Khi đàn ông... vào bếp!
Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống nữ quyền. Điều đó có nghĩa là đàn ông thì không được… vào bếp. Năm 30 tuổi, tôi vẫn không biết bật bếp gas, và nồi cơm điện là một thứ đồ công nghệ phức tạp vô cùng. Dĩ nhiên, trước đó, nhìn một người đàn ông vào bếp, tôi thấy kinh ngạc vô cùng.
Những người đàn ông khi đứng bếp luôn khiến phụ nữ thấy quyến rũ hơn
Mọi chuyện chỉ thay đổi sau một chiều cuối tuần. Hôm ấy, tôi đem lũ con thơ của mình về nhà ngoại ăn chực. Nhìn mấy bố con ăn ngon lành bữa cơm giản dị mà luôn mồm khen ngon, bà mẹ vợ tôi chép miệng: “Có khi mày phải lấy vợ thôi con ạ, để có người nấu cơm cho mà ăn!” - Ơ, thế chẳng nhẽ chỉ vì để nấu một bữa cơm mỗi ngày mà tôi phải lấy cả một cô vợ về nhà sao? Một người đàn ông lẫm liệt như tôi mà lại bị đời xử ép thế ư?
Ý nghĩ ấy khiến tôi bắt đầu vào bếp, và rồi nhanh chóng nhận ra rằng nấu ăn là việc quá dễ dàng, chỉ cần mình dám. Dám vào bếp, đối mặt với dao thớt, nồi niêu không chỉ là câu chuyện của kỹ năng. Đó còn là dám bước chân vào vùng cấm mà lâu nay tôi vẫn tưởng là thánh địa quyền lực của phụ nữ. Bình đẳng giới chân chính chỉ có thể đạt được khi chính những người đàn ông đủ tự tin không cho mình là kẻ yếu.
Vào bếp rồi, tôi nhận ra nấu ăn không chỉ dễ dàng, mà dường như đó là một bản năng của đàn ông. Tôi nhận ra tại sao thời tiền sử, chỉ có đàn ông mới vào rừng kiếm tìm thức ăn, còn đàn bà ở nhà quản trị. Bởi, đàn ông có bản năng nhận biết từ xa mức độ ngon lành của thực phẩm, đó là điều mà hầu hết phụ nữ chỉ có thể nhận biết khi con thú được xẻ ra.
Vào bếp rồi, tôi nhận ra nấu ăn không chỉ dễ dàng, mà dường như đó là một bản năng của đàn ông. Tôi nhận ra tại sao thời tiền sử, chỉ có đàn ông mới vào rừng kiếm tìm thức ăn, còn đàn bà ở nhà quản trị. Bởi, đàn ông có bản năng nhận biết từ xa mức độ ngon lành của thực phẩm, đó là điều mà hầu hết phụ nữ chỉ có thể nhận biết khi con thú được xẻ ra.
Vào bếp, tôi nhận ra hương vị cũng giống như màu sắc, dù muôn hồng ngàn tía thì cũng chỉ từ mấy màu cơ bản mà ra. Nhận thức được điều đó, tôi mặc sức sáng tạo các món ăn theo trí tưởng tượng của mình để rồi mỗi khi vào bếp, tôi đều có thể tạo ra những tuyệt phẩm. Tôi bắt đầu cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn mỗi khi mặc tạp dề.
Vào bếp không chỉ khiến tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, mà còn quyến rũ nữa. Những người phụ nữ kiêu hãnh bắt đầu phải nhắc đến tên tôi mỗi khi khoe món ăn họ nấu. Dường như, cảm nhận của tôi đã trở thành thước đo đối với khả năng nấu ăn của họ.
Gần nhà tôi có một khu chợ mà phần lớn tiểu thương là hàng xóm với nhau trong một khu gia binh. Các bà, các cô bán hàng vì mối quan hệ quen biết với gia cảnh người mua nên bán hàng vẫn như mậu dịch viên thuở trước. Mẹ tôi ngày trước, mỗi khi sai cô em gái tôi đi chợ thường phải dặn dò, tránh hàng này, hàng kia... bà nọ ghê gớm, bà kia lắm lời... Nhưng khi tôi đi chợ mua thức ăn, các bà các cô đều tươi tắn xởi lởi.
Những người phụ nữ đi chợ mà xăm xoi chọn lựa thường hay bị nguýt lườm. Nhưng tôi ra chợ, chỉ miếng thịt miếng cá mình thích, bao giờ cũng nhận được lời khen “cậu đúng là sành ăn, liếc mắt đã chọn đúng miếng ngon nhất!”.
Phụ nữ đi chợ mà mặc cả hơi kỹ thế nào cũng có lần bị đá thúng đụng nia, thậm chí là đốt vía. Tôi ra chợ, hỏi giá miếng thịt 100 nghìn thì chỉ cần nói “chị tự mặc cả hộ tôi đi!”. Y như rằng sẽ được mua với giá 90 nghìn, khuyến mại thêm một nụ cười vô cùng ý nhị.
Đi chợ nhiều, tôi nhận ra không chỉ mình tôi trở nên quyến rũ, mà dường như người đàn ông nào đi chợ cũng thế. Có vẻ như, khi nhìn thấy những người đàn ông xách làn đi chợ, các bà các cô nhìn họ sẽ độ lượng hơn, vì thế mà bớt nhiều nanh nọc.
Nguồn: [Link nguồn]