Khi mặc quần soóc đến công sở như vậy, ý kiến riêng của tôi là không thẩm mỹ và cũng không hợp với thuần phong mỹ tục lắm. Ngay cả với những chiếc quần dài thì khi ngồi xuống cũng không che được đầu gối, dễ tạo cảm giác phản cảm.
Thử tưởng tượng cả một công ty đều mặc quần soóc đi làm, tôi thì thấy hơi… lố bịch. Còn về lý do mà bên Hàn Quốc đưa ra, cá nhân tôi cho rằng mặc soóc cũng chưa chắc đã tiết kiệm điện được nhiều đến thế!”