Bóng đá thời bao cấp trong "ký ức bần hàn"

Sự kiện: Sành - Ăn - Chơi

 Đã có một thời gian khó bao cấp đi qua. Có lẽ nhiều người lớn tuổi đã lãng đãng mà quên hoặc cất gọn đâu đó nhiều ký ức bần hàn, bởi không có sự lãng quên có lẽ con người thật khó tồn tại để biết hạnh phúc.

Ký ức xem bóng đá thời bao cấp đi cùng với chiếc tivi đen trắng 

Ký ức xem bóng đá thời bao cấp đi cùng với chiếc tivi đen trắng 

Những năm 1980 khi tôi bắt đầu loay hoay lớn trên một góc phố cũ Hà Nội, trên một căn gác 2 vỏn vẹn 18 mét vuông với 7 nhân khẩu, 3 thế hệ. Niềm vui của đám trẻ thành thị ngày hè loanh quanh dưới vỉa hè với đủ trò chơi mà có lẽ bây giờ tiệm cận “tuyệt chủng”: đánh khăng, đánh quay, song phi, nhảy dây… và duy nhất còn một tình yêu khác đó là bóng đá.

Bóng đá vỉa hè chân đất thời cũ giữa ngã tư đường thênh thang rộng lúc chiều muộn luôn đông chặt niềm vui, lác đác xe đạp và cả những bước chân chậm rãi ít vội vàng. Chỉ có đám trẻ là sướng, chạy quần quật hò hét vang phố, lạ cái chúng không văng tục chửi bậy, thế mới lạ. Cột gôn hai bên là những chiếc dép sứt quai, giải khát với nước từ vòi công cộng. Tan trận đấu, cả đám lại kéo nhau ra đó tắm giặt chung với một bánh xà phòng cứng như đá mà chuyền tay nhau xoa vội lên những mái tóc lởm chởm… Đám trẻ biết yêu thương, đoàn kết và cả nhịn nhường với nhau bởi đá bóng.

Gia đình bác có vô tuyến này tử tế, họ cẩn thận bê chiếc vô tuyến vốn được bảo quản cẩn thận bày lên bàn gỗ ngoài vỉa hè. Thế là đám đông lên đến cả trăm người cởi trần trùng trục vòng trong vòng ngoài quây lấy nó để được hò hét, để được sống với bóng đá thế giới. 

Năm 1986, lần đầu tiên tôi, cậu bé 7 tuổi biết thế nào là không khí bóng đá thực sự với World Cup Mexico. Tôi không thể nhớ nổi nó đã diễn ra như thế nào, chắc chắn không phải là truyền hình trực tiếp mà được phát muộn lại. Con phố nghèo duy nhất có 1 gia đình có tivi do con trai họ đi lao động xuất khẩu gửi về từ Liên Xô, tivi là một tài sản lớn, rất lớn và trước khi xem phải bật trước tới 10-15 phút các bóng đèn bán dẫn điện tử mới đủ nóng bắt đầu lờ mờ cho hiện hình từ trắng nhạt dần sang rõ nét.

Gia đình bác có vô tuyến này tử tế, họ cẩn thận bê chiếc vô tuyến vốn được bảo quản cẩn thận bày lên bàn gỗ ngoài vỉa hè. Thế là đám đông lên đến cả trăm người cởi trần trùng trục vòng trong vòng ngoài quây lấy nó để được hò hét, để được sống với bóng đá thế giới. Đám trẻ con loay hoay chui rúc tìm vị trí tiện nghi để hóng hớt. Chỉ có vài người am hiểu về bóng đá sẽ giải thích cho bà con dân phố về luật chơi, cầu thủ tên gì…

Bóng đá thời bao cấp trong "ký ức bần hàn" - 2

Những kiến thức xa lạ với những cái đầu quanh năm mưu sinh trên cái bụng luôn thiếu đói. Bóng đá hình như có nguồn năng lượng để tiếng hò hét cổ vũ càng thêm ồn ào. Hà Nội năm cũ hay mất điện, trong phố có một chú chuyên sửa điện ắc-quy sáng chế ra cả hệ thống chuyển từ bình điện sang nguồn năng lượng cho chiếc tivi thần thánh đó mỗi đận mất điện. Người thì đun nước bằng củi phục vụ người xem đá bóng. Phố như có lễ hội.

Ba Lan thời ấy có cầu thủ Zbigniew Boniek đã tham gia vài lần World Cup, anh được người Việt mê bóng đá thời ấy đặc biệt yêu quý. Sau này thậm chí tên của Zbigniew Boniek còn lưu truyền đến tận ngày nay với cách đọc là “Bô Nhếch”, thành một tính từ về sự lôi thôi nhếch nhác.

Thế rồi World Cup Italy 1990 với ca khúc “Un'estate Italiana”- Mùa hè Italy, nổi tiếng lại tiếp tục vang vọng trên con phố, gia đình Việt Nam. Cho đến bây giờ, ca khúc này vẫn được bình chọn là ca khúc dành cho World Cup hay nhất mọi thời đại. Phải chăng người ta dễ yêu những điều đẹp đẽ khi nghèo khó. Người ta bắt đầu biết cá độ, bia Vạn Lực chai xanh như một thứ giao dịch phổ biến, không rõ liệu có phải đó là tiền đề cho thuật ngữ cá độ bóng đá sau này đơn vị tính tiền bằng “chai” hay không nữa, hẳn là có thể lắm chứ giống như chàng cầu thủ Ba Lan “Bô Nhếch”.

Tôi vẫn nhớ mãi những điều đẹp đẽ của bóng đá thời ấy bởi hình như luôn đầy chặt niềm vui trong sáng và tình yêu bóng đá đích thực. Họ có thể kể chi tiết từng đường chuyền thay vì bây giờ một bộ phận chỉ quan tâm tỷ số sau 90 phút thi đấu dễ bề thanh toán những khoản tiền khổng lồ cá độ. Thật kỳ lạ, khi công nghệ trang bị tận răng, người ta có thể xem bóng đá trên iPhone, iPad, màn hình cong cong to khổng lồ hoặc trong những quán xá bia chất như núi, nhưng tình yêu đó mai một nhiều.

Người ta chế ảnh giễu cợt những “ngôi sao” bại trận, người ta càm ràm về anh bình luận viên… nạp vào trí não những năng lượng tiêu cực lấn át đi cái năng lượng đẹp của trái bóng trên cỏ xanh. Sự dư thừa vật chất lẫn điều kiện đang đè bẹp nhiều cảm xúc con người, trong đó có bóng đá, World Cup cũng không nằm ngoài định luật đó. Chúng ta thật thiệt thòi, nhưng không sao, ngồi trước tivi đêm hôm và hò hét dù tiếng hô vang không còn to, chí ít vẫn còn đó tình yêu dù nhạt nhòa. Biết đâu, nó sẽ lại lớn như thời xưa cũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhà báo Hoàng Minh Trí ([Tên nguồn])
Sành - Ăn - Chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN