Đi tìm áo dài Sài thành xưa qua lời kể cụ Đào

TP - Cụ Đào – Lê Thị Mộng Đào sinh 1940, sống tại Quận 1, TPHCM. Chúng tôi tìm đến tiệm may của cụ (đường Cống Quỳnh, Quận 1) vì sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của người phụ nữ ở tuổi bát tuần đã vượt qua bao thiếu nữ để đoạt được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Duyên Dáng Áo Dài 2019.

Đi tìm áo dài Sài thành xưa qua lời kể cụ Đào - 1

Người dân TPHCM tích cực hưởng ứng ngày hội áo dài.

Và hơn hết là niềm ham muốn tìm về tà áo dài xưa qua những lời kể, bởi cụ như một “nhân chứng sống” cho những giai đoạn thăng trầm của áo dài Việt Nam. Với cụ Đào, áo dài vốn dĩ đã có đầy đủ vẻ đẹp từ khi được tạo ra, mỗi giai đoạn cách tân chỉ làm mới, làm lạ thêm cho tà áo Việt.

80 năm trọn vẹn một tà áo dài

Nói về mối nhân duyên của mình và áo dài, cụ tự nhận mình may mắn được sinh ra trong gia đình theo Nho giáo có truyền thống áo dài lâu đời tại cố đô Huế, ông Nội của cụ Đào lại làm quan trong triều đình Nguyễn. Đây chính là tiền đề để cụ sớm được tiếp xúc cùng tà áo dài. Từ niềm vui thuở bé của cụ Đào là ngắm những chiếc áo dài lụa dệt bông hoa nhiều màu sắc của mẹ mặc hằng ngày đã mang cái “duyên” cho cụ và áo dài.

Theo cụ, áo dài gần như theo chân người phụ nữ xưa trong mọi công việc từ việc trong nhà đến những công việc giao tế bên ngoài, trong cưới hỏi, áo dài khi ấy là một sự lựa chọn hoàn hảo và duy nhất.

Nhắc đến thích hay không tà áo dài, cụ Đào bùi ngùi nhớ lại: “Khi tôi mới 5 tuổi, được cha đưa đi chụp ảnh Tết, ngày ấy tôi cũng không thích tại sao phải mặc áo dài mãi nên mặt cứ cúi xuống, cha tôi phải đến hất mặt tôi lên mới chụp được ảnh”, cụ bật cười kể.

Từ không thích nhưng phải mặc, rồi cụ càng nhận ra một tình yêu áo dài cứ lớn dần trong cụ. Đến những năm 60 vào Sài Gòn học ngành sư phạm, ra trường làm nghề “gõ đầu trẻ”, chính công việc đã nối dài cái tình của cụ và tà áo Việt. Và cũng không nói quá khi áo dài đã giúp cụ se duyên cùng chồng, trong một dịp lễ chùa. Ở cái tuổi 79, cụ cho biết nếu hỏi tên cụ chắc hàng xóm sẽ không biết, nhưng người ta gọi cụ là “bà cụ mặc áo dài”, điều này chứng tỏ áo dài đã trở thành một “thương hiệu riêng” cho cụ.

“Có người nghĩ già rồi không còn vóc dáng thì mặc áo dài không đẹp, nhưng tôi nghĩ mặc áo dài tuổi nào cũng đẹp. Khi mặc áo dài tôi thấy mình tự tin nhất, thoải mái nhất vì nó thân thuộc nhất với tôi, như thế là đủ”, cụ Đào bộc bạch.

Khi nghe chúng tôi hỏi đến bí quyết giúp cụ vượt qua các thí sinh trẻ tuổi để đoạt được giải nhất Duyên Dáng Áo Dài năm nay, cụ trả lời một cách đơn giản: “Có bí quyết gì đâu, bình thường mình mặc sao thì đi thi mặc như vậy, coi như mình khuyến khích các bạn trẻ mặc áo dài thôi”.

Cụ tự nghĩ, với cụ áo dài đã gắn bó cả cuộc đời nhưng đến các lớp trẻ về sau đã có nhiều trang phục để thay đổi hơn, áo dài cũng mất dần vị thế “độc tôn” cho sự lựa chọn. Phụ nữ ngày nay năng động hơn thời cụ, và trang phục Âu du nhập vào ngày càng được ưa chuộng bởi cách mặc đơn giản, nhanh gọn, phù hợp cùng lối tân thời. Nhưng theo cụ, áo dài có thể mất đi vị thế trang phục thông dụng hằng ngày, nhưng với giá trị truyền thống, áo dài vẫn là lựa chọn không thể hiếu trong những dịp trọng đại như lễ Tết, cưới hỏi, và riêng cụ chưa có một trang phục nào đủ sức thay thế tà áo dài từ trong nhà đến ngoài phố.

“Thời này, người ta không mặc áo dài nhiều nữa, nhưng lễ, Tết thì người phụ nữ cũng diện áo dài khắp đường phố, đây là minh chứng cho áo dài vẫn được phụ nữ Việt ưu ái trong những dịp trọng đại”, cụ Đào nói.

“Ký ức áo dài xưa”

Gắn với áo dài từ vị thế của người mặc rồi đến những năm 90 cô Đào chuyển hẳn sang công việc may áo dài. Cái nghề may áo do cô tự mày mò học nên, mà cũng có thể là cái duyên nó dẫn dắt khi bắt đầu về hưu, không đi dạy thì vẫn phải tìm một công việc để liên kết mãi áo dài. Trải qua hành trình hơn hai phần ba thế kỷ gắn bó với áo dài VN, cụ Đào từng chứng kiến bao đổi thay trong diện mạo tà áo Việt. Nhưng ký ức về áo dài xưa thì vẫn còn vẹn nguyên.

Cụ kể, vào thời các vua Nguyễn, tà áo dài đặt ra những quy chuẩn khá nghiêm ngặt cho người mặc. Văn hóa người Việt thời ấy rất coi trọng sự kín đáo của người phụ nữ nên áo dài tuyệt nhiên không có những đường chích ngực hay chích ngang eo để tôn dáng, áo dài thời ấy đơn thuần là vạt áo rộng được may thẳng xuống chấm đất, cổ áo được may cao. Và khi mặc người nữ phải dùng băng vải nịt chặt phần ngực (vì chưa có áo lót), mặc thêm một cái áo lá thường có màu trắng hoặc ngà (loại áo không có tay) rồi mới mặc áo dài để không lộ ra những phần da thịt. Người giàu thì mặc áo bằng lụa, gấm còn dân thường thì mặc vải bông rẻ tiền hơn. Lúc này, áo dài còn là một dấu hiệu để phân biệt đẳng cấp.

Về sau, những năm 60 vào khi Sài Gòn cụ lại thấy người ta đổ xô đi may áo dài chích ngang eo, để tôn lên phần ngực và eo của người phụ nữ. Tiếp đó phần cổ áo cũng được mở rộng hở đến vai. Những tiệm may lớn trong Sài Gòn thời ấy cũng tấp nập người đến tìm may những mẫu mã tân thời, nhưng giá cả thì không quá đắt vì có nhiều người mở tiệm may. Nhưng tuyệt nhiên, các chi tiết thêu hoa, kết hạt đều rất ít, chủ yếu là các hoa văn in sẵn trên vải hoặc vải màu trơn.

“Tiền công khoảng 1 đến 2 đồng bạc, tính bằng vài chục ngàn thời nay. Nhưng vải thì rất đắt, người khó khăn không có tiền mua vải đủ khổ thì phải nối nhiều mảnh vải mới may được một cái áo”, cụ kể.

Cụ Đào cho biết thêm, để may một áo dài chiết eo phải dùng một một sợi dây thun nhỏ, có độ dài ngắn hơn số đo vòng eo của người nữ để luồn vào phần eo áo. Đến khi mặc đây thun dãn ra ôm khít vòng eo, về sau người ta nhấn hẳn phần eo không còn luồn dây thun nữa. “Đối với kiểu may hở cổ, vai khoảng những năm 70-80 là mốt, nhưng với gia đình Nho giáo thì không chấp nhận vì cho là kiểu phô diễn cơ thể quá đà, nên thời đó tôi cũng không may áo theo các kiểu này”, cụ trầm ngâm kể lại.

Theo cụ, áo dài ngày nay vẫn giữ những nếp cơ bản của tà áo xưa, cách may đo không khác mấy, chỉ có người mặc đòi hỏi nhiều họa tiết, hoa văn hơn và cách may dây kéo phía sau lưng hoặc ở hông áo thay cho hàng khuy truyền thống. Hai vạt trước sau cũng không nhất thiết đồng nhất như trước, vạt trước cũng có thể may thêm một hoặc hai vạt phụ phía trong để tăng thêm vẻ thướt tha cho tà áo. Trước những đổi mới, cụ Đào buộc phải tìm tòi học hỏi thêm để bắt kịp các xu hướng mới. Nhưng với cụ trước hết chiếc áo chỉ đẹp khi người mặc thật sự thấy thoải mái, tự tin rồi mới nghĩ đến cách điệu thế nào, thêm thắt chi tiết ra sao.

“Từ ngày may áo dài đến nay, tôi luôn tạo sự nghiêm khắc cho bản thân dù mình không phải là một nhà thiết kế tên tuổi hay thợ may có tiếng. Nhưng sự tỷ mỷ, chỉn chu trong từng đường may, họa tiết áo dài là điều cần phải có”, cụ bộc bạch.

Với cụ Đào áo dài VN vốn đã đủ sức để tôn lên nét đẹp của người phụ nữ, một nét đẹp dịu dàng, kín đáo. Nhưng ở thời đại mới, để áo dài mãi sức sống bền bỉ trước biết bao trang phục tân thời thì tà áo truyền thống cũng cần đổi mới và độc đáo hơn, nhưng đồng thời vẫn phải giữ những nét cơ bản, để người Việt về sau hay người ngoại quốc khi nhìn vào vẫn có thể thốt lên “áo dài VN” mà không nhầm lẫn với áo Tây, áo Tàu…

Trong nhiều năm nay, tôi nghiên cứu về áo dài và nhận ra rằng vẻ đẹp của áo dài là vẻ đẹp của những giá trị truyền thống, những cách tân nếu phù hợp, vừa phải sẽ đem đến sự mới mẻ. Nhưng hơn hết để mặc đẹp một chiếc áo dài thì cần một vẻ đẹp nội hàm của người mặc, đó là vẻ đẹp của sức khỏe trước khi nhắc đến vẻ đẹp từ dáng vóc”. - NTK Sỹ Hoàng

Đi tìm áo dài Sài thành xưa qua lời kể cụ Đào - 2

Hằng ngày cụ vẫn miệt mài tìm tòi cách may những kiểu dáng áo dài mới.

Bí mật áo dài thêu vàng 24K hoa khôi nữ sinh mặc khi tặng hoa Tổng thống Trump

Cô nữ sinh tặng hoa cho ông Trump được mặc thiết kế áo dài mang tên Hòa Bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHI PHÚC- NGUYỄN DŨNG ([Tên nguồn])
Áo dài Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN