Chứng chỉ nhan sắc!
Tôi có một cô em, mười mấy năm trước đạt được một danh hiệu người đẹp, khi mới 19 tuổi. Giờ, cô ấy đã là một bà nội trợ 3 con, nhưng mỗi khi vô tình được ai đó nhắc đến cái danh hiệu người đẹp thuở nào, đôi má cô lại hồng lên đầy hạnh phúc. Danh hiệu người đẹp là cái chứng chỉ duy nhất để định danh cuộc đời của cô ấy.
Hoa hậu Đại dương từng vướng nhiều ầm ĩ về việc phẫu thuật thẩm mỹ vi phạm quy chế đi thi
Khi chứng kiến quá nhiều cuộc thi người đẹp được tổ chức mỗi năm, đôi khi người ta sẽ đặt câu hỏi về mục đích - đó chỉ giản đơn là câu chuyện của nhu cầu.
Nhan sắc trong cuộc đời này, rồi cũng tàn phai theo thời gian, và cái danh xưng người đẹp trong một giai đoạn của cuộc đời các cô gái ấy sẽ còn lại, để mang theo trong suốt cuộc đời. Cũng giống như tấm bằng đại học trong ngăn tủ của rất nhiều người, nhắc nhớ người đời rằng ta đã từng có một chuyên môn được đào tạo, dù bây giờ không còn dùng đến.
Một số cô gái có nhu cầu định danh nhan sắc của mình, như một thứ chứng chỉ. Còn các nhãn hàng mỹ phẩm, thời trang cần sự kiện để quảng cáo sản phẩm. Những nhu cầu đó gặp nhau và tất yếu các cuộc thi người đẹp ra đời.
Khi các cuộc thi người đẹp diễn ra quá nhiều, cung sẽ dần vượt cầu vì người đẹp thì có hạn, tất yếu chất lượng sẽ ngày một tệ hơn. Danh xưng người đẹp dần trở nên rẻ rúng, không còn đáng tự hào nữa, đến nỗi thi thoảng lại thấy ồn ào vỡ lở chuyện hoa hậu nọ, người mẫu kia bán dâm.
Đó cũng là việc bình thường, như xưa kia những người có bằng cử nhân, thạc sĩ được trọng vọng, được nhìn nhận như tinh hoa của xã hội nhưng giờ đây việc họ kiếm sống bằng cách lái xe ôm cũng trở nên phổ biến.
Nhu cầu định danh nhan sắc và tổ chức các cuộc thi nhan sắc là chuyện của thị trường, và số lượng các cuộc thi nhiều hay ít là câu chuyện điều tiết của quy luật cung, cầu. Vai trò của quản lý Nhà nước trong chuyện này không phải là một năm cho phép bao nhiêu cuộc thi được tổ chức mà cần chuẩn hóa luật chơi để đảm bảo các nhu cầu đó không xung đột với các giá trị, chuẩn mực xã hội. Song, cho đến thời điểm này, một cuộc thi người đẹp, hoa khôi được tổ chức đôi khi không dựa trên sự minh bạch của các tiêu chí.
Loạn các danh xưng người đẹp bây giờ không phải vì có quá nhiều cuộc thi người đẹp được cấp phép tổ chức. Loạn là bởi không có bất cứ quy định nào được ban hành xung quanh các tiêu chí cơ bản về đối tượng tham dự, về các tiêu chuẩn của thành viên ban giám khảo, về các tiêu chí đánh giá...
Sự thiếu vắng các tiêu chí minh bạch của các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp khiến nhiều lứa tuổi có thể dự thi, “đa dạng hóa” ngay cả các thành phần cầm cân nảy mực, để rồi những chiếc vương miện được trao một cách cực kỳ dễ dãi. Điều này, ít nhiều sẽ tác động tới thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, tạo ra những ngộ nhận về nhan sắc không chỉ ở những người trẻ tuổi, mà còn ở ngay cả những “quý bà” vốn đã có tuổi.
Tấm chứng chỉ nhan sắc được trao ở những cuộc thi, với những người như cô em tôi có thể chỉ là một kỷ niệm thanh xuân, nhưng có người dùng nó như một công cụ để vào đời, thậm chí công cụ để dễ dàng làm những điều thương thiên bại lý.
Vì thế, dù chỉ là một nhu cầu đơn giản của thị trường, nhưng các cuộc thi người đẹp vẫn cần được quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước, không phải bằng thứ quyền lực có thể xin, cho, mà phải bằng các quy định nhằm đảm bảo duy trì các chuẩn mực văn hóa, đạo đức phản ánh những giá trị mang tính phổ quát của xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]