John Galliano: Thiên tài thiết kế ngỗ nghịch nay đã hoàn lương
Chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của John Galliano khi những gì mà ông tạo ra khiến cho những kẻ ngoại đạo cũng phải ngả mũ thán phục.
Kể từ sau thế hệ những vĩ nhân như Christian Dior, Jacques Fath hay Cristobal Balenciaga, thời trang chuyển mình mạnh mẽ vào những năm cuối của thế kỉ 20 khi thế giới đã quá ngán những thiết kế mực thước cũ rích. Thời thế tạo anh hùng, người đời bấy giờ chứng kiến sự xuất hiện của lớp NTK trẻ: Marc Jacobs, Alexander McQueen, Tom Ford,... với những tư duy thiết kế mới mẻ và đầy táo bạo, đủ bản lĩnh để đầu quân cho các nhà mốt lớn, duy trì bản sắc thời trang vốn có. Và từ ấy nổi lên một kẻ xưng danh đến từ phía Tây Nam châu Âu - John Galliano - kẻ râu kẽm đồng bóng và tài hoa.
John Galliano.
Nhắc đến John, người ta sẽ nghĩ đến hình ảnh một quý ông nhỏ thó với biệt tài kể chuyện bằng vải vóc, ngay cả những biên tập viên thời trang như Hamis Bowles cũng phải cúi mình trước John vì những buổi trình diễn mà ông mang lại cho giới mộ điệu đã không còn nằm trong cảnh giới của những thước vải và ren. Có lẽ, chất máu lửa, sự ham mê đến cuồng nhiệt của dân xứ Ăng-lê đã ngấm vào da thịt của John khi ông còn nhỏ và đem đến chất xúc tác riêng biệt với thời trang mà chẳng một kẻ dị biệt nào khác có thể có được.
Khổng chỉ nổi tiếng với những thiết kế trứ danh mà John còn gây ấn tượng với phong cách ăn vận kỳ quái.
Xuất thân là từ một gia đình gốc Tây Ban Nha có mẹ là vũ công flamenco và cha là thợ sửa ống nước cục cằn, John (tên thật là Juan Galliano) tự biết rằng bản thân phải thật khôn ngoan để che đi những nét yếu mềm của bản thân.. Khi nhớ lại thời ấu thơ, John nói : “Tôi không nghĩ rằng mọi người hiểu những gì mà tôi đã trải qua đâu!”. Bị bạn bè trêu ghẹo và người cha quát tháo vì những biểu hiện chẳng ra dáng đấng nam nhi, luôn nghĩ cách để bản thân diện thật đẹp khi đến trường mà không bị phát hiện,...là những gì đã khiến John đủ nghị lực để đến với Central Saint Martin - ngôi trường danh giá bậc nhất xứ sương mù về thời trang.
BST tốt nghiệp Le Incroyables (1984) của John tại Central Saint Martins.
Trong thời gian theo học tại đây, để chi trả cho học phí đắt đỏ và cũng là để thêm kinh nghiệm cho bản thân về váy áo, John xin 1 chân phụ tá trong nhà hát để dần làm quen với kĩ thuật bảo quản trang phục. Những vở kịch và màn trình diễn opera cùng ánh hào quang năm nào đánh thức tâm hồn nghệ sĩ của John, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hướng đi sau này của ông. Và BST tốt nghiệp Le Incroyables mô phỏng cuộc cách mạng Pháp qua con mắt nghệ thuật đầy tài hoa của John đã ghi điểm với các mạnh thường quân, khiến họ sẵn sàng chi trả tới hàng ngàn đô la chỉ để mua lại và trưng bày tại cửa tiệm Browns. Và đúng thế, thời trang thế giới đã ghi vào sử thi tên của một NTK trẻ - John Galliano, kẻ ngỗ ngược với thời trang đại chúng.
Karlie Kloss trong thiết kế của John Galliano.
Ngoài sự giúp đỡ của bà đầm thép Anna Wintour và Andre Leon Talley, John trở thành truyền nhân của nhà mốt Givenchy lâu đời (năm 1995) trước khi về với nhà Dior năm sau đó. Sự đầu quân cho 2 nhà mốt lớn tại thời điểm bấy giờ như một hồi chuông, cảnh tính tất cả những con chiên ngoan đạo của làng mốt khi một kẻ nhập cư đến từ miền nam nước Anh nhỏ bé và lành tính năm nào giờ đã cầm trượng sáng tạo của 2 nhà mốt hàng đầu của Pháp.
John tự nhận chưa bao giờ là một người chạy theo xu thế hay làm ra những bộ váy được yêu cầu. Mỗi thiết kế đến từ bộ óc thiên tài ngạo nghễ ấy đều có những câu chuyện của riêng và dành cho những quý cô mà chỉ có trong trí tưởng tượng của John. John không tạo ra những dị lập khác thường như Marc Jacobs tại LV hay những pho tượng điêu khắc bằng lông vũ chính xác và tỉ mỉ đến kinh ngạc như McQueen, John đem về thực tại những điều không tưởng trong pho tàng lịch sử của nhân loại với những vàng son diệu kì chói lóa một thời.
Những lớp trang điểm dày cộp phấn trắng và bột màu của Path McGrath, những chiếc mũ, kiểu tóc hình thù kì quái đến ngớ ngẩn của Stephen Jones và Julien D’ys,...tất cả tạo nên một bức tranh về một xã hội thu nhỏ, một vở kịch nhiều chương hỗn độn không hồi kết với những nàng thơ, gái điếm, vũ công ballet,... lả lướt cùng những nốt thăng trầm của một cuộc đời dâu bể. Cùng với những BST Couture đạt đến đỉnh cao cho nhà mốt Dior trong suốt 15 năm, John Galliano đã nâng tầm những chuẩn mực vốn khắt khe của Haute Couture trở thành chính sân chơi của mình. Và cứ thế, John đi dưới ánh hào quang danh vọng với những lời tán dương về một kẻ đồng bóng với sức sáng tạo mang tầm vĩ nhân - kẻ đi ngược lại với thời trang đại chúng để tìm về những trang sử bị đánh mất.
Rihanna tham dự Met Gala 2018 trong 1 thiết kế Maison Margiela bởi John Galliano.
Nhưng mọi thứ không suôn sẻ với John trong những năm cuối trên ngai vàng nhà Dior khi ông lạm dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá để tìm đến sự khuây khỏa. Người châm điếu xì gà, kẻ rót rượu sau mỗi show diễn khiến mọi thứ dường như quá tải với ông: 15 BST lớn nhỏ cho Dior chưa kể đến thương hiệu riêng đã vắt kiệt sức sáng tạo của một kẻ vẽ tranh bay bổng đầy chất thơ. Sự cố vạ miệng khi đụng tới lòng tự tôn của một phụ nữ Do Thái năm 2011 trong cảnh nửa tỉnh nửa mê trở thành dấu chấm hết cho sự nghiệp lẫy lừng của gã trai hư xứ Ăng-lê. Rượu và thuốc phiện - những thứ giúp John “cầm hơi” đã quật ngã ông trong chính vũng lầy của mình, một sự trả giá đắt khi ở trên đỉnh cao sự nghiệp. Không những bị sa thải tại Dior ngay sau đó vài tuần, John còn phải hôn tạm biệt đứa con ruột - thương hiệu riêng của mình khi ông đã bán gần như mọi cổ phần cho ngài chủ xị Bernard Arnault. Giữa những ồn ào về việc phân biệt chủng tộc và áp lực dư luận, giới thời trang chỉ biết “im hơi lặng tiếng” trước sự ra đi đầy tiếc nuối của nhà vua.
Những thiết kế mang đậm dấu ấn của John.
Sau sự trở lại ở Maison Margiela - một nhà mốt đi sâu về cấu trúc vải, John Galliano lại một lần nữa chứng tỏ cho thế giới rằng: rượu có thể quật ngã cái tôi danh vọng của bản thân nhưng chẳng thể nào lấy mất đi kĩ năng dập và cắt vải bậc thầy của mình. Không còn những vở kịch, lâu đài lộng lẫy năm xưa mà giờ đây, người ta thấy những kiệt tác bằng vải, những đường cắt xẻ được vẽ lên bằng tài hoa của một NTK đã già, đã hoàn lương và chín chắn hơn nhiều.
Chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của John Galliano khi những gì mà ông tạo ra khiến cho những kẻ ngoại đạo cũng phải quay đầu thán phục. Những gì John để lại cho thời trang thế giới không chỉ là những chiếc váy bias-cut họa tiết giấy báo trong Sex and the City hay những chiếc túi saddle của Dior mà giờ đây Maria Grazia phải đem về thửa lại. Những gì John để lại là những câu chuyện dân gian về một kẻ truyền giáo xứ Tây Ban Nha năm nào đã khuấy đảo thời trang thế giới bằng chính những nét văn hóa ngập tràn sắc màu của nhân loại.
Hình ảnh của Lý Nhã Kỳ tại liên hoan phim thế giới khiến người hâm mộ lại được phen xuýt xoa khen ngợi.