Cùng giá 30 triệu, MateBook 13 và MacBook Air 13 có gì hơn thua nhau?
Đều đến từ những thương hiệu lớn và có giá bán ngang nhau, liệu MateBook 13 của Huawei và MacBook Air 2020 của Apple ai nhỉnh hơn ai?
Không lâu sau khi Apple MacBook Air 13 phiên bản 2020 lên kệ tại Việt Nam, Huawei cũng đã giới thiệu ra thị trường "con cưng" MateBook 13.
Huawei MateBook 13 (trái) và MacBook Air 13 2020 (phải).
Xét về thiết kế, mỗi dòng một vẻ phù hợp với thị hiếu của những người dùng khác nhau. Trong khi MacBook Air 13 2020 vẫn giữ cách thiết kế quen thuộc nhiều năm qua với kiểu dáng mỏng dần về phía trước (độ dày từ 16,1mm đến 4,1mm), thì MateBook 13 vuông vức hơn với độ dày xuyên suốt 14,9mm trông mạnh mẽ như những chiếc MacBook Pro.
Cả hai cùng có thời lượng pin 12 tiếng theo công bố của nhà sản xuất. Trọng lượng cũng sát sao nhau (1,29kg và 1,3kg) nhưng MateBook 13 nhỏ gọn hơn cả về chiều ngang lẫn chiều dọc, đặc biệt chiều ngang hơn thua nhau tới 18,1mm. Bù lại, MacBook Air 13 2020 có touchpad khá rộng rãi và cho độ nhạy, trải nghiệm mượt mà.
Nói thêm về thiết kế, đây rõ ràng là hai sản phẩm so kè với nhau từng chi tiết nhỏ. Cùng được trang bị hai cổng USB Type-C và một cổng 3,5mm gắn tai nghe, nhưng MacBook Air 13 đặt cả hai cổng USB Type-C ở cạnh trái, còn MateBook 13 đặt một cổng bên trái và một cổng bên phải. Cổng tai nghe 3,5mm cũng ngược vị trí với nhau: Bên trái đối với MateBook 13 và bên phải đối với MacBook Air 13 2020. Ngoài ra, cả hai cùng có nút nguồn tích hợp cảm biến vân tay.
Bàn phím của MateBook 13 (trái) và MacBook Air 13 2020 (phải) không có nhiều khác biệt.
Sự khác biệt chưa thật sự rõ ràng khi MacBook Air 13 2020 nhận được nhiều lời khen bởi nâng cấp quan trọng nhất ở màn hình Retina, trong khi Huawei "chơi lớn" không kém khi trang bị cho MateBook 13 màn hình độ phân giải lên tới 2K. Nhưng xét về độ mỏng của viền, tỉ lệ hiển thị khả dụng và màu sắc thì MateBook 13 đều trội hơn so với MacBook Air.
Không có màn hình cảm ứng như của MateBook 13 nhưng MacBook Air 13 2020 được bù lại bởi công nghệ TrueTone tự điều chỉnh độ sáng theo môi trường. Trên thực tế, màn hình cảm ứng trên MateBook 13 hoạt động ổn định và có độ nhạy cao, hỗ trợ nhiều cử chỉ giống trải nghiệm trên smartphone (chẳng hạn vuốt 3 ngón tay để chụp ảnh màn hình).
Về cấu hình, MacBook Air lâu nay vốn không mạnh về cấu hình mà được Apple ưu tiên tối ưu độ ổn định, mượt mà và thời lượng pin. Máy chỉ được trang bị vi xử lý Intel Core i3 thế hệ thứ 10, 8GB RAM và 256GB ổ cứng SSD (cho phiên bản 30 triệu đồng). Còn MateBook 13 mạnh hơn hẳn với vi xử lý Intel Core i5 thế hệ thứ 10, 16GB RAM và ổ cứng SSD 512GB, đặc biệt có thêm card màn hình rời Nvidia GeForce MX250 2GB.
Cổng kết nối của MateBook 13 (trái) và MacBook Air 13 2020 (phải) như nhau, chỉ khác vị trí đặt.
Một khác biệt tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm của Apple lâu nay là iOS và macOS. Trên MacBook Air 2020 cũng vậy, macOS được đánh giá rất cao và là nền tảng quan trọng cho sự ổn định đối với người dùng văn phòng. Trong khi đó, Windows 10 trên MateBook 13 có ưu điểm là hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay và có kho phần mềm đa dạng.
Người dùng MateBook 13 có thể chia sẻ màn hình, trao đổi dữ liệu với smartphone Huawei dễ dàng bằng Huawei Share, thì người dùng MacBook Air 13 2020 nói riêng và các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Apple nói chung có thể chia sẻ dữ liệu siêu tốc bằng AirDrop.
Như vậy, với cùng mức giá 30 triệu đồng, MateBook 13 nhỏ gọn hơn và trội hơn MacBook Air 13 200 về màn hình cảm ứng và cấu hình. Song nếu là một iFan của Apple, không quá quan trọng vào cấu hình, người dùng không nên bỏ qua MacBook Air 13 2020 khi máy đã có nhiều nâng cấp so với các phiên bản tiền nhiệm.
Huawei MateBook 13 được trang bị màn hình FullView 2K, RAM 16GB, card đồ họa NVIDIA GeForce MX250 và kết nối thông minh Huawei Share.
Nguồn: [Link nguồn]