"Facebook coi người dùng như chuột bạch"

Bạn có thể cảm thấy tức giận và khó chịu khi Facebook coi cảm xúc của người dùng như một phần trong chương trình thử nghiệm của họ. Song bạn không nên ngạc nhiên.

Tranh cái lớn đã nổ ra khi xuất hiện thông tin về việc, Facebook âm thầm khảo sát tâm lý đối với gần 700.000 người dùng hồi năm 2012. Tuy nhiên, không ai trong số những người người này biết rằng họ đã bị đưa ra làm thí nghiệm.

Theo CNN, “Chúng ta đều là những con chuột thí nghiệm trong mê cung internet”.

"Facebook coi người dùng như chuột bạch" - 1

Facebook bí mật tiến hành thử nghiệm trên cảm xúc của 690.000 người dùng. (Ảnh: Telegraph)

Phương thức thí nghiệm phổ biến nhất trên web được gọi là thử nghiệm “A/B”. Đó là khi một công ty trực tuyến cung cấp những trải nghiệm web khác đối với một nhóm nhỏ khách hàng. Nếu bạn là một phần của thử nghiệm A/B, giao diện lướt web của bạn có thể sẽ khác với người ngồi bên cạnh, ngay cả khi hai người đang truy cập cùng một trang.

Google liên tục tiến hành các thử nghiệm A/B bằng cách tinh chỉnh các thuật toán tìm kiếm để cho ra kết quả tìm kiếm hiệu quả hơn. Facebook cũng tiến hành thử nghiệm A/B rất nhiều lần, đặc biệt là vị trí đặt quảng cáo trên giao diện News Feed của người dùng.

Chúng ta buộc phải chấp nhận những thử nghiệm đó, dù biết hay không. Đó là luật chơi của các công ty dịch vụ. Chẳng hạn, trong điều khoản sử dụng dịch vụ của Facebook có đoạn: “Chúng tôi có thể sử dụng thông tin nhận được về bạn cho các hoạt động nội bộ, bao gồm xử lý sự cố, phân tích dữ liệu, kiểm tra, nghiên cứu và cải thiện dịch vụ”. Nói cách khác, thử nghiệm là một phần của cái giá bạn phải trả cho những nội dung và dịch vụ miễn phí.

Tuy nhiên, có một khác biệt rất lớn giữa thử nghiệm A/B và loại thử nghiệm Facebook thực hiện 2 năm trước đây.

Hầu hết các thử nghiệm A/B phục vụ 2 mục đích: Cải thiện kết quả kinh doanh hoặc mang đến trải nghiệm web tốt hơn. Một nút bấm đặt ở vị trí tốt hơn có thể mang đến doanh số tăng gấp đôi cho công ty. Những kết quả tìm kiếm rõ ràng hơn có thể giữ người dùng và khuyến khích họ quay lại lần sau.

Mục tiêu của việc thử nghiệm tâm lý người dùng của Facebook là không rõ ràng. Một tập hợp người đã bị cố ý làm cho kém hạnh phúc trong suốt một tuần hồi năm 2012. Facebook cố tình thay đổi biểu tượng tâm trạng của người dùng trên News Fedd của gần 690.000 người dùng, một số theo chiều hướng tích cực hơn, một số khác thì tiêu cực hơn.

Facebook, trong tuyên bố bằng email của mình, cho biết thử nghiệm của họ được tiến hành để “cải thiện dịch vụ và làm nội dung người dùng thấy trên Facebook rõ ràng nhất có thể”.

"Facebook coi người dùng như chuột bạch" - 2

Người dùng không có quyền lựa chọn trước những thử nghiệm của các công ty như Facebook, Google.

Nếu đây là sự thực, mục tiêu của họ là rất tốt đẹp nhưng phương pháp họ thực hiện là phi đạo đức. Đùa giỡn với cảm xúc của người dùng là một phần của thử nghiệm A/B nhưng Facebook đã đi quá xa khi cố tình làm cho người dùng cảm thấy tiêu cực hơn.

Chẳng hạn, phần lớn người dùng đều vui vẻ khi Amazon thử nghiệm tìm kiếm giúp người dùng tìm đến những thức ăn bổ dưỡng hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ rất tồi tệ nếu họ hướng một nhóm người dùng đến những thực phẩm kém chất lượng trong vòng một tuần.

Cách để tránh những thử nghiệm nói trên khá đơn giản. Facebook và các ông lớn ngành internet có thể chuyển sang một mô hình “opt-in”, trong đó người dùng có quyền chọn tham gia thử nghiệm hay không.

Tuy nhiên, bạn không nên kỳ vọng nhiều bởi văn hóa của các công ty tại thung lũng Silicon là ép người dùng phải tham gia các bài thử nghiệm. Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng vào các vị “lãnh chúa” trên mảnh đất internet nói trên nhân từ hơn, hoặc ít nhất, chọn thực hiện các thí nghiệm tích cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Duy (ZING.vn)
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN