Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở

Không thích nhưng cũng chẳng có gan phản đối ra mặt, nhiều chị em vẫn đang phải âm thầm chịu đựng và khóc cười cùng bộ trang phục có tên đồng phục công sở.

Nhớ lại những ngày đi học, mặc đồng phục luôn là một trong những quy đinh đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt, cốt là để ai cũng bình đẳng, tránh sự phân biệt hèn sang giàu nghèo.

Giờ khi đã trở thành nhân viên một ngày 8 tiếng đắm mình ở chốn văn phòng, nhiều chị em vẫn phải trói chặt trong những bộ đồng phục mang tên đồng phục công sở.

Muôn vẻ “màu cờ sắc áo” công ty

Đồng phục công sở không mang cái ý nghĩa đầy nhân văn như tạo ra sự bằng bình đẳng, tránh phân biệt đẳng cấp giữa kẻ ví dày và người ví xẹp.

Chức năng của nó phần nhiều giống với một tấm áp phích di động giúp quảng bá hiệu quả hình ảnh công ty. Hay nói hoa mỹ hơn là để thể hiện nét đặc trưng văn hóa của doanh nghiệp và cũng là bộ trang phục để chị em công sở ngầm cảm thấy tự hào với công việc mà mình đang làm.

Đã xa rồi cái thời mà đồng phục công sở quanh đi quẩn lại chỉ là áo sơ mi trắng kiểu truyền thống đóng bộ với quần âu đen hoặc xanh tím than. Cùng với sự phát triển của thời trang, đồng phục công sở thời nay cũng có nhiều biến thể, cả về kiểu lẫn màu.

Chị H.M, nhân viên của một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết: “Đồng phục nữ ở công ty mình có hai loại, áo thì có loại dài tay may theo kiểu sơ mi truyền thống và loại tay bồng với phần cúp ngực cách điệu. Đi cùng bộ là quần âu hoặc chân váy bút chì và áo vest cho mùa đông, mọi người có thể đặt một trong hai loại tùy theo vóc dáng và sở thích cá nhân”.

Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở - 1

Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở - 2

Nhiều doanh nghiệp chọn gam màu nổi để màu cờ sắc áo công ty càng dễ được ghi nhớ và ít “đụng hàng” (hình minh họa)

Bên cạnh sự đa dạng về thiết kế, ngày nay nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu “đổi gu’ sang chuộng những gam màu nổi như vàng, cam, xanh lá hay họa tiết kẻ sọc để màu cờ sắc áo công ty càng dễ được ghi nhớ và ít “đụng hàng”.

Sử dụng những chất liệu cao cấp có độ co dãn và thấm hút mồ hôi tốt cũng là một điểm đáng khen của những bộ đồng phục thời nay, khi nó phần nào giúp anh chị em công sở cảm thấy thoải mái hơn khi phải gắn bó với bộ trang phục này hơn 8 tiếng một ngày.

Cám cảnh chuyện đồng phục chốn công sở

Việc phải mặc đồng phục chốn công sở cũng không hẳn là điều quá tồi tệ, thế nhưng những câu chuyện không có hồi kết (mà phần nhiều là phàn nàn) về đồng phục công ty vẫn xuất hiện đều đều trong những mẩu chuyện phiếm giữa giờ nghỉ của các chị em văn phòng.

Và vì chẳng ai có gan phản đối ra mặt, nhiều chị em vẫn đang phải âm thầm chịu đựng bộ trang phục được “ưu ái” diện nhiều nhất trong tủ đồ ấy.

Người đầu tiên thấu hiểu rõ hơn cả nỗi khổ đồng phục này hẳn phải kể đến những tín đồ thời trang và tín đồ mua sắm. Nếu ngày xưa có thể thoải mái mở tủ, phối kết hợp đồ mỗi ngày một kiểu, có khi cả nửa tháng không mặc trùng nhau thì giờ đến 5 trên 7 ngày phải chịu cảnh bó hẹp trong bộ trang phục trăm người như một, đó là còn chưa bàn đến chuyện xấu, đẹp, có đi chệch xu hướng hay không.

Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở - 3

Nói về chuyện đồng phục công sở, nhiều chị em chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng (hình minh họa)

Các tín đồ tiền lương chỉ để “cúng” cho quần áo đã thế, những chị em “người thường” chốn văn phòng cũng chẳng kém miếng hơn khi có thể kể ra hàng vạn lý do để kì thị đồng phục công sở.

D.H, nhân viên mới của một công ty viễn thông ấm ức chia sẻ: “Đồng phục công ty mình có thêu logo nên không may ngoài được mà phải buộc phải đến may đo ở xưởng “ruột” của công ty. Ngày nhận đồng phục mình ức chế khủng khiếp, công ty có hai loại vải để chọn, mình chọn vải số 1 sáng màu hơn thì nhà may lại may nhầm sang vải số 2.

Hơn nữa mang tiếng là áo may đo mà bị kích ngực nhiều như may cho người khác, cố cài cúc thì hở ngay một khoảng lớn trước ngực nhìn rất phản cảm, vì không kịp sửa lại nên hôm sau đó mình đã phải xin nghỉ làm”.

Cùng tâm trạng với chị D.H, thay vì tự hào thì chị P.T lại cảm thấy ngại ngần mỗi lần đi gặp bạn bè với bộ đồng phục công sở: “Không phải mình xấu hổ gì với công việc mình đang làm, nhưng thử tưởng tượng buổi trưa đi ăn cưới hay cà phê với hội bạn, bạn bè đều ngầm khoe váy vóc xinh đẹp, mình thì lần nào cũng chỉ diện nguyên một cây đồng phục nhàm chán như vậy”.

Bên cạnh nỗi khổ phải mặc bộ trang phục đi làm trăm ngày như một, đồng phục công sở còn tạo nên một nỗi khổ khác mang tên khoe trọn vóc dáng kém nuột nà.

K.L vốn là một nàng công sở có thân hình quả lê (trên nhỏ dưới to) với đôi chân kém đẹp, trước khi công ty ra “luật thép” về đồng phục, nàng ngày nào cũng chỉ đóng bộ quần skinny đen, sơ mi oversized hoặc blazer dáng rộng để che đi khuyết điểm.

Từ đầu tháng trước công ty của K.L ra quy định mới, toàn bộ nhân viên phải mặc đồng phục đi làm vào ngày lẻ: “Những ngày phải mặc đồng phục quả thật là thảm họa, áo sơ mi chiết eo khiến nửa người trên nhìn càng nhỏ, lại còn phải sơ vin trong chân váy nên lộ hẳn vòng 3 quá khổ, chưa kể váy ngắn chẳng che nổi cặp chân “cột đình”. Từ khi mặc đồng phục mình toàn bị đồng nghiệp hỏi có phải dạo này tăng cân không. Đúng là cười không nổi”.

Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở - 4

Mặc váy có thể là nỗi ám ảnh của nhiều nàng công sở có đôi chân kém đẹp (hình minh họa)

Doanh nghiệp nên bớt khắt khe, nhân viên nên bớt phàn nàn

Cũng có thể phần nào thông cảm cho sự phàn nàn của chị em công sở, bởi phụ nữ vốn vẫn luôn xem trọng chuyện ăn mặc. Ngay cả khi đồng phục công sở đang cố gắng để đẹp lên, để không bị coi là “cổ lỗ sĩ” thì điều đó cũng chẳng thể thay đổi được sự thật rằng mỗi người một vóc dáng, một phong cách và hiếm có bộ đồng phục nào làm hài lòng được tất cả.

Giới tâm lý học và y học cũng đã nhiều lần chứng minh rằng màu sắc và trang phục có mối liên quan chặt chẽ đến cảm xúc, khả năng sáng tạo và sức khỏe của con người.

Chẳng thế mà ở nhiều doanh nghiệp, khái niệm “trang phục công sở” cũng đã không cần phải cứng nhắc gói gọn trong sơ mi, chân váy, áo vest, quần tây như trước, chứ chưa nói gì đến chuyện làm đồng phục.

Dù sao thì chuyện doanh nghiệp muốn làm đồng phục công sở cũng không hẳn là chuyện xấu, bộ trang phục này vẫn cần thiết để thể hiện màu cờ sắc áo và niềm tự hào với công ty.

Nhưng thiết nghĩ thay vì ép buộc nhân viên mặc đồng phục cả tuần, bộ trang phục này sẽ dễ được “lòng dân” hơn nếu các anh chị em công sở chỉ phải diện nó trong những dịp quan trọng hay mặc vào một ngày nhất định nào đó trong tuần để củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ của nhân viên.

Bi hài chuyện đồng phục chốn công sở - 5

Đồng phục là điều bắt buộc của những ngành nghề liên quan đến dịch vụ khách hàng (hình minh họa)

Với những ngành nghề liên quan đến dịch vụ khách hàng đòi hỏi việc bắt buộc phải mặc đồng phục như lễ tân, hàng không, khách sạn, giao dịch viên, thay vì phàn nàn về đồng phục, các chị em nên tự khắc phục vấn đề cá nhân để gạt đi những áp lực không đáng có trong công việc.

Chẳng hạn như không tự tin mặc chân váy thì có thể đi thêm tất giấy đen, vừa sexy lại vẫn đúng quy định. Không thích mặc nhàm chán gặp bạn bè thì còn ngại gì mà không mang váy áo để thay đổi, đồng phục công ty may cho không vừa vặn hợp ý cứ việc đem ra ngoài sửa, miễn là đừng đổi kiểu quá đà.

Suy cho cùng thì so với những nàng công sở không có đồng phục, mỗi cuối tuần “hùng hục” sắm đồ, hàng sáng vẫn muộn làm khi đứng trước tủ quần áo ngồn ngộn mà cảm thấy như không có gì để mặc thì biết đâu đấy, được mặc đồng phục lại là một cái may.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Nam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN