Hỗn loạn danh xưng ‘siêu mẫu’ làng thời trang Việt
“Danh xưng ấy đang được sử dụng vô cùng nghiệp dư và sáo rỗng”, nhiều người trong nghề lên tiếng.
Trong làng thời trang quốc tế, khái niệm siêu mẫu thường gắn liền với hình ảnh một chân dài đang hoặc từng ở đỉnh cao danh vọng, được hưởng mức thù lao ngất ngưởng. Từ các sàn catwalk bình dân tới cao cấp, từ cuộc thi ở mức độ vừa phải tới chương trình có lượt người xem đông đảo, không mấy ai dám sử dụng danh xưng “siêu mẫu” mà chỉ dừng ở người mẫu (Model), hay cao hơn là “top model”.
Top 6 siêu mẫu thế giới đình đám một thời: Stephanie Seymour, Christy Turlington, Linda Evangelista, Claudia Schiffer, Cindy Crawford và Naomi Campbell
Thế nhưng ở Việt Nam, dù không phải là cường quốc thời trang đình đám thế giới, vẫn có rất nhiều siêu mẫu “trình làng”. Sự xuất hiện của họ khiến không ít khán giả chưa am hiểu về thời trang hoang mang: “Phải chăng Việt Nam đang vươn lên trở thành một kinh đô mới của thời trang quốc tế, khi số siêu mẫu ở nước ta còn nhiều hơn cả toàn thế giới cộng lại?”.
Từ tiêu chí khắt khe để trở thành một siêu mẫu…
Theo stylist Trương Quang Diệu, người từng làm việc với nhiều ngôi sao của giới giải trí Việt như Trương Tri Trúc Diễm, hoa khôi Lan Khuê, người mẫu Trang Khiếu…, siêu mẫu là một khái niệm phổ biến từ thập niên 90 - thời kỳ hoàng kim của nghề người mẫu. Khi ấy, siêu mẫu không chỉ là người mẫu thể hiện ý tưởng trang phục, mà còn có sức ảnh hưởng và tạo ra cảm hứng, được coi như một biểu tượng thời trang.
Stylist chia sẻ: “Để được gọi với danh xưng cao quý này, người mẫu phải đạt được những tiêu chí nhà nghề rõ ràng: chiều cao từ 1m75 trở lên, có thâm niên hoạt động hơn 5 năm trong nghề…
Ở góc độ chuyên môn, siêu mẫu phải được xuất hiện ở những show thời trang hàng đầu với vị trí ‘đinh’ cho những thương hiệu lừng lẫy nhất, hay hiện diện trên trang bìa những tạp chí thời trang danh tiếng bậc nhất… Còn ở góc độ thương mại, siêu mẫu phải có sức ảnh hưởng đến số đông công chúng, được mời làm đại sứ cho các hãng quảng cáo với thù lao kếch sù…”.
Stylist Trương Quang Diệu...
... là người từng hợp tác xây dựng hình ảnh cho nhiều sao Việt Nam như Diễm My 9x, Trúc Diễm...
Cũng chính vì tiêu chuẩn khắt khe như vậy, nên theo stylist họ Trương, nhiều người mẫu chuyên nghiệp và vô cùng nổi tiếng nhưng vẫn không được công nhận là siêu mẫu (Supermodel) mà chỉ được gọi là Top model – Người mẫu chuyên nghiệp, danh tiếng.
“Đây là tiêu chí mà giới chuyên môn thời trang thế giới đã công nhận chứ không riêng gì ý kiến cá nhân tôi” – stylist đến từ TP.HCM khẳng định.
Cùng chia sẻ quan điểm của stylist Trương Quang Diệu, stylist Hoàng Anh – người từng có mặt trong êkip cuộc thi Hoa khôi Áo dài - cho rằng, siêu mẫu thực thụ phải là người “đạt được những tiêu chí nhất định, có kinh nghiệm và được mọi người công nhận”.
Hoàng Anh bày tỏ quan điểm: “Những người thực sự là siêu mẫu hay Diva cũng vậy, ít khi họ tự xưng lắm bởi khái niệm này trên trường quốc tế rất lớn và khi nhắc đến, họ luôn cảm thấy tự hào”.
Stylist Hoàng Anh: "Người thực sự là siêu mẫu rất ít khi tự xưng..."
Tuy nhiên theo stylist này, việc đặt ra tiêu chí cho người mẫu đang là khái niệm tương đối, vì trên thực tế chưa có tổ chức nào có thẩm quyền phong tặng danh hiệu hay chứng chỉ để kết luận thế nào là một siêu mẫu. Vì lẽ này mà thông thường, một chân dài được ngầm hiểu là siêu mẫu khi họ luôn là gương mặt trang bìa của các tạp chí lớn, hay là vedette “bao sân” mọi sàn diễn catwalk đình đám.
Cùng quan điểm với stylist Hoàng Anh, cũng là người có nhiều năm hoạt động ở làng mẫu trong nước và quốc tế, chân dài Hà Anh còn đưa ra tiêu chí có phần cao hơn cho những người đẹp được quyền xưng danh “siêu mẫu”.
Theo Hà Anh, siêu mẫu không chỉ xuất sắc về hình thể, độ phủ sóng về hình ảnh trên các quảng cáo thương hiệu, tạp chí uy tín trong và ngoài nước mà còn phải có sức ảnh hướng lớn với công chúng. “Một siêu mẫu cần phải dẫn đầu những lối sống và trở thành hình mẫu tiêu biểu!” – chân dài này chia sẻ.
Hà Anh trên sàn diễn thời trang thế giới
… “loạn” siêu mẫu trong làng mốt Việt
Với tiêu chí vô cùng khắt khe như vậy, “siêu mẫu” cũng trở thành một danh xưng cao quý mà không phải chân dài nào cũng với tới. Thế nhưng, danh xưng ấy dường như đang được sử dụng quá hồn nhiên và dễ dãi.
“Siêu mẫu là danh xưng đòi hỏi đạt được những tiêu chí, chuẩn mực nhà nghề sau một quá trình dài phấn đấu chứ không phải danh hiệu có được chỉ sau một đêm bước ra từ cuộc thi. Thật ngán ngại là hiện nay, danh xưng ấy vẫn được sử dụng một cách nghiệp dư và hoàn toàn… sáo rỗng” – stylist Trương Quang Diệu bày tỏ quan điểm.
Cũng theo stylist này, ở các nước có ngành thời trang phát triển hàng đầu thế giới, chỉ có các cuộc thi tìm kiếm “người mẫu” chứ không có cuộc thi lấy danh “siêu mẫu”. Đưa ví dụ về điều này, Trương Quang Diệu cho rằng có thể nhìn vào cuộc thi tìm kiếm người mẫu có lịch sử lâu đời Look of Elite từng phát hiện chân dài đình đám thập niên 90 như Cindy Crawford, hay Model of the year của một hãng người mẫu cũng được coi là khá uy tín...
“Hiện nay, chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu đang thu hút sự quan tâm của công chúng toàn cầu và nhuốm màu giải trí đậm đặc cũng chỉ lấy tên là Next Top model. Một đỉnh cao của hiện tượng giải trí thế giới khác – Victoria Secret fashion show - cũng chỉ phong tặng danh xưng ‘angel’ (thiên thần) cho các người mẫu của họ, chứ không hề đụng đến danh xưng ‘siêu mẫu’ – Supermodel” – Trương Quang Diệu khẳng định.
Thanh Hằng - một trong những chân dài hiếm hoi được nhiều người trong nghề công nhận siêu mẫu
Sự “loạn phong” và lạm dụng danh xưng “siêu mẫu” một phần do các người đẹp bước ra từ một số cuộc thi tự sử dụng, bất chấp việc chưa chứng minh được khả năng trong nghề hay do truyền thông “thổi phồng”.
Xét theo đúng những tiêu chí nhà nghề được đặt ra, cả stylist Trương Quang Diệu và Hoàng Anh đều cho rằng, ở Việt Nam, số lượng siêu mẫu thực thụ rất ít ỏi. Thanh Hằng là một trong số hiếm hoi đó, vì cô không chỉ có hình thể đạt chuẩn, độ “phủ sóng” dày đặc trên các tạp chí, sân khấu lớn mà còn giữ được phong độ qua bề dày năm tháng.
Theo stylist Hoàng Anh, không khó để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của việc “lạm phong” siêu mẫu tương tự. Một chân dài được “gắn mác” siêu mẫu có thể PR bản thân dễ dàng hơn nhiều, và cùng với đó, các hợp đồng dự show, sự kiện cũng tăng lên.
Lối thoát cho cảnh "loạn xưng" mẫu
Có thể nói, dù hầu hết những người làm nghề lâu năm đều hiểu tường tận về khái niệm “siêu mẫu” nhưng việc làm sao để quản lý, hạn chế cách dùng bừa bãi này vẫn là “một câu hỏi lớn không lời đáp.”
Stylist Hoàng Anh cho rằng, việc “kiểm định” sử dụng danh xưng này là vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể: “Muốn kiểm định, cần có một tổ chức. Tổ chức đó phải được nhà nước phê duyệt và được phép cấp chứng chỉ. Cho tới nay, chưa từng có một chứng chỉ nào công nhận ai là siêu mẫu. Cũng cần nhớ, tấm bằng có được từ một cuộc thi rất khác với chứng chỉ này!”.
Trong khi đó, theo ý kiến của stylist Trương Quang Diệu, lời đáp cho câu hỏi lớn đó “thuộc về trách nhiệm và tâm ý của giới chuyên môn thời trang Việt Nam – những người có sức ảnh hưởng lớn tới việc định hướng, đưa ra các khái niệm, kiến thức chuẩn mực đến với công chúng".
Stylist họ Trương cũng nói thêm, bên cạnh việc trông chờ vào tầm ảnh hưởng của giới chuyên môn hay sự ra đời của một tổ chức có thầm quyền, chính các chân dài nên ý thức rõ hơn để chứng minh bản thân mình thực sự xứng đáng với danh xưng cao quý đó.
Stylist Trương Quang Diệu chụp cùng hoa hậu Phạm Hương. Theo anh, để tránh tình trạng loạn xưng siêu mẫu hiện nay, rất cần tới tâm ý của người trong nghề
Đồng quan điểm này, Hà Anh bày tỏ: “Để hạn chế danh xưng siêu mẫu, ban đầu là ở bản thân người được gọi là siêu mẫu. Nếu họ cảm thấy ngại ngùng khi được gọi một danh xưng mà họ chưa xứng đáng thì họ có thể chủ động sửa lại với báo chí.
Tiếc là ở xã hội Việt Nam, khi mọi ngành nghề còn chuộng danh xưng thì điều này khó có thể xảy ra. Tuy nhiên những người có chuyên môn và công chúng sẽ tự có những đánh giá của họ. Không thể coi mình là ngôi sao nếu khi bước ra đường không ai nhận ra mình phải không?”.
Hà Anh: "Nếu họ cảm thấy ngại ngùng khi được gọi một danh xưng mà họ chưa xứng đáng thì họ có thể chủ động sửa lại với báo chí".