Hà Nội: Thời trang hiphop chưa hẳn là hiphop!
Sau một thời gian làm mưa làm gió trên đường phố Hà Nội, tín đồ mặc phong cách thời trang hiphop thưa thớt dần. Những cửa hàng chuyên đồ hip hop vẫn còn lác đác trên vài con phố song rất vắng người qua lại.
Hiphop, xuất hiện từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước, là một thể loại âm nhạc và trào lưu văn hóa xuất phát từ tầng lớp lao động bắt nguồn từ khu Bronx, thành phố New York, Mỹ.
Africa Bambaataa, người được coi là cha đẻ của dòng nhạc này, lần đầu tiên đưa ra yếu tố chính của văn hóa hiphop bao gồm: MCing (người hát rap), DJing (người phối nhạc), Graffiti writing (Vẽ trên tường), Breaking (vũ công/dancer) và Knowledge (người truyền kiến thức về hiphop).
Ngoài ra về sau cũng còn có một số yếu tố quan trọng không kém như Beatboxing (Tạo nhạc bằng miệng), Slang (tiếng lóng/ ngôn ngữ hip hop) và thời trang hiphop. Điệu nhảy đặc biệt cùng với phong cách ăn mặc độc đáo đã tạo cảm tình cho người trẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời trang hiphop từng một thời làm mưa làm gió trên đường phố Hà Nội (ảnh minh họa)
Một thời gian dài khi hiphop mới du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng hơn chục năm, khắp đường phố Hà Nội đâu đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh những cô cậu thanh niên mặc quần tụt, đeo sợi xích. Không cần biết chàng trai đó có phải là một dancer (người nhảy hiphop chuyên nghiệp hay không) người ta ngầm đánh giá: “Trông hiphop quá!”
Tức là hiphop không chỉ là một bộ môn nghệ thuật đường phố hay một nghề đặc trưng mà trở thành một hiện tượng, một phong cách thời trang. Song khác với một nét văn hóa tồn tại ở các nước phương Tây, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa Kpop lấn sân, thời trang hiphop gần như không còn chỗ đứng trong lòng giới trẻ Việt.
Thời của quần tụt đã qua
Nói về thời kì “quần tụt” làm mưa làm gió, hẳn ai cũng nhớ thanh niên muốn được gắn mác sành điệu là phải có quần thụng cạp trễ ngang mông, áo xanh đỏ tím vàng thùng thình in hình lạ, kèm theo một lô một lốc dây xích xủng xoẻng để đảm bảo rằng mình không tụt hậu.
Hẳn ai cũng nhớ, một vật tiêu biểu của văn hóa hip hop hiện giờ trong lĩnh vực thời trang đó là quần tụt. Người người dùng quần tụt, đâu đâu cũng thấy quần tụt. Chủ một cửa hàng thời trang hiphop trên đường Núi Trúc ra đời gần như đầu tiên tại Hà Nội kể:
“Thời ấy cậu học sinh cấp ba nào muốn ra oai với bạn bè đều sắm một chiếc quần tụt hay còn gọi là quần bom, quần chân voi. Quần tụt mua về hàng chục chiếc có thể bán hết veo chỉ sau vài ngày với mức giá không rẻ.”
Nếu như thế hệ trước chọn phong cách thời trang “rách rưới” như các rocker thì thế hệ 8X, đầu 9X cách đây chục năm chọn thời trang hiphop như một cách để thể hiện cái mới và sự tân tiến.
Trang phục theo chuẩn phong cách nhảy Poppin Style.
Trang phục theo chuẩn phong cách nhảy House dance style với quần tụt và áo thụng đặc trưng.
Trang phục theo phong cách Waackin style.
Tuy nhiên, cũng như một làn sóng thời trang nhanh đến nhanh đi. Xét về mặt thẩm mĩ, thời trang hiphop rất kén dáng người. Quần tụt không đẹp với những người thấp bé trong khi những chiếc áo thùng thình cũng chẳng khoe được nét gợi cảm của một cô gái.
Phong cách hiphop dần không còn nổi bật trên đường phố, những người không hiểu về văn hóa hiphop mà chạy theo bề nổi cũng dần rời xa quần tụt như quần loe một thời.
Nói như dancer Nguyễn Viết Thành trưởng nhóm Big Toe một trong những người gắn bó với hiphop Việt đầu tiên và lâu dài nhất thì: “Thời kỳ đầu tiên các bạn trẻ yêu hiphop phần lớn mặc quần áo rộng thùng thình và dây xích đeo khắp người.
Còn giờ đây tất cả mặc gọn hơn và theo cách họ thích chứ không phải tất cả chỉ đi theo số đông. Điều này rất đúng với tinh thần hiphop là khẳng định cá tính chứ không chạy theo vẻ bề ngoài” – Còn người chỉ chạy theo hiphop đương nhiên sẽ chán quần tụt.
Những cửa hàng hiphop cũng thưa vắng khách hàng hơn hẳn, nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh những trang phục hiphop cách điệu hoặc thời trang mang hơi hướng hiphop.
Đồ hiphop ngày nay không dành cho dancer
Nói về đặc điểm nhận dạng thời trang chuẩn dành cho dancer theo đuổi hiphop, anh Nguyễn Viết Thành có đưa ra một số phong cách tiêu biểu: House dance style, Waackin style, Poppin Style và Bboy Style. Mỗi phong cách lại gắn với một gu thời trang đặc biệt khác nhau.
Trong đó, House dance style và Bboy Style với quần tụt, áo thụng là hình ảnh quen thuộc nhất và cũng nhiều người nhầm lẫn mặc định đó mới là hiphop. Waackin style thường đi sâu vào nhịp điệu cá tính gắn với những bộ trang phục quyến rũ, gợi cảm. Poppin Style là hình ảnh quý ông với những động tác uyển chuyển.
Tuy nhiên, mỗi bài nhảy yếu tố quyết định chọn trang phục lại là nội dung ý tưởng mà dancer muốn thể hiện. Các điệu nhảy hiphop ngày càng có sự hòa trộn giữa các phong cách đồng nghĩa với việc không có ranh giới rõ nét trong trang phục biểu diễn.
Một cửa hàng thời trang hiphop trên tại Hà Nội rất vắng người qua lại và không có phong cách đặc trưng. Chủ cửa hàng bán lẫn lộn nhiều loại quần áo khác.
"Nhiều tín đồ chọn phong cách thời trang hiphop nhưng thực chất lại không hiểu nhiều về môn nghệ thuật này nên dễ bị nhầm lẫn khi lựa chọn trang phục. Trong khi đó, những cửa hàng thời trang hi hop ở Hà Nội cũng không có sự phân định rõ ràng đâu là thời trang cho dancer và đâu là trang phục chỉ mang hơi hướng của phong cách hiphop".
Nguyễn Viết Thành nhận định: “Những cửa hàng thời trang hiphop ở Hà Nội không phong phú về kiểu dáng và mẫu mã. Họ đáp ứng được một phần, nhưng nhìn chung vẫn là xu hướng chung chung chứ không hẳn phục vụ cho giới nhẩy”.
Anh cũng khẳng định dancer có những yêu cầu khá khắt khe về trang phục: “Một người nhảy poppin sẽ thích một đôi giầy theo dáng lịch sự và khi biểu diễn họ thấy thoải mái. Hay một người thích waakin họ sẽ thích sự duyên dáng của guốc cao gót. Theo breakin thích giầy thể thao đế bám để dễ cho các động tác xoay và giữ chân chắc… Mỗi môn sẽ có một kiểu giầy khác nhau.”
Theo dancer Nguyễn Viết Thành, phần lớn trang phục hiphop bán tại Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu của các dancer.
Tại các cửa hàng trang phục cách điệu theo phong cách hiphop được bày bán là chủ yếu (ảnh minh họa)
Những yêu cầu trên dường như chủ cửa hàng thời trang hiphop không biết tới. Dân nhảy hip hop thường phải tìm mua trang phục, phụ kiện với mức giá khá cao ở nước ngoài hoặc đặt may theo yêu cầu.
Đi dọc những cửa hàng này sẽ thấy những loại quần áo hoàn toàn giống nhau với mức giá trung bình và kiểu cách không quá khác biệt so với cách đây chục năm.
Một số cửa hàng có những mẫu quần áo theo phom dáng bình thường, nhưng có phần trang trí cách điệu theo phong cách hiphop để phù hợp với thị hiếu của tín đồ thời trang.
Hoàng Minh chủ một cửa hàng trên đường Xã Đàn (HN) chia sẻ: “Tôi cũng không tìm hiểu và am hiểu nhiều về các điệu nhảy của hiphop. Việc nhập mua hàng chủ yếu dựa vào nguồn hàng từ các nước Thái Lan, Trung Quốc… và cũng chưa nghĩ tới việc chọn hàng cho dân nhảy chuyên nghiệp vì giá cả khá đắt đỏ.”
Khi được hỏi về đối tượng khách hàng, anh Minh ngần ngại: “Vài năm gần đây, lượng khách hàng giảm đi nhiều, phần đông khách hàng là các bạn học sinh cấp ba, có dân nhẩy hiphop nhưng đa phần là dân nghiệp dư thôi.”
Trong khi, một rapper ở TP.HCM lại khẳng định: “Thị trường thời trang hiphop ở Hà Nội quá ít ỏi, không có phong cách riêng và hầu như rất ít sản phẩm hợp thời. Trong khi đó, thời trang cho dân hiphop ở TP.HCM đa dạng về mẫu mã, giá cả.
Thậm chí có những nhãn hàng đồ thiết kế do dân nhảy chuyên nghiệp mở ra. Họ am hiểu và yêu môn nghệ thuật này nên sáng tạo ra những sản phẩm mang văn hóa hiphop thực thụ”.
Không đơn giản như một trào lưu, xu hướng thời trang nhanh đến nhanh đi, phong cách thời trang hiphop mang trong nó tư tưởng và văn hóa riêng của môn nghệ thuật này. Vì vậy đòi hỏi người thiết kế, kinh doanh trang phục hip hop phải thực sự hiểu và yêu nó.