Giật khách, giao hàng giả: Thủ đoạn buôn online mới
Kẻ lừa đảo lấy thông tin khách hàng trên mạng, tự ý đi giao hàng kém chất lượng cho khách.
Sự phát triển nhanh chóng của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã mở ra cơ hội kinh doanh, làm giàu cho không ít bạn trẻ. Thay vì phải đau đầu vì một số vốn lớn cho việc đầu tư cửa hàng, nội thất... những “dân buôn” online đỡ đi nhiều gánh lo về cả kinh tế lẫn thời gian.
Tuy nhiên, những rắc rối mới xoay quanh cách buôn bán thời @ cũng nảy sinh. Một trong số đó là thủ đoạn giật khách và giao hàng giả mới xuất hiện gần đây.
Những rắc rối cũng nảy sinh từ sự phát triển của kinh doanh online.
Giật khách “dễ như trở bàn tay”
Ngày 25.3 vừa qua, một video clip được đăng tải trên hàng loạt các diễn đàn kinh doanh online đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận.
Nhân vật chính trong đoạn clip này là một cô gái trẻ, bị vây đánh bởi một chủ cửa hàng và bạn bè cô này vì tội lừa đảo, giật khách. Theo thông tin đăng tải, cô gái phải "chịu trận" trong clip đã lấy thông tin về khách hàng của một cửa hàng trên mạng, sau đó đóng giả người giao (ship) hàng, mò đến tận địa chỉ của khách và… giao hàng giả để ăn chênh lệch.
Ngay khi đoạn clip được đăng tải, rất nhiều chủ hàng khác cũng bày tỏ nỗi niềm giấu kín bấy lâu vì từng rơi vào trường hợp tương tự. Các mặt hàng thường bị “ăn chặn” trắng trợn như vậy thường là quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Với việc công khai thông tin khách hàng trên fanpage, không khó để những kẻ tư lợi cá nhân dòm ngó và “tiện tay dắt dê”.
Thủ đoạn này không hề tinh vi mà hết sức đơn giản bởi sau đó, kẻ cướp khách chỉ việc “cao chạy xa bay” và chủ cửa hàng khó lòng tìm bắt được. Trên mạng xã hội nổi tiếng về kinh doanh online, nhiều ý kiến đều khẳng định họ phải "ngậm đắng nuốt cay" vì không thể truy ra được kẻ "ngồi rỗi ăn hớt".
Một cảnh trong đoạn clip đánh kẻ giật khách được đăng tải trên mạng trong thời gian gầy đây.
Người mất tiền oan, kẻ mất tiếng
Với mỗi đơn hàng “giật” được của cửa hàng, thiệt hại mà chủ và khách phải hứng chịu không hề nhỏ. Nếu như chủ cửa hàng vừa mất tiền, vừa phải mang tiếng oan là kinh doanh đồ giả, lươn lẹo thì khách hàng lại phải chi tiền cho một món đồ kém giá trị, kém chất lượng, thậm chí có thể gây hại tới bản thân trong trường hợp đó là mỹ phẩm.
Có những lúc, kẻ đóng vai giao hàng còn “ăn dày” bằng cách giao số lượng hàng ít hơn so với đơn hàng được khách đặt, nhất là với những mặt hàng được đóng gói kỹ lưỡng. Hậu quả là chính những cửa hàng bị hại phải “è cổ” trả đủ hàng cho khách, hoặc mất công giải thích lên xuống mà vẫn phải nhận cơn thịnh nộ đầy oan ức từ phía “thượng đế” của mình.
Có khá nhiều cách ứng xử khác nhau khi chủ cửa hàng tìm ra “thủ phạm”. Dù rất uất ức nhưng hầu hết những người kinh doanh online đều chọn cách dàn xếp trong “hòa bình”. H. – một chủ cửa hàng kinh doanh phụ kiện tại Hà Nội cho biết: “Với đơn hàng bị cướp thì tôi bỏ qua, vì cũng không đáng bao nhiêu. Nhưng vì biết thủ phạm là một người quen nên tôi phải hỏi cho ra nhẽ.
Chính cô ta cũng là dân kinh doanh, lấy sỉ ở bên tôi rồi cướp luôn thông tin khách hàng để đi bán. Tuy nhiên, khi đó, cô ta lại thanh minh là đi ship ‘hộ’ tôi mà quên chưa báo lại. Tôi cũng nói mấy câu rồi cũng đành thôi. May mắn là khách hàng của tôi khác dễ tính nên báo lại với họ mấy câu là qua chuyện.”
Người kinh doanh và "thượng đế" đều phải cẩn thận trước những bẫy lừa mới trên mạng.
Hiếm hoi lắm mới thấy trường hợp chủ cửa hàng bắt được quả tang và quây đánh thủ phạm như trong video clip mới đăng tải gần đây. Đúng sai của việc đánh người chưa bàn tới nhưng đoạn clip này vẫn được chia sẻ với tốc độ khá nhanh trên mạng, như một lời cảnh báo gửi tới cả nhưng người đang kiếm tiền nhờ kinh doanh online lẫn các “thượng đế” trên mạng.
Đối phó thế nào với những kẻ cướp online?
Cùng với những chia sẻ khi đồng cảm, lúc phẫn nộ trên mạng, cũng có khá nhiều "cao kiến" được chị em "dâng" lên để giúp các chủ hàng và "thượng đế" tránh được thủ đoạn của kẻ giật khách.
M. - một bạn trẻ cho rằng: "Cứ làm triệt để thì không sợ. Nếu đã tìm ra ai là thủ phạm rồi thì chủ hàng có thể công bố số điện thoại, cách nhận diện của kẻ cướp để khách hàng cẩn thận mà tránh xa hay không bắt máy".
Tinh vi hơn, để tìm ra thủ phạm giữa "rừng" người, có người còn cho rằng nên "treo" nhưng đơn hàng giả với giá hời trên mạng, hẹn một địa chỉ "ảo" để kẻ giả danh ship hàng tìm tới là sẽ bắt được tận tay thủ phạm.
Về phía khách hàng, việc kiểm tra kỹ mặt hàng được giao về chất lượng, số lượng hay thậm chí gọi điện kiểm tra lại phía chủ hàng cũng là điều cần thiết, nên làm để tránh tiền mất, tật mang.