Những lưu ý khi chọn mua laptop học online
Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số gợi ý sau khi chọn mua laptop học online cho con trẻ.
Năm học 2021 - 2022 đã bắt đầu với sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử, đó là học sinh tại nhiều nơi phải khai giảng, học trực tuyến hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số gợi ý sau khi chọn mua laptop học online cho con trẻ.
Chọn laptop cho nhu cầu học online nên ưu tiên màn hình và trọng lượng. (Ảnh minh họa)
Kích thước màn hình: Ít nhất 13 inch, nên chọn Full HD
Trước khi nghiên cứu về cấu hình máy thì kích thước màn hình chính là một thông số rất đáng quan tâm. Trong hầu hết các trường hợp, kích thước này phải từ 13 inch trở lên mới đảm bảo góc nhìn và tạo sự thoải mái. Trên thị trường hiện nay, chủ yếu là các laptop 14 inch và 15 inch đến từ tất cả các thương hiệu nổi tiếng Dell, HP, Lenovo, Asus,... Trong khi đó, lựa chọn 13 inch không quá nhiều.
Ngoài kích thước, độ phân giải và độ sáng màn hình cũng quan trọng không kém. Hầu hết laptop dưới 12 triệu đồng cho học sinh có độ phân giải HD (1.366 x 768 pixels) với độ sáng khoảng 250 nit. Nhỉnh hơn một chút, chỉ khoảng 13 triệu đồng sẽ có ngay những lựa chọn màn hình Full HD (1.920 x 1.080 pixels) với chất lượng khác hẳn HD.
Trọng lượng: Đủ nhẹ và hài hòa cấu hình
Dù học online tại nhà nhưng trong tương lai, chiếc laptop hoàn toàn có thể trở thành người bạn đồng hành cùng học sinh trong các chuyến đi xa. Lời khuyên là hãy tránh xa những chiếc laptop có trọng lượng trên 1,5kg, thay vào đó hãy ưu tiên cho những phiên bản có trọng lượng khoảng 1,3 - 1,5kg. Lưu ý, phải thật cân nhắc nếu muốn chọn chiếc laptop siêu nhẹ, bởi rất có thể sẽ phải đánh đổi lớn về hiệu năng.
Cấu hình: Intel Core i thế hệ 11 và ổ cứng SSD
Dù nhu cầu học tập của học sinh không đòi hỏi quá cao ở cấu hình, nhưng nó vẫn là một điều phải cân đo khi mua laptop. Hiện, laptop chạy vi xử lý Intel là phổ biến hơn cả và được đánh giá là có độ ổn định cao, mới nhất là Intel Core thế hệ 11. Để học online thông qua trình duyệt web, ứng dụng Zoom, Google Meet hay Microsoft Teams,... cùng với bộ Microsoft Office thì phiên bản chạy Intel Core i3 với RAM ít nhất 4GB là đủ.
Ở phân khúc dưới 15 triệu đồng, có rất nhiều lựa chọn phù hợp cho học online. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Intel, người dùng hãy cân nhắc những nhu cầu khác ngoài việc học để có thể lựa chọn mẫu laptop phù hợp. Nếu học sinh, sinh viên cần thực hiện những thao tác đồ họa, xứ lý video hoặc chơi game, có thể tham khảo những dòng laptop có hiệu năng ngang ngửa máy tính bàn như bộ vi xử lý Intel dòng H vốn đi kèm với card đồ họa rời.
Nếu cần thực hiện các công việc thông thường như soạn thảo văn bản, tải nhạc hay thiết kế slide thuyết trình, học sinh có thể lựa chọn những mẫu laptop sở hữu chip Intel thế hệ thứ 11 mới nhất với đồ họa Iris Xe có khả năng thực hiện những thao tác kể trên và cả chơi game cơ bản.
Những laptop chạy trên nền tảng Intel Evo cũng là một lựa chọn tốt để cân nhắc, vì nó có điểm cộng ở thời lượng pin, khả năng sạc nhanh, tính năng Instant Wake cho phép khởi động hệ thống từ trạng thái ngủ trong vòng chưa đầy một giây, khả năng kết nối được cải thiện nhờ vào Wi-Fi 6 và Thunderbolt 4, và chất lượng hiển thị hình ảnh,...
Thêm một khuyến nghị là hãy ưu tiên cho ổ cứng SSD với tốc độ cao thay vì ổ cứng HDD (dung lượng có thể cao nhưng tốc độ chậm). Với nhu cầu học tập cơ bản, ổ cứng SSD khoảng 256GB là đã quá đủ. Nếu cần mở rộng lưu trữ, sau này người dùng có thể đầu tư thêm ổ cứng gắn ngoài cho linh hoạt hơn vẫn chưa muộn.
Tóm lại, tùy theo khả năng kinh tế mà người dùng mua laptop tương ứng với giá tiền. Ở phân khúc dưới 13 triệu đồng, chủ yếu là những laptop 14 inch và 15 inch chạy vi xử lý Intel Core i3, màn hình HD đến từ Asus và HP. Cao hơn một chút (13 - 15 triệu đồng), người dùng dễ dàng có ngay một chiếc laptop chạy Intel Core i5, màn hình Full HD và ổ cứng SSD đến từ Dell, Lenovo, HP hay Asus,... Cao hơn nữa chính là những dòng laptop được trang bị nền tảng Evo.
Lenovo Legion 7 là cỗ máy chơi game thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Nguồn: [Link nguồn]