Người dùng đang quay trở lại với đồng hồ thông minh
Thời gian gần đây, người dùng ngày càng ưa thích smartwatch vì có nhiều tiện ích theo dõi sức khỏe.
Thống kê trước đó của công ty nghiên cứu IDC cho thấy, có tới 115,4 triệu chiếc thiết bị đeo được xuất xưởng trong năm ngoái. Cũng theo báo cáo mới nhất từ phía IDC, trong số 115,4 triệu đó, có tới 32,7 triệu thiết bị là đồng hồ thông minh (smartwatch). Con số này ghi nhận mức tăng kỷ lục 60% so với năm 2016, đẩy giá trung bình của dòng sản phẩm đồng hồ thông minh lên 380 USD (tương đương 8,6 triệu đồng)/ thiết bị.
Đồng hồ thông minh hỗ trợ theo dõi sức khỏe được khá nhiều người yêu thích.
Trong số 32,7 triệu chiếc đồng hồ được bán ra, Apple dẫn đầu về số lượng với khoảng 17,7 triệu đơn vị Apple Watch. Doanh thu của loạt sản phẩm này của hãng cũng tăng lên đáng kể từ khi Apple Watch Series 3 được “lên kệ”.
Điều gì đã thúc đẩy người tiêu dùng mua smartwatch nhiều hơn?
Câu trả lời là người tiêu dùng đã có ý thức về sức khỏe và tỏ ra khá yêu thích về các chức năng theo dõi sức khỏe cũng như thể lực trên đồng hồ của Apple. Thêm vào đó, những người thường xuyên mua dụng cụ tập thể dục giá rẻ đang có xu hướng chuyển sang đeo đồng hồ thông minh cao cấp hơn.
Số lượng smartwatch bán ra tăng theo các năm.
Vào năm 2017 vừa qua, hãng dây đeo thông minh giá rẻ Fitbit cũng tung ra thị trường thêm sản phẩm mới nhưng không bán “chạy” như mọi năm vì thiếu ứng dụng. Hiện thương hiệu này đã nắm bắt được tâm lý khách hàng và đang phát triển thêm ứng dụng cho Fitbit OS cho sản phẩm mới năm nay.
Trước đó, thị trường smartwatch phát triển khá ì ạch. Trong cả năm 2015, tổng đơn vị smartwatch bán ra chưa đầy 20 triệu chiếc, chỉ bằng 1% so với lượng smartphone bán ra trên toàn cầu. Vào năm ngoái, tỷ lệ này đã nâng lên 2,1% so với tổng smartphone bán ra, ghi nhận sức mua đang tăng lên.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa nhịp tim và bệnh tiểu đường.