Cởi trói cho cuộc thi người đẹp: Nguy cơ loạn hoa hậu?
Bỏ cấp phép thi hoa hậu khiến nhiều người lo lắng liệu có dẫn đến tình trạng "loạn" hoa hậu từ các cuộc thi sắc đẹp "ao làng"
Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ban hành được cho là "cởi trói" cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, hoa hậu.
Bỏ cấp phép, không giới hạn thi hoa hậu, người đẹp
Một trong những thay đổi lớn của nghị định lần này là ở các quy định về thi người đẹp, hoa hậu. Lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, các sở quản lý văn hóa mà chỉ cần UBND tỉnh chấp nhận. Bên cạnh đó, những quy định giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu như quy định hiện hành cũng bị xóa bỏ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng Giám đốc Elite Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ việc bỏ quy định số lượng cuộc thi hoa hậu, người đẹp trong năm. "Việc tổ chức một cuộc thi sắc đẹp phụ thuộc vào năng lực của các đơn vị tổ chức. Nếu họ thật sự có tiềm năng tài chính, đủ năng lực để tổ chức cuộc thi đạt chất lượng, có uy tín, thu hút được thí sinh có chất lượng, thu hút khán giả, truyền thông thì cứ để những công ty đó tổ chức cuộc thi" - bà Nga nói. Theo đánh giá của chuyên gia này, việc không giới hạn số lượng các cuộc thi cũng sẽ buộc các công ty tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là xu hướng tất yếu của thị trường. Nếu sản phẩm tốt sẽ ngày càng phát triển, còn cuộc thi nào không uy tín, chất lượng kém sẽ bị khán giả, nhãn hàng tẩy chay và tự đào thải.
Tuy nhiên, không ít người lo lắng về tình trạng "loạn" hoa hậu sẽ diễn ra với vô số danh hiệu từ các cuộc thi sắc đẹp "ao làng" như "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", "Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam", "Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam", "Nữ hoàng cà-phê"...
"Rồi các cuộc thi sắc đẹp sẽ mọc lên như nấm với các danh xưng nữ hoàng, hoa hậu mà không biết họ là ai, đến từ đâu? Các đơn vị sẽ được đà tổ chức để trao các danh hiệu, danh xưng cho những người háo danh, sử dụng danh hiệu này cho các mục đích cá nhân, không loại trừ mục đích thu lợi bất chính, gây bức xúc trong đời sống xã hội" - một chuyên gia văn hóa băn khoăn.
Là người đẹp từng có mặt tại không ít cuộc thi sắc đẹp uy tín trong nước và quốc tế, á hậu Nguyễn Thị Loan cho rằng một mặt nào đó việc lo lắng "loạn" hoa hậu cũng là không thừa. Tuy nhiên, theo á hậu, các cuộc thi hoa hậu là sân chơi giải trí, việc tạo cơ hội hơn cho nhiều thí sinh đẹp được thử sức ở đấu trường quốc tế cũng là điều tốt. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cũng cho biết tổ chức các cuộc thi nhan sắc giống như nhiều sản phẩm giải trí khác trên thị trường sẽ có cạnh tranh, có đào thải, không cần lo "loạn" hoa hậu!
Nói thêm về việc các người đẹp có thể thoải mái đi thi hoa hậu, người mẫu quốc tế, theo bà Thúy Nga, ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới cũng kiểm soát chất lượng thí sinh rất chặt chẽ. "Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ chỉ đồng ý tiếp nhận thí sinh là giải nhất hoặc trong tốp 3 của cuộc thi quốc gia. Như vậy họ đã làm thay cơ quan quản lý việc kiểm soát chất lượng thí sinh tham gia cuộc thi" - bà Thúy Nga nói.
Đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, á hậu Nguyễn Thị Loan cho rằng trên thế giới hằng năm đều có nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp quốc tế được phân chia thứ hạng theo tầm ảnh hưởng và mức độ phổ biến. "Tạo điều kiện cho các thí sinh Việt Nam được tham gia đấu trường quốc tế là việc nên làm. Còn lại để khán giả không bị "loạn" hoa hậu thì một phần quan trọng là từ việc thông tin tới người đọc, người xem của các cơ quan truyền thông, báo chí. Từ đó, người đọc, người xem có thể tự chọn lọc uy tín, danh tiếng của mỗi cuộc thi để có sự quan tâm chú ý riêng" - á hậu Nguyễn Thị Loan nêu quan điểm.
Người đẹp Nguyễn Thị Thành (hàng đầu, bên trái) từng bị tước danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 vì làm 8 chiếc răng sứ
Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được thi hoa hậu
Một điểm đặc biệt là từ năm 2021, thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ có quyền tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Quy định thí sinh thi người đẹp, người mẫu phải có "vẻ đẹp tự nhiên" ở Nghị định 79 đã bị xóa bỏ. Trên thực tế, không ít thí sinh đi thi người đẹp đã làm răng sứ, nhấn mí mắt, xăm lông mày, xăm môi, tiêm chất làm đầy… Người đẹp Nguyễn Thị Thành từng bị tước danh hiệu Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 do làm 8 chiếc răng sứ.
Trước lo lắng hoa hậu Việt Nam có khả năng sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, theo bà Thúy Nga, vấn đề này thực sự rất nhạy cảm và khó khăn cho cơ quan quản lý. Bởi lẽ, nếu cấm phẫu thuật thẩm mỹ thì sẽ có một số trường hợp bị thiệt thòi vì chỉ nhấn nhá một chút trên khuôn mặt như nhấn mí, niềng răng... Còn nếu không cấm thì ban giám khảo sẽ phải là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này và thực sự có tâm để chấm điểm một cách nghiêm túc. Bà Thúy Nga thông tin: "Ngay cả những cuộc thi lớn như Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ đều không cấm phẫu thuật thẩm mỹ nhưng ban giám khảo đều có "luật ngầm" là những thí sinh đã chỉnh sửa nhiều, thay đổi hẳn sắc vóc thì sẽ gần như không có cơ hội vào tốp cao, trừ khi thực sự rất xuất sắc. Trên thực tế, chưa thấy thí sinh nào vào tốp 3 hay đăng quang mà phẫu thuật thẩm mỹ nhiều, làm thay đổi hẳn nhan sắc".
Bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975
Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nội dung mới trong nghị định là bỏ quy định cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 hoặc ca khúc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài. Sự thay đổi này cũng cho thấy bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm phát huy tính sáng tạo của nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo ông Dương, quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm việc phổ biến các bài hát. Mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và sân khấu không vi phạm vào điều 3 Nghị định 144 (chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại) và phải thực thi đúng quyền tác giả và quyền liên quan. Việc cấm hát nhép cũng không còn được quy định trong Nghị định 144.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ ghi dấu ấn với Top 5 Miss Universe 2018, sau 2 năm, H’Hen Niê đã “lột xác” khi lấn sân sang điện ảnh, đặc biệt...