3 bất tiện mà chỉ khi mua hàng sát tết bạn mới hiểu
3 điều mà chỉ những người từng shopping vào dịp sát Tết mới hiểu.
1. "Loạn" giá gửi xe
Để thuận tiện mua đồ trên các phố thời trang vào dịp gần tết, khách hàng thường phải gửi phương tiện đi lại. Rất nhiều nơi gửi xe tự phát đã tự ý đẩy giá gửi xe lên mức chóng mặt, thậm chí còn gian dối để hòng "móc ví" khách.
Khách hàng thường gửi xe đi bộ để tiện chọn đồ trên các phố bán quần áo
Một trong những điểm mua sắm sầm uất nhất vào dịp tết là khu Hàng Ngang, Hàng Đào mọc lên nhan nhản những địa điểm gửi xe trên vỉa hè. Những anh những cô bán hàng nước tranh thủ kiếm thêm dịp Tết bằng cách trưng dụng vỉa hè làm nơi gửi đỗ trái quy định.
Vào ngày thường, gửi xe ở những nơi như thế này khoảng 5 - 10 ngàn đồng nhưng tới cao điểm sắm có thể lên tới 20 hoặc thậm chí 40 ngàn cho một chiếc xe máy.
Không chỉ thế nhiều nơi gửi xe còn khá lật lọng khi báo giá một đằng, thu tiền một nẻo.
Linh Thu, một cô bạn từng gặp phải tình huống này khi vừa đi sắm tết trên phố hàng Đào kể lại: "Mình trước khi gửi đã phải cảnh giác hỏi giá tiền thì được người đàn ông trông xe kiêm bán hàng nước bảo là chỉ 20 ngàn đồng và không cần trả tiền trước. Tuy nhiên tới khi lấy xe về ông ta lại đòi 30 ngàn đồng và nói chưa bao giờ có giá gửi 20 ngàn. Thậm chí người này còn tỏ ra rất hung hãn khi mình đang trình bày. Thân cô thế cô nên mình đành móc túi trả 30 ngàn. Thực tình thì 30 ngàn gửi xe chợ tết Đông đúc thì mình có thể thông cảm được nhưng cái chính là thái độ và sự gian dối của người trông xe thì khó có thể chấp nhận nổi".
2, Mua quá nhiều đồ có thể sẽ chẳng bao giờ dùng tới
Vào dịp sát Tết, các cửa hàng đồng loạt bán xả kho, toàn bộ hàng hoá từ mới tới cũ hầu như đều được giảm với giá rất ưu đãi, giá giảm có thể lên tới 70%. Đây cũng là dịp để người dân mua được các món đồ ưng ý mà chỉ phải chi một số tiền vừa phải. Chính bởi thế, rất nhiều người đã tranh thủ nhân dịp cuối năm "vơ vét" đồ giảm giá để dùng trong năm sau.
Tuy nhiên, thực tế là khi mua sắm đồ giảm giá, bạn cần cân nhắc tới yếu tố mốt. Những món đồ giảm giá nếu theo mốt thì cũng sẽ hết mốt rất nhanh, tính sử dụng không được lâu dài.
Thêm vào đó, mua sắm tại các shop thời trang vào mùa cuối năm, đặc biệt là các shop giảm giá sâu từ 50 - 70%, bạn thường xuyên gặp tình trạng chen lấn, xô đẩy và còn bị kích thích cảm hứng mua sắm bởi những khách hàng khác. Vì thế, đôi khi tâm lý "mua nhanh kẻo hết" khiến bạn tậu rất nhiều đồ không phù hợp với gu của bản thân hoặc không có giá trị sử dụng lâu dài... Cũng bởi lý do này nên nhiều trường hợp mua quá nhiều đồ giảm giá nhưng cũng không dùng tới, gây lãng phí.
Linh Phương, một tín đồ mua sắm chia sẻ bí quyết sắm sửa quần áo dịp sát Tết đó là nên mua các loại quần áo cơ bản, kiểu đơn giản, có thể mặc hàng ngày và phối hợp được với nhiều kiểu trang phục như áo len cổ tròn màu be, ghi, đen hoặc chân váy bút chì.....
Nên chọn đồ kiểu đơn giản, màu trung tính, màu sắc nhã nhặn sẽ không lo lỗi mốt
3. Mua phải đồ hỏng, ráchCác shop thời trang dịp cuối năm thường đông và bận rộn hơn hẳn trong năm. Vì thế dù nhiều cửa hàng trong năm có nhận đổi trả hàng thì tới dịp giảm giá, xả kho họ thường có quy định "hàng mua rồi miễn trả lại".
Nếu không tinh ý và bị cuốn theo dòng người mua bán thì bạn rất có thể sẽ lấy nhầm những mặt hàng bị cũ, rách, sút chỉ. Hãy nhớ rằng hàng xả kho là hàng tồn và sẽ không tránh khỏi có những món đồ bị hỏng.
Mua hàng giá rẻ rất hấp dẫn nhưng mua được hàng vừa rẻ, vừa tốt, bền lại không khiến mình nhanh chán là cả một "nghệ thuật" mà chỉ có các "nghệ sĩ mua hàng giảm giá" đầy kinh nghiệm mới biết.