Kỳ 2: Mẫu Tây ở Việt Nam: Nhiều quý ông coi chúng tôi như gái bao
Đằng sau những bức hình lung linh, những sải chân thênh thang trên sân khấu hoa lệ là những giọt nước mắt của người mẫu tây nơi xứ người.
Người mẫu tây casting trong một show thời trang ở Việt Nam.
Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới thì bề dày về thời trang không đủ để so sánh nhưng như đã nói ở bài trước, các người mẫu tây khi đến với Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu cao cấp hơn. Thay vì bon chen, cạnh tranh với những tên tuổi kỳ cựu và xuất sắc của các kinh đô thời trang thế giới như: Milan, NewYork, Paris… thì ở Việt Nam họ sẽ có cơ hội được làm việc với các thương hiệu lớn, các nhãn hàng lớn mà có lẽ nếu như ở quốc gia bản địa, có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến. Còn có một số người mẫu, họ xem Việt Nam là mảnh đất tiền trạm để làm phong phú thêm phần kinh nghiệm và dày dặn trong portfolio (hồ sơ người mẫu).
Tuy nhiên, mọi thứ lấp lánh chưa chắc đã là vàng. Vì để trụ được ở Việt Nam, ngoài những yêu cầu cơ bản mà người mẫu phải có như: chiều cao, kỹ năng trình diễn, biểu cảm và đi catwalk… thì bắt buộc bạn phải có vốn ngôn ngữ, mối quan hệ và cả những “mánh khóe” hoặc chiêu trò.
Thị trường thời trang Việt Nam có thực sự trải đầy hoa hồng như nhiều mẫu ngoại vẫn lầm tưởng?
Khi diễn ở Việt Nam, việc cộng tác với các mẫu bản địa đã khiến cho cuộc đua giành vị trí vedette, giành giật hợp đồng trở nên khá quyết liệt. Bất đồng về ngôn ngữ, đã khiến cho mẫu Tây gặp nhiều rắc rối kèm theo. Nếu không thông qua một công ty người mẫu chuyên nghiệp mà hành nghề tự do thì việc quỵt tiền cát-xê hay ăn chia thiếu rõ ràng là việc nhiều người mẫu mắc phải. Dù biết bị chơi xấu nhưng vì “đất khách quê người” nên họ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, im lặng cho qua.
Chuyện bị các người mẫu bản địa chèn ép cũng thường xảy ra. Với kiểu "ma cũ bắt nạt ma mới" nên khi gia nhập làng thời trang Việt, các mẫu Tây phải chấp nhận: bị giành vị trí diễn, bị thu trang phục trong phòng thay đồ, bị kèn cựa, "đổ oan"...
Ngôn ngữ là rào cản lớn của mẫu tây khi hoạt động tại Việt Nam.
"Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ có người Việt ra nước ngoài mới bị lừa đảo. Những cô gái ngoại quốc như chúng tôi khi chân ướt chân ráo vào Việt Nam cũng bị gạt tiền catsê thường xuyên nếu không có người hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm" - một người mẫu gốc Ba Lan cho biết.
Một khó khăn nữa đó chính là việc phải thuê phiên dịch khi làm việc nên dù chi phí và cát-xê cao nhưng sau khi trang trải tiền thuê phiên dịch, chi phí đi lại, sinh hoạt… cũng khiến cho kinh tế của các người mẫu khá chật vật. Chưa kể những vấn đề khác như: chi phí ăn ở, văn hóa, phong tục tập quán… cũng là điều không dễ thích nghi với các người mẫu Châu Âu.
Dasha Yarchenco: "Nhiều người coi chúng tôi như gái bao".
Người mẫu sinh năm 1997 đến từ Nga, Dasha Yarchenco là gương mặt quen thuộc của các thương hiệu thời trang cao cấp tại Việt Nam cho rằng việc khó khăn nhất khi làm mẫu ở Việt Nam đó chính là: “Có nhiều lúc tại các show trình diễn thời trang đồ lót, nhiều quý ông nghĩ chúng tôi dễ dãi. Khi xin chụp ảnh kỷ niệm, họ có những hành vi sàm sỡ hoặc nhiều người lỗ mãng đến mức rủ chúng tôi đi qua đêm. Dường như họ coi chúng tôi như gái bao. Tiếp nữa là nhiều công ty người mẫu, bầu show nghĩ “Tây” chúng tôi không hiểu tiếng Việt nên nhiều khi buông những lời chê bai, nói xấu thậm chí là chửi tục ngay trước mặt chúng tôi. Nhiều người không có tinh thần góp ý, phê bình thẳng thắn công bằng mà còn cố tình dựng chuyện để bàn tán”.
Cách đây không lâu, chuyện một người mẫu Anh hoạt động tại thị trường Việt Nam lên trang cá nhân tố bị một nhiếp ảnh gia làm việc thiếu chuyên nghiệp, chụp ảnh đã xong gần 2 tháng nhưng lại không trả ảnh cho mẫu. Không những thế, nữ người mẫu còn cho biết cô thường xuyên bị nhiếp ảnh gia trêu đùa bằng những hình ảnh, clip nhạy cảm. Loạt ảnh chụp màn hình tin nhắn giữa cô và nhiếp ảnh gia kia đã cho thấy điều này.
Đoạn tố cáo của mẫu tây về việc làm ăn thiếu chuyên nghiệp và có hành vi quấy rối bằng tin nhắn của một nhiếp ảnh gia người Việt.
Nên mới thấy, những rủi ro liên quan đến nghề mẫu và "mảnh đất" thời trang Việt Nam có thực sự màu mỡ hay không thì chỉ có những người trong cuộc mới biết. Nhưng với mong muốn tìm kiếm sự nổi tiếng, tài chính và cơ hội nghề nghiệp nên họ vẫn sẵn sàng đối mặt với cạm bẫy.
Cát- xê của người mẫu nội y cao hơn người mẫu thời trang nhưng bù lại cơ hội tiến thân trong nghề hoàn toàn mờ mịt.