"Có một thứ mạnh hơn cái chết, đó là ký ức về người đã khuất trong trí nhớ người đang sống" - Jean d'Ormesson. Và có lẽ sức mạnh ấy còn nhân lên gấp bội khi người đó là Steve Jobs. Ngay cả khi đã qua đời 13 năm, nhưng mỗi khi Apple có sản phẩm mới, cái tên Steve Jobs luôn tràn ngập các mặt báo. Gần đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí tạp chí WIRED, Tim Cook - CEO của Apple - đã được đặt câu hỏi rằng "Bạn có ngước lên trời và xin lỗi ông ấy vì đã thêm một nút bấm vào iPhone 16 không?”
Vậy điều gì đã tạo nên một Steve Jobs có sức ảnh hưởng như vậy?
Steve Jobs có tuổi thơ không suôn sẻ khi được sinh ra ngoài ý muốn và mẹ ruột của ông ban đầu muốn con bà được gửi vào gia đình có trình độ học vấn đại học. Bác sĩ dự định giao đứa bé cho gia đình vợ chồng luật sư, tuy nhiên vào đúng ngày cậu bé ra đời (24/2/1955), cặp vợ chồng này lại từ chối vì họ muốn nhận một bé gái. Chính vì thế, cậu bé được giao cho vợ chồng Paul Jobs và Clara Hapopian, những người thậm chí còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Và để được nhận nuôi Steve, bố mẹ nuôi đã phải cam kết lập một khoản tiết kiệm để lo cho cậu học đại học sau này.
Từ khi còn rất nhỏ, Steve Jobs đã được bố mẹ cho biết mình là con nuôi và họ rất cởi mở về vấn đề này. Tuy nhiên, vào năm 6 - 7 tuổi Steve được cô bạn sống ở nhà đối diện hỏi rằng "việc cậu bị nhận nuôi có nghĩa là bố mẹ đẻ của cậu không cần cậu nữa phải không". Câu hỏi đã gần như đâm trúng trái tim ngây thơ, khiến Steve khóc nức nở chạy về nhà. Nhưng cha mẹ nuôi đã nói "Điều đó không đúng, chính chúng ta đã đặc biệt muốn nhận nuôi con".
Câu nói của bố mẹ nuôi đã ảnh hưởng sâu sắc tới lối tư duy và phong cách sống trong suốt cuộc đời của Steve Jobs. Nếu như phần lớn mọi người sẽ chìm đắm trong nỗi đau đớn dằn vặt vì Bị bỏ rơi thì Steve lại nghĩ rằng mình là Được chọn. Steve luôn nghĩ mình là người đặc biệt, và hành động theo hướng mà những người cùng thời cho rằng đó là "ý tưởng cung trăng" bởi quá đỗi phi thực tế.
Lối tư duy khác biệt cũng đã giúp ông gặp được Stephen Wozniak và chế tạo ra Blue Box rồi Apple I, khởi đầu cho đế chế tỷ đô hiện nay. Lối tư duy khác biệt - Think Different cũng chính là một trong những chiến dịch Marketing thành công nhất trong lịch sử của Apple, và có thể là ngành truyền thông khi kéo Apple từ trên bờ vực phá sản vào năm 1997 trở thành công ty đạt lợi nhuận 309 triệu USD vào năm 1998.
Steve Jobs không phải là người hoàn hảo. Hồi còn đi học, "học sinh cá biệt" có thể là từ rất chính xác để miêu tả về Steve. Ông đã bị nhà trường trả về gia đình 2 - 3 lần trước khi hoàn thành lớp 3. Thậm chí Steve đã sử dụng chất kích thích khi mới là học sinh trung học, và ông cũng đã bỏ ngang đại học Reed khi mới học được 1 học kỳ.
Nhưng quý độc giả không nên noi theo gương xấu này bởi chúng tôi chỉ muốn đề cập tới khía cạnh, ngay cả thiên tài cũng có nhiều tật. Vấn đề là làm thế nào để thoát khỏi những điều xấu và tập trung cho những thứ ý nghĩa hơn? Steve đã tìm được điều đó vào năm 17 tuổi và chia sẻ trong bài phát biểu tại đại học Standford năm 2005 rằng:
"Tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?". Nếu câu trả lời là "không" kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi...Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu"
Steve Jobs luôn biết chính xác bản thân muốn gì và luôn cố gắng hết sức để đạt được mục đích. Ông muốn học ở đại học Reed nhưng không muốn theo học và trả tiền cho những môn bắt buộc nhàm chán. Bất ngờ là Reed đồng thuận với điều đó và Steve vẫn tiếp tục ở lại để theo học các bộ môn ông cho là có ích, và trong số đó là lớp học thư pháp - điều sau này giúp máy tính Mac có được nhiều kiểu phông chữ và khoảng cách hợp lý tới mức chính Windows đã phải "sao chép".
Steve đã thực hiện cuộc hành hương tới Ấn Độ vào năm 1974 sau khi bỏ học tại Reed. Và Thiền, Phật giáo cùng ăn chay đã trở thành một phần trong suốt cuộc đời về sau của Steve. Sau khi trở về từ Ấn Độ, Steve đã cùng với Wozniak và Ronald Wayne thành lập Apple với sản phẩm đầu tiên là Apple I.
Cha nuôi của Steve Jobs là một người yêu cơ khí và luôn làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Khi cùng nhau sơn hàng rào bao quanh nhà, Paul Jobs nói với con trai rằng cho dù là dựng hàng rào hay làm thùng máy, đều cần phải chú ý tới cả mặt sau ngay cả khi nó bị che khuất. Điều này ảnh hưởng tới tư duy của Steve khi mỗi công việc đều được thực hiện hoàn hảo, mỗi sản phẩm tạo ra đều là tốt nhất.
Không chỉ là một người hiểu biết công nghệ sâu sắc, Steve Jobs còn là người yêu thích nghệ thuật. Ông có niềm đam mê mãnh liệt với nhạc Bob Dylan và đây chính là yếu tố giúp ông gắn kết với Wozniak. Steve cũng đã theo học thư pháp và có đam mê mãnh liệt với các góc bo tròn của đồ gốm sứ... Tất cả những điều này giúp Steve luôn là giao điểm giữa công nghệ và nghệ thuật, và điều này được thể hiện ở các sản phẩm của Apple: Sự đơn giản chính là sự tinh tế tối thượng.
Steve Jobs chính là "người đứng sau" hàng loạt các sản phẩm mang tính vĩ đại, thay đổi toàn bộ nền công nghiệp liên quan như:
Những người đã từng làm việc với Steve đã nhận xét rằng ông có biệt tài năng bóp méo thực tế. Điều này được thể hiện ở việc ông luôn đưa ra những kế hoạch phi thực tế, nhưng luôn thuyết phục mọi người (và có thể là chính bản thân ông) là có thể làm được, thuật tự kỷ ám thị này luôn đem tới kết quả như mong đợi, và iPhone cũng không phải là ngoại lệ.
Để phát triển ý tưởng, Steve đã mua lại một công ty sản xuất những bàn xúc giác cảm ứng đa điểm và phát triển công nghệ cảm ứng đa điểm. Đội ngũ nghiên cứu cũng đã được yêu cầu thiết kế giao diện sử dụng một cách thân thiện và đơn giản hóa những gì mà điện thoại khác đã làm phức tạp. Đơn cử để mở màn hình, thay vì dùng nút bật/tắt (Steve rất ghét những công tắc bật tắt) thì giải pháp chỉ đơn giản là "Gạt tay để mở" tại thanh trượt trên màn hình.
Steve cũng đã gạt bỏ thiết kế mà Jonathan Ive và đội ngũ thiết kế đã làm việc trong suốt chín tháng bởi "tôi nhận ra không thích nó". Và thay vì xuống tinh thần, đội ngũ thiết kế sau đó đã làm việc cả tối và cuối tuần để đưa ra một thiết kế với một vỏ thép không gỉ mỏng, cho phép màn hình hiển thị tới tận các cạnh. Và một phần của thiết kế phản ánh tính cầu toàn của Steve là thiết bị được hàn kín, vỏ ngoài không thể mở và thậm chí không đổi pin, điều này giúp máy cực mỏng. Đối với Jobs, mỏng luôn đẹp, đấy chính là lý do họ có laptop mỏng nhất thị trường, điện thoại mỏng nhất và cả máy tính bảng iPad mỏng nhất.
Nhưng kết quả của sự cầu toàn của Steve luôn có "quả ngọt" khi không chỉ đưa Apple thành công về mặt doanh số mà còn làm thay đổi toàn bộ ngành sản xuất mà sản phẩm của họ chạm tới. Nếu như Macintosh đời đầu làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp máy tính, iPod làm thay đổi kỷ nguyên nhạc số thì iPhone đã làm thay đổi ngành điện thoại di động.
Cho tới tận ngày nay khi mà các hãng sản xuất đã có sự phát triển vượt bậc nhưng chắc chắn không có sự kiện nào lại thu hút được sự chú ý của công chúng và giới công nghệ như khi mỗi Apple trình làng iPhone mới.
Sau buổi chuyển giao quyền điều hành tại Apple cho Tim Cook vào 15/1/2009, Steve Jobs trở về nhà, khi ấy vợ ông cùng các con đang lấy mật từ những cầu ong tự nuôi tại vườn nhà. Họ cười vui vẻ với nhau và ăn thử mật ong nhà làm, Jobs chưa bao giờ thấy mật ngon đến thế.
Steve Jobs không phải là người cha, người chồng kiểu mẫu bởi phần lớn thời gian là dành cho công việc. Ông có thể chú ý tới công việc tới mức quên đi sự hiện diện của những thứ khác - điều mà ta có thể dùng từ vô tâm để miêu tả. Nhưng ông có một người vợ phù hợp hoàn hảo với mình - Laurene Powell - người phụ nữ thông minh, độc lập nhưng sẵn sàng lui về làm hậu phương cho chồng.
Jobs được miêu tả là người cầu toàn tới mức không thể chọn được đồ nội thất ưng ý và kết quả là biệt thự tại Woodside của ông được miêu tả như vườn không nhà trống. Nhưng sau khi kết hôn, Jobs và Powell chuyển tới sống tại một căn nhà "bình thường" với đầy đủ những đồ đạc, thậm chí khi họ sắm một chiếc máy giặt và máy sấy hiệu Miele của Đức, Jobs còn "run lên vì sung sướng khi có chúng hơn bất cứ đồ công nghệ nào mà tôi từng có trong suốt nhiều năm".
Trong những năm cuối đời, khi đã không còn vướng bận công việc tại Apple, Steve Jobs đã tự tay thiết kế một du thuyền để tặng vợ mình (do họ đã có những chuyến đi với du thuyền đã mua trước đó nhưng không hài lòng về trang bị và thiết kế), nhưng cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay, dự án cuối cùng này vẫn còn dang dở...
Tuy khó tính và khắc nghiệt trong công việc, nhưng chính Steve Jobs đã viết những dòng sau đây cho vợ của mình trong ngày kỷ niệm 20 năm ngày cưới:
"20 năm trước chúng ta không biết nhiều về nhau. Chúng ta đã được trực giác mách bảo; ở bên em như thể đang ở trên thiên đường nơi hạ giới. Tuyết rơi khi chúng ta làm đám cưới ở khách sạn Ahwahnee. Năm tháng trôi qua, bọn trẻ ra đời, đã có những giây phút hạnh phúc, những thời điểm khó khăn, nhưng chưa bao giờ là ngày tháng tồi tệ. Tình yêu và sự tôn trọng giữa chúng ta đã tồn tại và nảy nở. Chúng ta đã cùng nhau trải qua thật nhiều khó khăn, và giờ đây chúng ta đang ở đúng xuất phát điểm của mình 20 năm về trước - già giặn hơn, khôn ngoan hơn - với những nếp nhăn trên mặt và trong tim. Giờ đây chúng ta đã thấy được biết bao niềm vui, nỗi buồn, bí mật và cả những điều kỳ diệu của cuộc sống, và giờ đây chúng ta vẫn ở bên nhau. Chân anh vẫn chưa bao giờ chạm đất."
6 tháng sau đó - vào ngày 5/10/2011, Steve Jobs ra đi mãi mãi.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |