NTK Amber Đào: "Nội y có ranh giới mong manh giữa sáng và tối"
NTK Amber Đào (Minh Huyền) đã có những chia sẻ thú vị về việc thiết kế nội y cho Minh Hằng, Ngọc Trinh để vượt qua vòng kiểm duyệt.
Bộ phim điện ảnh "Chị Chị Em Em 2" nhận được sự quan tâm của công chúng với sự tham gia của diễn viên Minh Hằng và Ngọc Trinh. Bộ phim được chiếu trong dịp Tết Nguyên Đán 2023. Trước đó những tạo hình của các nhân vật được tung ra, thu hút khán giả.
Thế nhưng, điểm chú ý nhất trong tạo hình của mỹ nhân Sài thành cách đây 100 năm với thiết kế nội y vẫn là chủ đề hấp dẫn. Chia sẻ thêm về điều này, NTK Amber Đào đã có những bộc bạch chi tiết.
- Khi nhận được lời mời hợp tác, chị và ekip đã có sự tìm hiểu như nào về thời cuộc trong bộ phim, để tạo nên những trang phục phù hợp?
Bối cảnh Sài Gòn năm 1920 -1945 là thời kỳ mà thế kỷ 20 trên thế giới mới thực sự bắt đầu. Thế chiến thứ nhất kết thúc trật tự xã hội thay đổi bởi sự kết thúc của chế độ quân chủ, nhiều ý tưởng chính trị mới và một xã hội bình đẳng hơn, cũng như tất cả mọi người đều muốn quên đi sự kinh hoàng của chiến tranh. Là những năm mà thế giới phục hồi và đắm chìm trong xe hơi hào nhoáng, những bữa tiệc đắt tiền, những chiếc đầm bóng bẩy đính đầy đá quý, lông thú và nhiều chất liệu đắt tiền, mới mẻ khác ra đời.
Ở bối cảnh 1920 khi bộ phim ra đời thì các thiếu nữ Nam Kỳ truyền thống vẫn mặc áo dài ngũ thân sang trọng, quần nhiễu, tóc vấn, mang hài thêu thì đồng thời, văn hoá Tây Phương cũng đã manh nha xâm nhập. Khi đó, giới mộ điệu đầu tiên thổi văn hoá thời trang Tây Phương chính là tầng lớp quý tộc Nam Kỳ.
Giày dép bắt đầu đa dạng bởi các kiểu guốc có phom dáng thon nhỏ, hài cong hoặc sandal tân thời. Trang sức không chỉ là kiềng cổ mới sang mà bắt đầu thịnh hành chuỗi ngọc trai làm thành vòng tay, vòng cổ, chuỗi nhiều vòng hay nhẫn hột xoàn… Ở thời kỳ này, quý tộc Phương Tây cũng đem theo từ bên kia bờ đại dương những thứ phục sức mới mẻ và táo bạo, ôm nhẹ vào cơ thể hoặc xoè bồng bềnh, quyến rũ và thanh lịch, sống động hơn rất nhiều.
Những năm 1920 cũng là năm phụ nữ được giải phóng cũng như những kỳ vọng của họ về tương lai đã thay đổi rất nhiều. Hôn nhân không còn là điều tối quan trọng cũng như phụ nữ được thử nghiệm những công việc mà trước đây họ không được phép đảm nhận, phụ nữ được quyền tự do tài chính khi theo đuổi sự nghiệp, điều mà trước thế chiến thứ nhất là điều hiếm gặp.
- Vậy đây là thời điểm trang phục ngắn, tôn dáng và phóng khoáng bắt đầu thịnh hành?
Họ bắt đầu khám phá thế giới theo một cách tinh nghịch, ngạo mạn nhưng cũng rất ngây thơ đầy nữ tính, phá vỡ nhiều quy ước trước đây cũng như chơi đùa với tình yêu hơn là làm nô lệ trong một mối quan hệ. Họ cũng thoải mái khám phá thời trang theo một cách rất khác và đây cũng là năm mà váy ngắn trên đầu gối trở nên thịnh hành.
Quần áo trở nên tinh gọn và bắt mắt hơn. Thời trang bắt đầu được bán sẵn thay vì được sản xuất đặt may riêng. Nhiều chất liệu mới được ứng dụng, những dòng đồ mới dành cho phụ nữ như thời trang thể thao được nhà thiết kế Chanel giới thiệu từ những năm 1913 là một cú nhấn để dòng chảy thời trang trở nên mạnh mẽ hơn và mới mẻ hơn, dễ dàng được chấp nhận hơn.
Nghệ thuật trang trí với các đường thêu, đính đậm nét thủ công được ứng dụng tương phản giữa lụa nhiều màu sắc và thêu bạc, vàng và đá quý. Phong trào tân nghệ thuật ra đời đem lại nhiều loại vải phong phú và màu sức rực rỡ. Áo được cắt với những đường thẳng dọc từ trên xuống mà không nhấn vào eo đầy tự do và phóng khoáng nhưng vẫn được nữ tính hoá bằng những đường ren tinh tế và tỉ mỉ.
Những chiếc đầm được trang trí theo phong cách Art Deco trở nên cực thịnh với sequin, tua rua và lông được chuyển động mượt mà trên cơ thể theo những điệu nhảy điên cuồng.
- Vì sao nội y cần được thiết kế riêng thay vì mua sẵn?
Mỗi một người phụ nữ đều có một cơ thể riêng biệt, nơi đó giống như những ngôi đền với những điều thiêng liêng mà nhà thiết kế phải khai thác, làm rõ được để có thể tôn vinh những khía cạnh khác biệt đó, bất kể tiêu chuẩn chung có là gì.
Trong ngôn ngữ thiết kế nội y, vì nội y là những thứ có ranh giới rất mong manh giữa sáng và tối, là những điều mỏng manh có thể vạch trần những bí mật sâu kín nhất. Vì thế, mình phải thực sự hiểu rõ khách hàng để có thể chia sẻ những “câu chuyện” nằm trong chủ đích mà khách hàng muốn chia sẻ.
- Nội y là trang phục gợi cảm của phái đẹp, chị có tính toán gì để khi lên phim không bị phản ứng ngược?
Trong dự án này, nhân vật của chị Minh Hằng (Ba Trà) và chị Ngọc Trinh (Tư Nhị) có những nét đối lập rất độc đáo và rõ ràng! Ba Trà thì sang trọng, thanh lịch và kiêu kỳ. Còn Tư Nhị trong lịch sử có một xuất thân thấp kém hơn, nên cách ăn mặc cũng cực kỳ lả lơi, không có kiểm soát giới hạn.
Phải làm sao để bộc lộ được hết nét đối lập của nhân vật đã là một chuyện, mà làm sao để chị Trinh (Tư Nhị) lên hình hở hết cỡ, phô bày hết cơ thể tuyệt mỹ của chị Trinh nhưng cũng không được phép phản cảm lại là cái khó hơn nữa. Nhưng mà điều này thì tôi làm được!
Bản thân các thiết kế trang phục trong phim được tính toán rất cẩn thận để tất cả mọi thứ hoà nhịp đúng với mạch phim, cũng như tính chất lịch sử để không cần phải dùng tới bất kỳ phương tiện phụ trợ nào mà vẫn vượt qua vòng kiểm soát cũng như đảm bảo được tính thẩm mỹ.
Tiểu sử của Ba Trà trong lịch sử dù sao cũng xuất thân từ một gia đình điền chủ và cô ấy cũng được đi học một chút ít, khi mới vào đời cũng được sự kèm cặp và chăm sóc của một số nhân vật có học và quyền lực, bản thân cô ấy cũng có ba lần được cưới về làm vợ danh chính ngôn thuận. Nên cô ấy ít nhiều cũng có độ nhanh nhạy học hỏi, tự tin vào giá trị thật của bản thân. Một số bộ đồ lót làm cho nhân vật Ba Trà thì đậm đặc nét thịnh hành của Châu Âu thời kỳ đó. Có thể kể về kiểu dáng thoải mái, phóng khoáng, không quá hở hang nhưng vẫn rất phù phiếm với lụa, ren và lông thú ngập tràn.
Nhân vật Tư Nhị có một xuất thân thấp kém hơn Ba Trà nhưng lại có một tính cách cực kỳ tham vọng và ngông cuồng hơn. Thế nên ở trang phục của cô ấy đa số đậm nét trễ nải, ít bắt trend hơn. Có một số trang phục cực kỳ ôm sát, tôn vinh vòng một và vòng hai.
- Nội y của phụ nữ trong bối cảnh của phim so với thời nay có khác gì nhiều không ạ?
Thời trang là một dòng sông có vòng chảy vô tận. Chỉ cần mình làm đúng và đủ, đảm bảo tính mỹ thuật và tinh tế thì không có gì khác biệt, không có gì là lỗi thời cũng như không có gì là xưa cũ. Khi đi sâu vào nghiên cứu lịch sử từ Đông sang Tây, đối chiếu các dữ liệu thì chúng ta có thể thấy 1900s là thời điểm cực thịnh của đá quý, ren, vải lụa và các chất liệu đắt tiền, quý hiếm.
Bản thân thời kỳ này vừa vượt qua một thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, đàn ông kiệt quệ sau một thời kỳ chiến tranh đầy mệt mỏi, và dưới ngọn cờ tư bản, phụ nữ ngay lập tức được thay thế vào các vị trí bị đàn ông bỏ trống. Phụ nữ bắt đầu ý thức được sự tự do, trở nên táo bạo hơn bao giờ hết, các phong trào nữ quyền nở rộ. Bản thân nội y bắt đầu trở thành điều cần được khoe ra chứ không còn là thứ nhất định phải che giấu kín như trước.
Nội y được ứng dụng cực thịnh trên những chất liệu phong phú và đắt tiền, làm tiền đề cho một loạt các thiết kế kinh điển sau này của các hãng thời trang hàng đầu thế giới. Rất nhiều kiểu dáng của thời kỳ này đã trở thành tiêu chuẩn cũng như là timeless design mà xuyên suốt cho tới hiện tại, chúng ta vẫn sử dụng rất nhiều. Chỉ cần lược bỏ một số công nghệ may kiểu mới thì hầu hết, không có gì quá khác biệt.
"Tôi luôn tìm về những điều lột tả chân thật cái nữ tính bên trong mình"
- Trong rất nhiều phân khúc của thời trang, vì sao chị chọn con đường thiết kế nội y?
Tất cả đều tự nhiên như một hơi thở. Tôi luôn tìm về những điều lột tả chân thật cái nữ tính bên trong mình, trong mỗi người phụ nữ, mà vẫn che giấu đi những bí mật cần thiết. Ngay kể cả trong các thiết kế đầm đi tiệc hay váy áo ngày thường, công nghệ may mặc hơi hướng corset, nội y vẫn được truyền tải xuyên suốt trên các thiết kế của tôi.
- Tinh thần mà chị muốn truyền tải qua những thiết kế của mình là gì?
Sự diệu kỳ, chân thật và mềm mại của tính nữ trong sâu thẳm mỗi người phụ nữ. Chúng ta cần trân trọng những giá trị này hơn là chỉ chăm chăm đánh giá bằng những tiêu chuẩn bề ngoài mà mạng xã hội đang ngày ngày rao giảng. Tính nữ bên trong mới là giá trị thật của một người phụ nữ.
- Cảm ơn chị!