Điện thoại nào "làm mưa, làm gió" 10 năm trước
10 năm là một quãng thời gian khá dài và nếu nhìn vào ngành công nghiệp điện thoại bạn sẽ thấy sự thay đổi ghê gớm suốt 10 năm đó.
Đã khi nào bạn nghĩ về tuổi đời của những chiếc điện thoại trong quãng thời gian 10 năm trở về trước (năm 2005). Khi đó chưa có khái niệm thế nào là điện thoại thông minh (smartphone) mà đó là thời kỳ hoàng kim của những chiếc điện thoại nắp gập, nắp trượt, hay những “cục gạch” mà bây giờ ta vẫn thường nhắc tới.
Thế còn bây giờ điện thoại nắp gập, nắp trượt ư? Bây giờ thật khó để tìm thấy một con dế có kiểu dáng đó trong các cửa hàng. 3G, 4G hay LTE? Bạn cũng đừng nên nghĩ tới vì kết nối Internet di động là khái niệm cực kì xa xỉ và có thể nói là trước đây không ai nghĩ tới việc cầm điện thoại truy cập internet như bây giờ.
Hãy cùng nhìn lại những chiếc điện thoại từng làm mưa làm gió trong năm 2005.
Motorola Moto RAZR V3 (Matte Black)
Điện thoại Motorola Moto RAZR V3 từng khiến cả thế giới phải sững sờ
Moto Razr đã khiến cả thế giới di động ngỡ ngàng vào năm 2004, khi phiên bản Moto Razr V3 bán chạy như tôm tươi. Tiếp nối những thành công trên, sang năm 2005 Motorola tung ra phiên bản đen sần của con dế nắp gập siêu mỏng này. Màn hình nhỏ xíu, không có tính năng gì thông minh nhưng V3 vẫn ghi điểm ở ngoại hình sang trọng và bắt mắt.
Sony Ericsson K750
Sony Ericsson K750 được coi là "ông tổ" của smartphone chụp ảnh hiện nay
Chiếc K750 của Sony Ericsson là một sản phẩm gây được ấn tượng mạnh tại thời điểm 10 năm trước, đặt nền móng cho những con dế chụp ảnh mạnh mẽ sau này. Tính năng nổi bật nhất của chiếc điện thoại này nằm ở camera 2 megapixel. Các bạn đừng vội cười mỉa nó, tuy camera 2MP không là gì so với hiện tại nhưng ở thời điểm đó nó đã là một bước tiến công nghệ, với độ phân giải kể trên, K750 dễ dàng vượt mặt mọi đối thủ của năm 2005.
Nokia N70
Nokia N70 máy trượt cầm khá chắc tay
Bạn có thể gọi nó là Communicator (như Nokia tự gọi), hoặc PDA (viết tắt của từ Personal Digital Asisstant) - máy kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân với các tính năng đồng hồ, sổ lịch, sổ địa chỉ, danh sách việc cần làm, sổ ghi nhớ, máy tính bỏ túi và kiêm luôn gọi điện) cũng được. Nokia N70 được xem là “ông tổ” của những chiếc smartphone hiện đại ngày nay. N70 trang bị màn hình 2.1 inch (lớn nhất lúc bấy giờ), chạy trên nền giao diện Series 60 UI cực hiện đại và trang bị chip hệ thống TI OMAP 1710 xung nhịp 220 MHz. Sẽ có không ít bạn hỏi chip này lõi bao nhiêu? Tốt nhất là quên luôn đi vì lúc đó còn chưa có khái niệm chip điện thoại bao nhiêu lõi nữa là.
BlackBerry 7100
Chiếc BlackBerry 7100 là cái tên nổi bật của hãng điện thoại Canada những năm 2005
Năm 2005 chính là thời kì hoàng kim của BlackBerry. Khi đó hầu hết những người dùng “có điều kiện” đều là tín đồ của dâu đen, và dù màn hình của 7100 chỉ hiển thị được 65.000 màu (trong khi một số đối thủ đầu bảng khác khi ấy đã hiển thị được 256K màu), hệ điều hành BlackBerry OS hiện đại hỗ trợ email vẫn ghi điểm tuyệt đối trong lòng người dùng.
Nokia 8800
Nokia 8800
Với thiết kế kim loại bằng thép không rỉ tuyệt đẹp, được lấy cảm hứng từ những mẫu smartphone nắp trượt cực kì thành công trước đó của nhà sản xuất Phần Lan, Nokia 8800 sở hữu màn hình 1.7 inch và camera SVGA. Màn hình màu của nó hỗ trợ 265K màu (được xe là cao nhất lúc bấy giờ), nhưng thật nực cười nếu đặt cạnh con số 16 triệu màu của smartphone hiện hành.
Motorola Q8
Motorola cũng là hãng tích cực trong cuộc chay đua với PDA. Chiếc Q8 là điện thoại tối tân nhất của Motorola tại thời điểm 2005 với nút bấm điều khiển 5 hướng và bàn phím vật lí QWERTY hoàn chỉnh mà người dùng doanh nhân không thể sống thiếu. Tuy nhiên, tính năng hút khách nhất chính là hệ điều hành Windows Mobile 6.0.
Nokia 1100
Điện thoại "thần thánh" Nokia 1100
Cuối cùng là Nokia 1100, đây được xem là mẫu điện thoại bền bỉ nhất theo thời gian. Nó còn là thiết bị giá rẻ thành công nhất từ trước đến nay của Nokia, bởi tính tiện lợi của sản phẩm khi giá thành rất rẻ và lại đáp ứng đủ nhu cầu nghe/gọi của người dùng. Ước tính, Nokia 1100 đã bán được khoảng 150 triệu máy trên phạm vi toàn cầu.