Câu hỏi gây náo loạn ngành thời trang nhiều tháng qua: Chiếc túi xa xỉ 71 triệu đồng của Dior được sản xuất với chi phí thực sự là bao nhiêu?
2 ông lớn ngành thời trang xa xỉ nước Ý đang đối mặt với cáo buộc lợi dụng các nhà cung cấp có tính bóc lột để sản xuất những chiếc túi xách đắt đỏ.
Trong vài tháng qua, các công tố viên tại Milan (Ý) đã tiến hành cuộc điều tra sâu rộng về các nhà thầu phụ và đưa ra cáo buộc LVMH chỉ trả một số tiền nhỏ để sản xuất túi xách có giá bán lẻ hàng nghìn USD của mình.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng vào tháng trước, Dior đã trả nhà cung ứng 57 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) để sản xuất chiếc túi được bán giá 2,780 USD (gần 71 triệu đồng). Chi phí này chưa bao gồm giá nguyên liệu sản xuất như da và các chi phí thiết kế, phân phối và tiếp thị cho sản phẩm.
Theo tài liệu truy tố, đơn vị liên quan của Dior đã không áp dụng “các biện pháp thích hợp để kiểm tra điều kiện làm việc thực tế hoặc khả năng kỹ thuật của các công ty ký hợp đồng”.
Trong các cuộc điều tra kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4, các nhà điều tra đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các công nhân đang ngủ trong cơ sở nên túi có thể được sản xuất suốt ngày đêm. Báo cáo cho biết họ cũng theo dõi dữ liệu tiêu thụ điện, cho thấy công việc được thực hiện vào cả ban đêm và ngày lễ.
Các công tố viên cho biết các nhà thầu phụ là các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Hầu hết công nhân đến từ Trung Quốc, trong đó có 2 người sống ở nước này bất hợp pháp và 7 người khác làm việc mà không có giấy tờ đầy đủ. Cuộc điều tra cũng cho biết các thiết bị an toàn trên máy dán và chải đã được tháo bỏ để công nhân có thể vận hành chúng nhanh hơn.
LVMH đã không phản hồi những câu hỏi từ phía truyền thông về các cáo buộc trên.
Cuộc điều tra cũng mở rộng sang các nhà thầu Giorgio Armani và công ty xa xỉ này bị cáo buộc không giám sát chặt chẽ các nhà cung cấp của mình. Theo tài liệu mà Reuters phát hiện, Armani đã trả cho các nhà thầu 99 USD (2,3 triệu đồng) cho những sản phẩm được bán với giá hơn 1.900 USD (48 triệu đồng) tại các cửa hàng.
Năm ngoái, LVMH có 2.062 nhà cung cấp và nhà thầu phụ và thực hiện 1.725 cuộc kiểm toán, theo báo cáo trách nhiệm môi trường và xã hội.
Giám đốc điều hành LVMH, tỷ phú Bernard Arnault hiện đang là người giàu thứ 3 thế giới, theo Bloomberg. Con gái ông, Delphine Arnault là CEO của Dior.
Các thẩm phán ở Milan đã ra lệnh đặt các đơn vị của cả hai công ty dưới sự quản lý tư pháp trong một năm.
Thực trạng đáng buồn trong ngành thời trang
Bên công tố cho biết vi phạm nội quy lao động là một hành vi phổ biến trong ngành mà các đại gia hàng xa xỉ dựa vào để có được lợi nhuận cao hơn. Theo Reuters, tài liệu tòa án về quyết định quản lý Dior cho biết: “Đây không phải là hành vi liên quan đến các lô sản xuất đơn lẻ mà là một phương pháp sản xuất tổng quát và hợp nhất”.
Fabio Roia, chủ tịch Tòa án Milan, nói với Reuters hồi đầu năm nay: “Vấn đề chính rõ ràng là mọi người bị ngược đãi theo quy định luật lao động về sức khỏe và an toàn, giờ làm, tiền lương. Nhưng cũng có một vấn đề lớn khác: sự cạnh tranh không lành mạnh đã đẩy các công ty tuân thủ pháp luật ra khỏi thị trường”.
Theo nghiên cứu được công bố đầu năm nay của Trung tâm Nguồn lực Doanh nghiệp và Nhân quyền (BHRRC), bất ổn kinh tế, nhu cầu tiêu dùng biến động và tác động của xung đột và khủng hoảng khí hậu đang góp phần làm gia tăng rủi ro bóc lột lao động. Nhiều thống kê đã cho thấy các thương hiệu thời trang đang không bảo vệ được người lao động trong chuỗi cung ứng của họ.
BHRRC đã phân tích 65 công ty may mặc và giày dép lớn nhất thế giới, đánh giá cách các tổ chức thực hiện các chính sách để giải quyết rủi ro lao động. Tổng mức tăng trưởng của 20 công ty may mặc lớn nhất đạt 42 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi những công nhân làm ra sản phẩm của họ (phần lớn là phụ nữ) chỉ nhận được 75 triệu USD tiền lương.
Bên trong 1 xưởng sản xuất của Armani
Vấn đề bóc lột lao động vốn không mới và thường được nhắc đến trong ngành thời trang nhanh. Năm 2021, ngành công nghiệp thời trang nhanh sử dụng khoảng 75 triệu công nhân nhà máy trên toàn thế giới. Trong số những công nhân đó, ước tính có chưa đến 2% trong số họ kiếm được mức lương đủ sống. Điều này dẫn đến việc công nhân sống dưới mức nghèo khổ và Nghị viện châu Âu thậm chí còn mô tả điều kiện của công nhân nhà máy ở châu Á là "lao động nô lệ". Nhiều công nhân may mặc phải làm việc tới 16 giờ một ngày, 7 ngày một tuần.
Ngoài ra, sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng xấu bởi điều kiện làm việc. Việc sản xuất quần áo thời trang nhanh sử dụng 8.000 loại hóa chất tổng hợp. Một số loại hóa chất này đã được chứng minh là gây ung thư và công nhân nhà máy thường xuyên tiếp xúc và hít phải những hóa chất này.
Cuộc điều tra của Ý với các nhãn hàng xa xỉ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở cả các thương hiệu đắt đỏ vốn được cho là có quy trình sản xuất cao cấp và chặt chẽ hơn. Theo Reuters, các nhà thầu phụ của Armani đã trả cho công nhân 2-3 euro (55 - 83 ngàn đồng) một giờ, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu 11,5 euro/giờ (316 ngàn đồng) ở các nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Bỉ hay Pháp.
Bên cạnh việc trả tiền công thấp, các công nhân cũng bị bóc lột về thời gian làm việc. Công nhân không có giấy tờ hợp pháp có thể phải làm việc 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
Trong nhiều thập kỷ, những người lao động trong ngành trên toàn thế giới đã đấu tranh cho mức lương công bằng và điều kiện làm việc an toàn, yêu cầu luật pháp bảo vệ họ khỏi tình trạng bóc lột dai dẳng. Sự phức tạp ngày càng tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu hóa có nghĩa là các công ty có thể trốn tránh trách nhiệm của mình, khiến người lao động không có khả năng tự vệ. Đó là lý do tại sao các cơ quan quản lý đang vào cuộc để yêu cầu các công ty áp dụng các quy định chặt chẽ hơn.
Nguồn: Business Insider
Nguồn: [Link nguồn]
Trong chuyến du lịch mới đây, 'chị đẹp' Huyền Baby liên tục khoe dáng bên hồ bơi qua các mẫu áo tắm cao cấp kết hợp phụ kiện hàng hiệu.