Vì sao hơn 100 mỹ nhân thế giới bị lộ ảnh nóng?
Trong những ngày gần đây, làng giải trí thế giới chấn động vì thông tin hacker đã đột nhập và lấy cắp những bức ảnh “nhạy cảm” của hơn 100 nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng trên thế giới và tung lên mạng.
Những bức ảnh khỏa thân của các nhân vật nổi tiếng như Jennifer Lawrence, Ariana Grande, Victoria Justice và Kate Upton đã được đăng công khai trên một diễn đàn chia sẻ ảnh, và hacker đe dọa sẽ tiếp tục tung ra những bức ảnh “mật” của nhiều ngôi sao khác nữa.
Việc các nhân vật nổi tiếng trên bị lấy cắp ảnh nhạy cảm đã để lộ một phương thức lưu trữ dữ liệu đầy nguy hiểm nhưng cũng được áp dụng rất phổ biến của người dùng Internet hiện nay, đó chính là điện toán đám mây.
Ngày nay, chúng ta tạo ra và lưu trữ rất nhiều dữ liệu, trong đó có cả những bức ảnh “nhạy cảm” tự chụp, lên các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng hay laptop. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là những bức ảnh và tài liệu đó không chỉ được lưu lại trên thiết bị di động của bạn.
Ngôi sao Jennifer Lawrence là một nạn nhân bị tung ảnh nóng
Chúng thường xuyên được “sao lưu lên đám mây”, đồng nghĩa với việc những dữ liệu này sẽ được âm thầm sao chép về máy chủ của công ty cung cấp dịch vụ. Bởi vậy, những bức ảnh “tự sướng” đầy nhạy cảm của bạn dù được chụp ở đâu đi nữa, cuối cùng rất có thể chúng sẽ nằm lại tại hàng chục máy chủ ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Đó là lý do tại sao bạn có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức những bức ảnh, những tài liệu đó ở bất cứ nơi đâu, trên bất cứ thiết bị di động nào có kết nối mạng và sử dụng dịch vụ “đám mây”. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với một thực tế rằng các dữ liệu đó đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn nữa.
Các dịch vụ “đám mây” như iCloud của Apple, Google Drive của Google hay OneDrive của Microsoft đều hoạt động theo phương thức này. Điều đó có nghĩa là chiếc iPhone của bạn sẽ tự động lưu toàn bộ dữ liệu lên máy chủ của Apple, giống như thiết bị Android đưa dữ liệu vào trung tâm lưu trữ của Google.
Nhưng rắc rối nằm ở chỗ, các dữ liệu này không kết thúc hành trình ở đó. Với lượng dữ liệu đổ về hàng ngày quá lớn, các công ty cung cấp dịch vụ sẽ phải tìm cách chia sẻ bớt gánh nặng sang các đối tác khác.
Vậy là những dữ liệu nhạy cảm của bạn sẽ được chuyển sang lưu trữ ở máy chủ của các công ty mà bạn chưa từng tiếp xúc như Cisco, IBM, Verizon và hàng loạt công ty lưu trữ khác trên khắp thế giới.
Sau khi chụp một bức ảnh “nhạy cảm”, bạn chưa an tâm và xóa nó đi trên chiếc điện thoại của mình, thế nhưng nó vẫn được lưu lại trên “đám mây”.
Ngay cả khi bạn đăng nhập vào dịch vụ đám mây và xóa nó đi, những hình ảnh đó vẫn có nguy cơ đã được chuyển sang một máy chủ của công ty khác mà bạn không thể tiếp cận được. Đây chính là một lỗ hổng mà các hacker có thể khai thác để moi móc đời tư của bạn.
Dịch vụ đám mây, con dao hai lưỡi đối với những người bất cẩn
Hôm thứ Ba, Apple đã xác nhận rằng hacker đã bẻ khóa tài khoản iCloud của các nhân vật nổi tiếng như Jennifer Lawrence, Kate Upton... để ăn cắp những hình ảnh nhạy cảm của họ để tung lên mạng.
Một ví dụ dễ thấy nhất là nữ diễn viên Mary Elizabeth Winstead của Hollywood, người tuyên bố đã xóa những bức ảnh nhạy cảm của mình “từ rất lâu”. Thế nhưng hình ảnh của cô vẫn bị rò rỉ ra ngoài, vì cô chỉ xóa chúng trên điện thoại mà quên béng mất dịch vụ “đám mây”.
Nguy cơ rò rỉ này không chỉ xảy ra với những người nổi tiếng, mà nó có thể đe dọa bất cứ người bình thường nào. Nhiều người có thói quen lưu các tài liệu của công ty hay thậm chí là danh sách mật khẩu lên đám mây để tiện truy cập mọi lúc mọi nơi mà không biết rằng hacker có thể tiếp cận nó bất cứ lúc nào.
Năm 2013, khi các hacker lấy cắp được mật khẩu tài khoản Twitter của hãng tin AP (Mỹ) rồi tung tin rằng Nhà Trắng đang bị tấn công, chỉ số Dow Jones lập tức giảm 150 điểm chỉ trong vòng một phút.
Từ những sự cố trên, điều dễ nhận ra là người dùng phải tỉnh táo hơn nữa trong việc sử dụng dịch vụ đám mây. Đây là công cụ tuyệt vời để lưu trữ lịch làm việc, chia sẻ những bức ảnh vui với bạn bè hay phối hợp với đồng nghiệp trong một dự án, nhưng đừng biến nó thành một “phòng ngủ” đầy lỏng lẻo.