Lý do nào khiến Vingroup bỏ điện thoại Vsmart để ủng hộ Vinfast?
Không chỉ Vingroup (chủ sở hữu Vinsmart và Vinfast) mà các đại gia di động khác như Apple, Huawei hay Xiaomi cũng đều có kế hoạch tham gia vào lĩnh vực ô tô điện.
Smartphone không còn "hot"
Báo cáo của Digitimes vào năm ngoái cho thấy doanh số smartphone toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm kỷ lục 8,8%. Nhiều người có thể viện lý do đại địch khiến người tiêu dùng không còn đổ xô đi mua smartphone nữa nhưng thực tế thì đây đã là năm thứ ba liên tiếp doanh số smartphone toàn cầu sụt giảm.
Vinsmart đã không còn sản xuất Vsmart.
Theo một lãnh đạo trong ngành cho biết, sản lượng smartphone cuối cùng đã đạt đến ngưỡng phát triển và nhu cầu đối với chúng đã giảm dần. Điều này thể hiện rất rõ ở Samsung khi nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới này đang phải vật lộn để giành giật thị phần bằng cách tung ra nhiều mẫu mã khác nhau, thậm chí phải xem xét khai tử dòng Galaxy Note nổi tiếng.
Không chỉ có vậy, nhiều ông lớn trong lĩnh vực di động như LG và BlackBerry đều phải rút lui khỏi thị trường di động. Ngay cả Sony và HTC cũng đối diện với tình huống tương tự. Đó đều là những cái tên từng đứng ở vị trí rất cao trên thị trường di động, trong đó LG là hãng di động lớn thứ 3 thế giới trong năm 2013.
Một trong những lý do khiến doanh số smartphone sụt giảm đó là nhu cầu thay thế điện thoại của người tiêu dùng đã chậm lại. Thay vì chờ 1-2 năm, người tiêu dùng có xu hướng tăng lên 2-3 năm mới tiến hành thay thế một model mới. Điều này bắt nguồn từ việc chất lượng điện thoại đã được nâng lên đáng kể so với trước đây, còn khả năng hỗ trợ phần mềm cũng đang được cải thiện khi nhiều thương hiệu điện thoại Android lớn đã bắt đầu nhận sự hỗ trợ phần mềm lên đến 3 năm. Trong bối cảnh đó, các hãng lại liên tục tung ra các mẫu mã mới.
Thiếu sự sáng tạo
Một trong những lý do chính khiến iPhone nhận sự chú ý ngay trong ngày đầu ra mắt vào năm 2007 chính là vì nó mang tính đột phá và sáng tạo trong ngành công nghiệp smartphone khá kém cỏi ngày đó. Bằng việc kết hợp iPod, điện thoại và một thiết bị giao tiếp Internet vào một sản phẩm duy nhất, iPhone do Steve Jobs tạo ra đã khiến ngành công nghiệp chấn động.
Điện thoại ngày nay hầu như "cái nào cũng như cái nào".
Kể từ đó, smartphone đã ngày càng thay đổi từ dạng này sang dạng khác, mang đến những chức năng hiện đại hơn. Đáng buồn là mọi thứ đang dần kém đi khi sự sáng tạo không có nhiều. Ngay cả khi các ông lớn thử nhiệt với điện thoại gập lại,… thì người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà do giá thành vẫn khá đắt đỏ. Có chăng, iPhone X ra mắt năm 2017 là một trong những điểm sáng nhỏ tạo ra xu hướng thiết kế mới mẻ. Tuy nhiên, để có một sản phẩm có tính đột phá cao vẫn chưa nhiều.
Bên cạnh đó, một trong những công ty rất mạnh dạn trong việc thử nghiệm công nghệ mới trên smartphone là LG cũng đã phải rút lui khỏi thị trường, biến giấc mơ điện thoại cuộn lại của hãng trở nên dang dở. Trong thực tế, việc người dùng liên tục quay lưng với các ý tưởng thiết kế mới cũng chính là lý do khiến nhiều công ty thiếu đi sự đam mê đổi mới, dù trong thâm tâm họ vẫn luôn có chữ “liều”. Trong khi đó, ô tô điện là lĩnh vực mới, họ hoàn toàn có thể tập trung tài nguyên của mình vào việc phát triển nó, đặc biệt khi nhìn vào nguyên nhân tiếp theo.
Apple đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực ô tô điện.
Bước đi thông minh
Không giống với ô tô truyền thống, ô tô điện là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ cao dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo, kết nối đa phương tiện, IoT và thậm chí là cả pin. Nhắc đến những tính năng này, nhiều người có thể nghĩ ngay đến những gì có trên smartphone. Nó giống như kiểu một chiếc smartphone đưa vào xe truyền thống để nó hoạt động một cách thông minh hơn.
Cái tên nổi bật nhất trong lĩnh vực ô tô điện hiện nay chính là Tesla. Công ty này đã đưa công nghệ tự lái vào xe của mình, cho phép nó hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm. Về cơ bản, công nghệ của Tesla cho phép mọi người thảnh thơi hơn khi lái xe trên đường, giúp xe an toàn trong nhiều tình huống “khó”, đặc biệt những tình huống bất ngờ có thể khiến người lái giật mình “đạp nhầm chân ga”.
Dĩ nhiên đó chỉ là phần mềm, và phần mềm thì chắc chắn có thể gặp lỗi và thậm chí là lỗ hổng bảo mật cho phép tin tặc chiếm quyền điều khiển từ xa. Đó là lý do các công ty ô tô phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho người dùng bằng các thử nghiệm trên đường trong khoảng thời gian dài. Ngay cả Apple có thể phải mất vài năm mới có thể “ra mắt” ô tô điện của mình, trước khi chờ thêm vài năm nữa mới có thể tung sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Vinfast hiện đang tiếp nhận đơn đặt cọc cho xe điện VF e34.
Về cơ bản, ô tô điện đang là một lĩnh vực mới mẻ, cho phép nhiều công ty có xuất phát điểm gần như tương đồng nhau. Vì vậy, việc Vingroup cắt giảm bớt mảng kinh doanh smartphone để dồn lực cho nghiên cứu xe điện là bước đi hoàn toàn dễ hiểu cho công ty. Đó là bước đi hoàn toàn đúng đắn, đón đầu xu hướng công nghệ. Thậm chí, có thể xem việc sản xuất smartphone hay tivi của Vingroup trước đây chỉ là xuất phát điểm cho nhiệm vụ quan trọng nhất của tập đoàn này, đó là tạo ra một chiếc ô tô điện thông minh cho người Việt với mức giá vô cùng dễ chịu. Lấy ví dụ với Vinfast VF e34 được ra mắt mới đây có giá bán chỉ 690 triệu đồng nhưng giảm còn 590 triệu đồng cho những ai đặt cọc xe trước tháng 7/2021. Đó là mức giá rất rẻ khi nhìn vào các mẫu ô tô điện khác khi nhập khẩu về Việt Nam có thể lên đến hơn 1 tỷ đồng. Nếu thành công, công ty hoàn toàn có thể hướng sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả.
Đây được xem là sản phẩm được chờ đợi nhất của VinSmart trước khi công ty ngừng sản xuất smartphone.
Nguồn: [Link nguồn]