"Hàng thửa" ở phố

Sự kiện: Sành - Ăn - Chơi

Ở bất kỳ đô thị lớn nào, khi bắt đầu dư dật và có vẻ văn minh, thì việc dùng “hàng thửa” thật sự là một nhu cầu. Thậm chí ở một số nhóm thị dân nhất định, ví như giới showbiz đang cố phấn đấu để trở thành tinh hoa, thì việc này đã là một trào lưu thời thượng. 

Hà Nội xưa đã có những hiệu may “hàng thửa” 

Hà Nội xưa đã có những hiệu may “hàng thửa” 

Hàng thửa hay nôm na còn gọi hàng hiệu, có thể là đắt tiền ô tô, là xa xỉ nội thất. Lại có thể đơn giản chỉ là hàng tiện dụng như túi xách, dép giầy. Thế nhưng, theo giải thích vừa lăng nhăng vừa nghiêm trọng của mấy ông thợ may sành điệu ở phố Hàng Khay hay Tràng Tiền, thì “hàng thửa” vốn có xuất xứ từ việc may đo quần áo.

Hàng thửa hoàn toàn không phải là hàng đặt trước, nó là sự tốn công hợp tác cầu kỳ giữa người làm ra nó và khách đặt. Dễ thấy như một bộ veston chẳng hạn. Nói chung, nó được tỉ mỉ đo cắt bằng tay rồi dựng riêng từng chi tiết cho vóc dáng của mỗi khách hàng.

Ngoài những tiêu chuẩn cố định như chất vải quý riêng biệt, thậm chí khuy cài có hoa văn cách điệu chữ cái đầu tên khách, thì quan trọng nhất nó phải bật ra độ lịch lãm sang trọng của từng người. 

Một hàng thửa hoàn hảo đúng nghĩa thường độc đáo phảng phất nhiều nét sáng tạo. Nó là một nghệ phẩm tuyệt vời “handmade”. Chính vì thế mà người đặt nó, ngoài chuyện dư dật kinh tế, bắt buộc phải sở hữu một tư cách văn hóa nào đó. Nếu không rất dễ lố vì vi phạm nguyên tắc “y phục xứng kỳ đức”.

Hàng hiệu sành điệu luôn đi kèm với sự cầu kỳ, tốn kém

Hàng hiệu sành điệu luôn đi kèm với sự cầu kỳ, tốn kém

Cứ thử nhìn mấy cụ bà Hà Nội gốc thong thả mặc cái áo bông trần chữ Hỉ được đặt làm ở phố Lương Văn Can đi lễ chùa Quán Sứ vào những ngày rét cuối năm thì sẽ biết thế nào là người sang ở phố. Đồ “thửa” tuyệt nhiên không có tính bầy đàn, nó phải tự nhiên chạm tới cái cao sang “quý tộc” theo nghĩa lành mạnh nhất của giới thị dân.

Chứ không phải như ở một “xô” diễn vừa rồi, không ít khán giả Hà thành tử tế khi thấy thời trang ở nhiều nam nữ ca sĩ nổi tiếng, thì bàng hoàng những tưởng bọn họ là đám dị nhân chập cheng đang loay hoay đi lại. Thảo nào mà chữ Tây hay xót xa gọi những người hát giỏi là “đi vô” rồi “đi va”. 

Có lẽ những người quen dùng hàng thửa luôn mong manh hy vọng là mình sẽ thành “người thửa”, một thứ “Elite” hình như được giời chọn. Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thời thượng đương đại ở ta, khi trả lời phỏng vấn báo chí, thường không giấu giếm sở thích mê đồ “thửa”. Cái váy này độc vô cùng, giá của nó cả tỷ đồng.

Cái túi này cũng vậy, đôi giầy này cũng thế. Nói chung toàn là những thứ được “đì zai” riêng cho “giới tinh hoa”. Trời ơi, đã Tinh Hoa thì lấy đâu ra đông để tạo thành một giới. Bọn họ không thèm biết rằng “người thửa” không bao giờ là nhiều bởi nó vô cùng hiếm, nó là hồn cốt kết tinh trong trắng của đỉnh cao đạo đức và văn hóa trong một nghề hoặc trong một cộng đồng.

Rất nhiều trọc phú thị dân luôn nhầm tưởng hàng thửa bắt buộc phải là xa xỉ. Bọn họ rưng rưng kể cho nhau nghe câu chuyện về “toa lét” của một trong những ái nữ vua Tấn Huệ Đế bên Tầu. Phòng vệ sinh của nhà cô công chúa này luôn có một bình to trà “trảm mã” tuyệt hảo, giá một lạng trà cả trăm lượng bạc.

Cạnh bình trà là một đĩa ngọc nạm kim cương đựng những quả mơ nhỏ Tuyết Sơn thơm lừng tuyệt hiếm trồng trên núi cao vạn trượng. Khách mời tới nhà công chúa toàn là những hoàng tử vương tôn, chuyên gia tiêu hoang chơi hàng thửa. Khi no bụng vào “toa lét”, bọn họ đều tỏ vẻ cao nhã ăn vài quả mơ rồi nhấm nháp ngụm trà.

Lúc đi ra chợt thấy mấy “ô sin” nhà công chúa bưng miệng cười. Gặng hỏi mãi thì chúng thật thà kể, quả mơ là để nút vào mũi tránh mùi hôi sau đó vứt đi. Còn bình trà thượng thặng kia chỉ là nước rửa tay sau khi… xong việc.

Cố nhiên hàng thửa không phải là cái gì quá cao sang, ghê gớm, đắt tiền. Vào thời Lê mạt ở thành Thăng Long có một vị danh sĩ làm quan đại thần rất thích dùng hàng thửa. Ông này vất vả đặt thợ làm riêng cho mình một bình gốm để trên bàn viết trong thư phòng.

Khi rót rượu hoặc nước vào bình, tới một cữ gần đầy thì bình tự đổ. Hình như nhờ cái bình “tri túc” biết đủ ấy mà khi triều đình xa xỉ của chúa Trịnh bị đổ, cả vua lẫn tôi nhiều người bị giết, riêng ông này vẫn điềm đạm sống khỏe re.

Cái bình thửa đó bây giờ vẫn còn. Có điều tất thẩy những người có tiền ở phố hôm nay đều không thích dùng. Bọn họ nhầm lẫn tiền bạc là của cải và tệ hơn, của cải như xe hơi, nhà lầu thì chính là sự giàu có. Ở họ vắng hẳn khái niệm giàu tình người hay giàu văn hóa. Có lẽ bởi vậy, hàng thửa với họ phải là những giá trị vật chất vô hạn. Càng tràn càng đầy thì càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhà văn Nguyễn Việt Hà ([Tên nguồn])
Sành - Ăn - Chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN