Thế giới điện thoại xoay vần ra sao sau 30 năm?
Bức tranh thị trường điện thoại di động ngày nay khác hẳn so với ba thập kỷ trước.
Video: Biểu đồ mô tả biến động thị phần điện thoại di động trong 30 năm.
Năm 1993, Motorola chiếm hơn một nửa thị trường điện thoại di động. Nhưng đến năm 2021, thị phần của công ty đã giảm xuống chỉ còn 2,2%. Quá trình này đã xảy ra như thế nào và ngành công nghiệp di động đã thay đổi ra sao trong 30 năm qua?
Thị phần điện thoại di động vào tháng 4/ 2000.
Đoạn video của James Eagle đã ghi lại quá trình phát triển của thị trường điện thoại di động, cho thấy sự lên xuống của các nhà sản xuất điện thoại di động khác nhau. Dữ liệu thống kê từ tháng 12/1992 – 12/2021.
Những ngày đầu
Motorola được biết đến là công ty tiên phong trong ngành điện thoại di động.
Năm 1983, công ty Mỹ đã ra mắt một trong những điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới - DynaTAC 8000X. Chiếc điện thoại mang tính cách mạng này có giá gần 4.000 USD (tương đương 93,26 triệu đồng) và cung cấp cho người dùng thời gian đàm thoại lên tới 30 phút.
Mọi thứ thay đổi kể từ khi iPhone xuất hiện.
Motorola tiếp tục tung ra một vài thiết bị khác trong vài năm sau đó, ví dụ như MicroTAC 9800X vào năm 1989 và International 3200 vào năm 1992, nhanh chóng trở thành người thống trị trong ngành công nghiệp non trẻ. Trong những ngày đầu ra mắt thị trường, "đối thủ" nặng ký duy nhất của công ty là Nokia (Phần Lan), hãng đã mua lại nhà tiên phong mạng di động Mobira.
Nhưng đến giữa những năm 1990, các đối thủ khác như Sony và Siemens bắt đầu có được một số chỗ đứng vững chắc, ảnh hưởng tới sự thống trị của Motorola. Vào tháng 9/1995, thị phần của công ty đã giảm xuống còn 32,1%.
Đến tháng 1/1999, Nokia vượt qua Motorola để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động top đầu, chiếm 21,4% thị phần toàn cầu, dẫn trước 20,8% của Motorola.
Một trong những lý do khiến Nokia ngày càng nổi tiếng là bước tiến lớn của công ty trong lĩnh vực điện thoại kỹ thuật số. Năm 1999, công ty phát hành Nokia 7110, điện thoại di động đầu tiên có trình duyệt web.
Không chỉ vậy, vào năm 1999, Motorola rơi vào thời kỳ khó khăn sau khi một trong những dự án phụ có tên Iridium SSC đệ đơn phá sản. Biến cố này đã gây ra một áp lực tài chính lớn cho công ty và khiến hãng phải sa thải một lượng lớn lực lượng lao động của mình.
Kể từ đó, thị phần của Motorola dao động trong khoảng 14 - 20%, cho đến khi iPhone của Apple gia nhập thị trường vào năm 2007 và khiến ngành điện thoại di động phát triển.
Sự xuất hiện của iPhone
Mọi thứ thực sự bắt đầu thay đổi với sự ra mắt của iPhone vào năm 2007.
Trong một bài phát biểu quan trọng tại San Francisco Macworld Expo năm 2007, Steve Jobs đã giới thiệu iPhone đầu tiên như ba sản phẩm được gói gọn trong một thiết bị: iPod có màn hình cảm ứng, điện thoại di động mang tính cách mạng và thiết bị kết nối internet.
Các thế hệ iPhone.
Một năm sau, Apple ra mắt App Store, cho phép người dùng tải các ứng dụng và trò chơi về iPhone. Điều này không chỉ nâng cao đáng kể chức năng của iPhone mà còn cho phép người tiêu dùng tùy chỉnh thiết bị di động hơn bao giờ hết.
Đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của điện thoại thông minh - một kỷ nguyên mà Motorola đã không theo kịp. Chưa đầy 2 năm sau khi iPhone ra mắt, Apple đã chiếm được 17,4% thị trường điện thoại di động. Ngược lại, thị phần của Motorola đã giảm xuống còn 4,9%.
Đến cuối năm 2021, Apple nắm giữ khoảng 27,3% thị trường di động toàn cầu. iPhone là một phần quan trọng trong sự tăng trưởng của “gã khổng lồ” công nghệ, mang lại hơn 50% tổng doanh thu cho công ty.
Không thể thích nghi
Mặc dù có nhiều yếu tố khiến cho Motorola sụp đổ nhưng yếu tố then chốt là sự thất bại của công ty trong việc thích nghi.
Sự xuất hiện của iPhone là sự khởi đầu của một kỷ nguyên phần mềm mới. Motorola đã làm chủ thời đại do phần cứng điều khiển, nhưng không theo kịp khi thời thế thay đổi. Và thực tế cho thấy, thị trường điện thoại di động đã loại bỏ những nhà sản xuất không thể thích nghi hoặc theo kịp, bao gồm BlackBerry (trước đây là RIM), Palm, Sony và LG.
Smartphone Motorola chiếm thị phần khá nhỏ.
Nhưng Apple không đơn độc. Sự phổ biến của hệ điều hành di động Android của Google đã giúp các đối thủ cạnh tranh như Samsung của Hàn Quốc, Huawei và Xiaomi của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Mỗi công ty đều tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện thoại di động toàn cầu.
Trong thế giới luôn phát triển nhanh như hiện tại, khả năng thích nghi là điều cần thiết nếu các doanh nghiệp muốn duy trì tính cạnh tranh. Liệu những “ông lớn” về điện thoại di động ngày nay như Apple và Samsung có tiếp tục đứng đầu không? Hay các công ty khác như Xiaomi sẽ bắt kịp trong vài năm tới?
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện nay đang có nhiều mẫu smartphone màu xanh đẹp không kém iPhone 13 xanh lục nhưng có mức giá phải chăng hơn.