Galaxy S20 Ultra mạnh tuyệt đỉnh nhưng vẫn có điểm khiến người dùng hụt hẫng
Là chiếc máy cao cấp nhất trong bộ ba S20 năm nay, Galaxy S20 Ultra được Samsung đầu tư rất nhiều mặt, nhưng dù có cao cấp đến đâu cũng vẫn có những vấn đề riêng.
1. Chipset Exynos vẫn gây thất vọng
Không phải vấn đề nghiêm trọng với tất cả mọi người, tuy nhiên việc máy bán chính hãng không có Snapdragon 865 vẫn gây thất vọng.
Đây là những đối tượng đặt nặng chuyện hiệu suất của flagship, có thể đã dùng qua Galaxy S, Note hàng chính hãng và thất vọng với chipset Exynos. Phổ biến hơn, là nhóm có nhu cầu chơi game nhiều và mong muốn được dùng chipset Snapdragon, vốn hỗ trợ tác vụ nặng tốt hơn.
Điều khiến chipset Exynos gây thất vọng là tốc độ cải tiến chậm chạp, đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bộ phận trên.
2. Cảm biến 108MP phải đánh đổi một số tính năng
Trong khi Galaxy S20 và S20+ dùng cảm biến chính Sony IMX555 12MP, bản cao nhất Galaxy S20 Ultra lại chuyển sang cảm biến ISOCELL Bright HM1 108MP, cũng do Samsung System LSI thiết kế giống chipset Exynos 990.
Cảm biến này bên cạnh độ phân giải 108MP cao nhất thị trường smartphone, còn có nhiều công nghệ như Smart ISO, HDR real-time, Nonacell,...
Tuy nhiên, cảm biến trên Galaxy S20 Ultra đã lược bỏ công nghệ lấy nét Dual Pixel PDAF, trong khi cảm biến 12MP của hai bản thấp hơn vẫn có.
Công nghệ lấy nét Dual Pixel giúp cải thiện trải nghiệm chụp ảnh trên flagship gấp nhiều lần. Về lý thuyết, điện thoại trong các điều kiện ánh sáng thuận lợi thì không gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở các hoàn cảnh ánh sáng phức tạp hoặc thiếu sáng, Dual Pixel sẽ phát huy tác dụng, thiếu nó quả là đáng tiếc.
Với người dùng, chúng ta có thể lo lắng hiệu quả lấy nét bị giảm sút khi thiếu tính năng này, nhưng hy vọng có thể cải thiện thông qua các bản cập nhật phần mềm.
3. Màn hình chưa khai thác hết
Một điều đáng tiếc tại thời điểm này là Samsung chưa cho phép tần số quét 120Hz hoạt động ở độ phân giải cao nhất. Nếu dùng 60Hz thì bạn có thể chạy ở độ phân giải QHD+, còn dùng 120Hz thì chỉ được FHD+.
Theo Samsung giải thích là lo ngại thời lượng pin đi xuống. Thực tế, chỉ cần một trong hai yếu tố độ phân giải hoặc tần số quét tăng lên, QHD+ hoặc 120Hz, thời lượng pin đã giảm đáng kể.
Nhưng với nhóm nhỏ người dùng, rõ ràng vẫn mong muốn có thể khai thác triệt để, chấp nhận đánh đổi việc phải sạc pin nhiều lần nếu có trong ngày. Samsung hoàn toàn có thể tung ra bản cập nhật để bổ sung lựa chọn này.
4. Tính năng chỉ có tác dụng “bán hàng”
Galaxy S20 Ultra có hai tính năng độc đáo, hiếm thấy trong làng smartphone, đó là quay phim 8K và Space Zoom 100x. Tuy nhiên, cả hai tính năng sau khi được trải nghiệm trong thực tế lại đều bị đánh giá là… thiếu tính thực tế.
Với video 8K, chúng ta gặp rào cản trong việc sắm được dàn máy đủ mạnh để dàn dựng video nếu muốn biên tập nó thành sản phẩm chất lượng, rồi thì thiếu hụt màn hình có độ phân giải 8K.
Tương tự với zoom kỹ thuật số 100x, trong một số bài đánh giá của nhiều kênh công nghệ trong và ngoài nước, mức lý tưởng nhất là 10x đổ lại, và 100x hoàn toàn không dùng được.
5. Bỏ lỡ "chuyến tàu" 5G
Đây là tình huống éo le mà cả Samsung lẫn người dùng vướng phải khi hạ tầng viễn thông Việt Nam chưa kịp triển khai 5G. Theo lộ trình mà chính phủ công bố, trong năm 2020 nước ta sẽ bắt đầu phát sóng mạng 5G để không bị tụt lại so với thế giới.
Samsung thực ra đã công bố điện thoại 5G từ năm ngoái, chính là thế hệ Galaxy S10. Họ cũng đang chiếm thị phần lớn nhất ở phân khúc này.
Tuy nhiên, với việc máy bán ra tại Việt Nam vẫn chưa có 5G chính thức, và cũng không thể cập nhật phần mềm để kích hoạt, rất nhiều người đã hụt hẫng.
Nằm trong phân khúc giá 30 triệu đồng, đây là 2 mẫu smartphone cao cấp hàng đầu hiện nay của Samsung.
Nguồn: [Link nguồn]