Bí mật chuyện nhan sắc “thời xa vắng”
Như nhiều người hoài cổ luôn chép miệng khi phiếm chuyện với thế hệ sau: ”Giờ chúng mày sướng hơn bọn tao nhiều, ngày xưa khổ lắm”. Đúng là chỉ cách đây khoảng một vài thập kỷ, các bà các mẹ đã phải chật vật, xoay đủ tứ bề để tìm ra các chiêu thức làm đẹp cho mình.
Trong khi cuộc sống hiện tại của chúng ta đang ngập tràn với các loại mỹ phẩm ngoại nhập, bạn luôn phải nhủ mình phải “thắt chặt” ví tiền bởi sự mời gọi quá sức hấp dẫn của các mặt hàng làm đẹp đa dạng, phong phú và nhiều chủng loại. Nhưng, như câu nói nhiều người hoài cổ luôn chép miệng khi phiếm chuyện với thế hệ sau: "Giờ chúng mày sướng hơn bọn tao nhiều, ngày xưa khổ lắm”, đúng là đã có một thời quá khứ chưa quá xa - chỉ cách đây một vài thập kỷ, các bà các mẹ Việt Nam đã phải chật vật, xoay đủ tứ bề để tìm ra các chiêu thức làm đẹp cho mình.
Chuẩn của nhan sắc
Tiêu chuẩn của một người phụ nữ đẹp những năm về trước khá khác với hiện tại. Nếu bây giờ người ta có phần đánh giá cao những nét sắc sảo, hiện đại, độc đáo thì xưa kia, một người phụ nữ đẹp phải thường có chiều cao vừa phải, cân đối có phần đầy đặn, sở hữu làn da trắng như trứng gà bóc, mái tóc đen dài và cuối cùng phải có các nét phúc hậu, hiền dịu, thanh tú.
Bởi vậy nên các cụ mới có câu “Nhất dáng nhì da thứ ba mới là nét”. Vào thời bao cấp trước mở cửa, khi cách ăn mặc Tây hóa được coi là kệch cỡm lố lăng, thì những vẻ đẹp cá tính có hơi hướm “nổi loạn” không được ưa chuộng hoặc chỉ được “kín đáo” thừa nhận. Thậm chí, những cô gái có thân hình cao ráo vượt trội, dáng dấp quá mảnh khảnh – mà bây giờ chúng ta hay dùng từ “siêu mẫu” để gọi mặt điểm tên lại bị coi là “dưới chuẩn”, không đẹp. Ngoài ra, các khuôn mặt góc cạnh, có lưỡng quyền cao, mắt quá sâu, miệng rộng cũng bị xếp vào hàng kém mặn mà.
Nhan sắc yêu kiều của 1 trong 4 hoa khôi "Hà thành tứ nữ"
Thêm vào đó, cũng phải kể tới một trong điều chi phối vẻ ngoài của phụ nữ thời ấy, đó chính là xu hướng làm đẹp. Kinh tế khó khăn, lại trong điều kiện bao cấp, ít sách báo, và vô tuyến truyền hình thì cũng mãi sau này mới phổ biến, vậy nên người dân nắm bắt các xu hướng cũng chậm hơn bây giờ rất nhiều. Bởi đó, phái đẹp cũng không có nhiều sự lựa chọn cho vẻ ngoài của mình, chủ yếu là nhìn, bắt chước, truyền khẩu cho nhau về những bí mật chăm sóc sắc đẹp, các mốt đang thịnh hành. Cũng chính vì điều này nên điểm nổi bật nhất ta có thể rất dễ nhận ra rằng cách trang điểm, để tóc và phục sức của đại đa số phụ nữ thời trước thường rất giống nhau, gần như không có sự nổi trội đột phá giữa các trào lưu chung.
Mỹ nhân Việt thời xưa
Đặc sản dưỡng nhan dân gian
Cuộc sống tem phiếu chật vật, người phụ nữ khi ấy có không nhiều sự lựa chọn sản phẩm làm đẹp. “Cái khó ló cái khôn”, càng khốn càng khó thì người ta lại càng có thêm nhiều chiêu thức, bí quyết làm đẹp độc đáo. Những bài thuốc dân gian, dưỡng da thiên nhiên được tận dụng triệt để, từ những bài nhiều người biết, ví dụ “khoai lang chấm mật giúp da hồng hào”, “ăn vừng đẹp tóc mượt da”…; Cho tới những mẹo đại tu khuôn mặt (mà đến tận bây giờ chúng ta cũng chưa chứng thực được nó thực sự có tác dụng hay không) như vuốt nắn để có chiếc mũi thon cao thanh tú, nằm nghiêng để má hóp trở nên bầu bĩnh… ; Và cả những mẹo nhỏ bí mật như uống nước hãm từ 10 bông hoa nhài giúp mắt sáng long lanh, tắm nước lá tre… Đặc điểm chung của các phương pháp này là hầu hết đều từ sản phẩm “của nhà trồng được” có sẵn và không tốn kém.
Vẻ đẹp phụ nữ Việt mấy mươi năm trước rất đôn hậu và nền nã... (Hình: diễn viên Trà Giang)
...và họ thường nuôi mái tóc mượt đen nhánh
Người phụ nữ xưa coi trọng mái tóc, không giống như cách chăm chút cho “góc con người” của phụ nữ hiện đại là dùng đủ mọi sản phẩm tạo kiểu và uốn duỗi nhuộm liên tục, phụ nữ xưa chỉ để xõa, búi gọn, tết bím hoặc cắt tóc thề. Cũng có thể bởi hồi ấy những sản phẩm này chưa xuất hiện nhiều, nên phụ nữ Việt vẫn yêu màu đen tuyền của tóc lắm.
Chuẩn của tóc là phải dày, đen mượt, mềm và bóng, được nuôi dưỡng bởi thứ nước gội đầu truyền thống nhất đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt, đó là bồ kết nấu cùng chanh, bưởi, hương nhu, khiến tóc không những đen mượt mà còn lưu lại hương thơm thanh khiết cuốn theo bước chân giai nhân, đã được đi vào biết bao tứ thơ ca nhạc họa.
Ngoài bồ kết, nhiều người còn kỳ công kỹ lưỡng ủ những vại nước gạo chắt lại cho chua lên, hoặc sang hơn là nước dừa ủ chua để làm đồ dưỡng tóc. Mùi của những sản phẩm này khá là khó chịu nhưng tác dụng của chúng quả thật rất tuyệt vời. Nếu bạn đã từng ngạc nhiên với những mái tóc dài suôn như suối chảy của các cô gái Thái xinh đẹp, thì đây chính là bí quyết của họ, về sau đã được lan truyền ra Bắc và trở thành tuyệt chiêu làm đẹp tâm đắc của các bà các mẹ.
Mái tóc thiếu nữ Việt giản dị, ít kiểu cách
Tuy chỉ chăm sóc đơn giản là thế nhưng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời đó vẫn khiến bao cánh mày râu phải đắm say bởi nét giản dị nhưng rạng ngời, dịu dàng và đằm thắm.
Kỳ sau: Buôn chuyện làm đẹp thời bao cấp 8h sáng ngày mai (30/3)