Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ

Coco Chanel, cái tên lừng lẫy nhất thời trang thế giới, là chiến sĩ giải phóng phụ nữ, tội nhân phản quốc hay là người định nghĩa lại thời trang. Cuộc đời của nữ vương này có rất nhiều điều thú vị!

Chính con người chứ không phải thần thánh đã trở nên bất tử nhờ di sản quý giá của mình để lại cho nhân loại, đối với thời trang đó là phong cách, mẫu mốt, sự nhìn nhận xu hướng.... luôn trường tồn cùng thời gian. Các tượng đài sống mãi như thế có thể là những nhà thiết kế, người mẫu, diễn viên… Để có cái nhìn cận cảnh, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Những biểu tượng huyền thoại của thời trang thế giới qua chuyên đề dài kỳ tuần này!

Coco Chanel – người đàn bà mành dẻ và nhỏ bé đã trở thành một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do tạp chí Time bình chọn, không phải chỉ bởi những sáng tạo thời trang tuyệt đỉnh mà còn dựa vào tư tưởng tiên phong giải thoát phụ nữ ra khỏi lối mòn của sự gò bó, ràng buộc.

Cuộc đời chìm nổi của nữ vương làng tạo mẫu

Gabrielle Bonheur Chanel sinh ngày 19/8/1883, tại một thị trấn nhỏ nước Pháp dưới thung lung Loire. Trải qua tuổi thơ trong một gia đình bần hàn, mẹ bà mất sớm vì bị lao lực khiến người cha bỏ đi. May mắn sao, Chanel được cô nhi viện tiếp nhận, và ngay tại đây, bà đã được dạy những ngón nghề may vá đầu tiên...

Sau 6 năm, bà rời cô nhi viện, Chanel lúc đó là một cô gái trẻ trung với niềm đam mê ca hát mãnh liệt, đem tất cả dũng khí đầu đời tới thành phố Moulins để trở thành ca kỹ. Đây cũng là xuất phát của mỹ danh lừng lẫy Coco Chanel bởi bà lấy từ Coco trong vở nhạc kịch The Atlanta để gắn vào tên của mình.

Sự nghiệp ca hát không thuận buồm xuôi gió vì năng khiếu của bà không nằm ở các quãng giọng, nốt nhạc nhưng các buổi ca hát tại phòng trà lại đem tới cho Chanel cuộc tình với thương nhân Etienne Balsan. Người này hết mực thương yêu bà khi tạo ra cho cô tình nhân mảnh mai một cuộc đời sung túc và đưa vào làm tại một tiệm may. Cuộc sống phù hoa mới chớm nở, vải vóc, tơ lụa và những chuỗi ngọc khiến Chanel như cuồng say, không phải niềm đam mê trưng diện đơn thuần của giới thượng lưu thông thường mà nó là niềm khao khát bản thân có thể tạo ra mọi thứ đẹp đẽ dường ấy. Sau này khi bà chia tay Balsan vẫn được ông này tặng lại cho một căn nhà ở Paris.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 1

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 2

Chanel thời trẻ

Năm 1909, Chanel đã yêu một người bạn của nhân tình cũ, Captain Arthur Edward ‘Boy’ Capel, ông là tay chơi nổi tiếng khắp thành phố. Sau những bão táp đầu đời, Chanel đã gặp nhiều may mắn hơn khi những người tình đều cực kỳ hào phóng chu cấp giúp bà mở hiệu tạo mẫu đầu tiên chuyên bán các loại mũ và một số kiểu quần áo. Ông này sau đó lấy một tiểu thư nước Anh“xứng đôi vừa lứa”, dù vậy vẫn qua lại ngấm ngầm với Chanel cho tới năm 1919 thì bị tai nạn giao thông chết.

Mối tình với Captain Arthur Edward ‘Boy’ Capel đã để lại dư âm mãnh liệt cho Chanel khi hình ảnh chiếc áo khoác jersey của ông hay mặc chính là cha đẻ của chiếc áo jersey nữ nổi tiếng của nhà Chanel tới tận bây giờ. 25 năm sau ngày mất của Capel, Chanel vẫn thổn thức đầy cảm thán:“ Cái chết của Capel khiến tôi hồn xiêu phách lạc, mất ông ấy, tôi mất tất cả. Toàn bộ những gì còn lại là một cuộc đời đầy bất hạnh”. Chính tình yêu lớn của bà dành cho Capel đã khiến mọi món đồ do Chanel thiết kế đều mang âm hưởng nam tính hóa với những đường cắt mạnh bạo và phom dáng cực kỳ đứng.

Trong cuộc đời Chanel xuất hiện rất nhiều người đàn ông với địa vị cao, danh tiếng lừng lẫy như nhà soạn nhạc nổi tiếng Igor Stravinsky, sĩ quan, chính trị gia… Không chỉ bởi bà quá quyến rũ qua thân hình thanh tao uyển chuyển, khuôn mặt thanh tú với ánh mắt sắc tinh anh cùng hàng lông mày mảnh mềm thẳng vút một đường tựa nét bút. Mà hơn hết cả, mọi đàn ông say đắm Chanel vì bà luôn coi trọng giá trị bản thân, yêu cái đẹp và làm chủ được cái đẹp.

Chanel - Vĩ nhân thời trang Pháp hay tội nhân Đức Quốc Xã?

Có thể nói Chanel như đóa hồng nhung có gai luôn được bàn tay của các gã si tình bao bọc, che chở tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Sau vài mối quan hệ thân thiết nhưng không đi tới đích với công tước Westminster hay công tước Windsor thì vào năm 1920, khi thế chiến thứ 2 ùa tới, Chanel buộc phải tạm ngừng các cửa hàng thời trang của mình và lánh vào khách sạn Ritz nằm suốt gần 30 năm. Tuy nhiên không phải tự dưng trong lúc đạn bom khói lửa, Chanel lại có thể được bình an nương náu mà thậm chí vẫn còn là chủ sở hữu của ngôi biệt thự số 31 phố Cambon và một tư dinh nhỏ có tên Villa La Pausa ở Roquebrune. Tất cả là kết quả của mối quan hệ tình ái tai tiếng của Chanel với tên sĩ quan nội gián của Đức Quốc Xã có tên Hans Gunther von Dincklage. Tên này đã lợi dụng Chanel làm cầu nối để kết thân với Lombardi là bạn bà và cũng là họ hàng của thủ tướng Anh đương thời Winston Churchill. Tuy nhiên Lombardi nhận ra âm mưu, từ chối làm nội gián cho Đức Quốc Xã tại Anh. Ngay lập tức, cả Lombardi lẫn Chanel đều bị chính người tình của bà là Hans Gunther von Dincklage tráo trở cáo buộc tội danh gián điệp của Anh. Sau này, nhờ có chính quyền Anh can thiệp vào bà mới thoát khỏi cảnh tù tội. Tuy vậy sau đó nhiều năm bà vẫn tiếp tục có mối quan hệ thân thiết không vương chút oán hận với Hans Gunther von Dincklage.

Mối nhân duyên của người phụ nữ uy quyền với những tay đồ tể Đức Quốc Xã vẫn chưa có điểm dừng. Bà từng là cô nhân tình bé nhỏ của Walter Kutschmann – kẻ đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu của hàng chục ngàn người Do Thái. Chanel sống tại Thụy sĩ với Kutschmann từ năm 1945. Sau này, báo giới Mỹ đã quy Coco Chanel là một nhân vật từng câu kết mật thiết với chình quyền Đức Quốc Xã, điều này để lại vết nhơ phản quốc cho nữ hoàng thời trang cao cấp, theo bà đến cuối cuộc đời. Bà mất năm 1971 ở tuổi 88 và được chôn cất tại Lausanne.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 3

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 4

Chanel và người tình sỹ quan phát xít Đức

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 5

Nơi chôn cất huyền thoại tạo mẫu

”Phụ nữ không dùng nước hoa thì không có tương lai”

Năm 1921, Ernest Beautiful tạo nên 5 dòng nước hoa được đánh số và ngay lúc đó, Chanel đã tìm thấy hương thơm mang hồn phách, khí chất của bà, đó chính là chai số 5. Bà cho thứ hương tinh túy được kết hợp từ Hoa hồng, Hoa nhài, Ylang- Ylang, Đàn hương, Xạ hương... đặt trong một chiếc chai có thiết kế vô cùng đơn giản, cổ điển. Vỏ chai cứng cáp, tinh tế, thuần chất, không thừa thãi bất cứ chi tiết gì để nhấn mạnh vào một điểm sáng duy nhất đó chính là mùi hương nồng nàn, cao cấp, là giá trị con người và tinh thần bất diệt của Chanel. Năm 1922, bà chính thức tung sản phẩm nước hoa Chanel No5 ra thị trường. Và ngay sau khi cô đào bốc lửa Marilyn Monroe thủ thỉ tiết lộ với báo giới rằng cô chẳng mặc gì đi ngủ mà chỉ phủ lên thân hình diễm lệ vài giọt hương Chanel No5 thì cả thế giới gần như đổ xô đi lùng sục thứ lưu giữ tinh thần Chanel cuối cùng của đợt tổng tấn công nước hoa đầu tiên.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 6

Bà có nhiều tuyên ngôn bất hủ về đứa con cưng Chanel No5 của mình như:“ Không thể có sự thanh lịch mà không có nước hoa. Nó chính là món trang sức vô hình nhưng khó quên nhất của phụ nữ” hay ”Phụ nữ không dùng nước hoa thì không có tương lai”. Câu nói này hẳn khiến độc giả liên tưởng tới phát ngôn gây bão một thời của siêu mẫu Xuân Lan: ”Không dùng hàng hiệu, không có tương lai”. Tuy nhiên hẳn cô người mẫu tuổi 34 Xuân Lan đã không hiểu hoàn toàn ý nghĩa khi căn ke câu nói này của người đàn bà quyền lực nhất trong giới thời trang. Mục đích của bà không phải để lăng xê hàng thời trang thượng đẳng hay thứ nước màu vàng óng thơm lừng đắt đến từng mil, mà điều Chanel muốn đem đến cho phụ nữ đó là việc nhận thức về giá trị đích thực của người đàn bà. Coco Chanel giúp phụ nữ lưu luyến người đàn ông của mình rồi sau đó nắm giữ trái tim của họ bằng xúc hương trên cơ thể đầy nồng nàn và tinh tế chứ không phải là vài loại mùi nhân tạo rẻ tiền, chóng đến, chóng bay và chóng chán ghét. Tất cả mọi điều Coco Chanel làm là vì phụ nữ chứ không phải để tâng bốc và nâng tầm thời trang xa xỉ - thứ mà bà đang tạo ra.

Năm 1924, Pierre Wertheimer phối hợp cùng Chanel để thúc đẩy phát triển dòng nước hoa nổi tiếng này. Theo như cam kết, Wertheimer sở hữu 70% thương hiệu, Coco Chanel khiêm nhường nhận về cho mình 10% và bà chỉ yêu cầu để lại dấu ấn nhận diện của mình là giữ nguyên tên gọi Parfums Chanel – Nước hoa Chanel. Tuy nhiên đến năm 1935, bà có nhờ luật sư can thiệp đòi quyền sở hữu sản phẩm nước hoa Chanel từ tay Werthemer nhưng bất thành. Sau đó con cháu Werthemer thay nhau duy trì, gìn giữ giúp loại nước hoa huyền thoại này tồn tại cho tới tận bây giờ.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 7

Chanel No5 không thay đổi gì nhiều sau bao năm tháng

Đỉnh cao thời trang bất biến

Thành công đầu tiên của bà là khi cô đào Gabrielle Dorizat đội chiếc mũ thanh tao do Chanel tạo nên lên sân khấu, những thiết kế tinh xảo của người phụ nữ bé nhỏ bắt đầu được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Năm 1915 bà mở cửa hiệu thời trang mới có đẳng cấp sang trọng hơn tại Biarritz, với sự góp mặt của rất nhiều người trong giới thượng lưu. Năm 1919, nối tiếp thành công, Chanel tiếp tục đưa ra cửa hàng trưng bày các mẫu thời trang cao cấp Haute Couture ngay tại biệt thự của mình ở số 31 phố Cambon.

Thế chiến thứ Nhất diễn ra dẫn tới việc đa phần những người đàn ông phải ra trận để lại trẻ nhỏ, người già và phụ nữ. Những chiếc áo corset chật chội cùng đường thít eo nhỏ xíu không còn thích hợp cho việc lao động hoặc di chuyển liên tục, người phụ nữ quay sang sùng bái tượng đài Chanel với những thiết kế phá tan kết cấu chật hẹp của phục trang nữ. Chanel sở hữu sự tinh tế hoàn hảo khi bình thản tháo gỡ bộ khung corset đanh cứng thay vào đó là đường cắt mạnh tay dựng nên khung áo thẳng thớm tạo sự thanh thoát, khoáng đạt, vô cùng thoải mái dựa từ cảm hứng trang phục nam giới. Thậm chí, bà còn tiên phong cho phụ nữ được “sủng ái” màu đen trong mọi trường hợp chứ không phải chỉ dành cho những đám tang hay các bà quả phụ. Mọi phụ nữ đều muốn trở thành bản sao phong cách của Coco Chanel: Tự chủ, phóng khoáng nhưng vẫn lịch sự và thanh tao, từ giới thượng lưu đến các diễn viên điện ảnh như Brigitte Bardot, Jane Fonda, Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe, thậm chí cả đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 8

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 9

Thiết kế của Chanel được đông đảo phụ nữ yêu thích, trong đó có cả đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy

Năm 1925, mẫu áo vest đứng bằng vải tweed (vải tuytxi) của Chanel làm nổ tung cuộc cách mạch giải phóng cơ thể, là món đồ cổ không bao giờ lỗi mốt cho tới tận ngày nay. Năm 1926, bà tiếp tục tạo ra trào lưu chiếc váy đen bé nhỏ “little black dress”, hô biến nó trở thành món trang phục đơn giản, cơ bản cần phải có trong mọi tủ quần áo của mọi tín đồ thời trang.

Năm 1954, trước nghi án phản quốc bà trở về nước Pháp tung ra bộ sưu tập mới gây tiếng vang khắp kinh đô Paris hoa lệ. Bằng phong cách thiết kế sang trọng không diêm dúa, Coco Chanel dần lấy lại vị thế của mình trước sự thống trị của nhà Dior có tính chất duy mỹ, hào hoa và đỏm dáng.

Năm 1955, bà khiến mọi cô gái đều ước mong có một chiếc túi bằng da thật với những đường kẻ vạch vuông vức trên thân, có quai là sợi xích vàng và dập nổi biểu tượng 2 chữ C đan lồng kiêu hãnh.

Trong một thời gian dài, tới tận khi Coco Chanel mất đi ở tuổi 88, bà là người đàn bà duy nhất giữa những nhà thiết kế nam giới làm được những điều phi thường khiến thay đổi cục diện thời trang thế giới, chứng tỏ cho mọi người thấy những tư tưởng mốt cũ gây tù túng cho cơ thể cần phải xóa bỏ, nét xa xỉ thanh nhã chắc chắn phải tạo ra tiện lợi và thoải mái. Tư tưởng vượt thời gian này đã giúp đế chế Chanel thịnh vượng cho tới tận bây giờ

Người đàn bà bé nhỏ với trang phục đen quấn chuỗi ngọc trai quanh cổ luôn phảng phất mùi nước hoa No5 cứ thế bước thản nhiên vào lịch sử cùng câu nói huyền thoại:” Thời trang nằm trong không khí, sinh ra trong gió. Người ta phải cảm thấy nó chứ không chỉ nhìn và mặc”.

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 10

Chanel và một trong những người mẫu yêu thích của bà

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 11

Chanel, nữ vương bất tử của sự xa xỉ - 12

Chân dung người phụ nữ uy quyền của thời trang thế giới

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: YSL - Vị vua khổ hạnh cứu rỗi phụ nữ vào 8h sáng thứ 5 ngày 9/5/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN