Apple bị các hãng linh kiện gọi là "Táo độc"
Từng được coi là khách "sộp" của chuỗi cung ứng châu Á, là mỏ vàng của phố Wall, giờ đây, hình tượng Apple đã bị bóp méo khá nhiều trong mắt đối tác.
Sức cầu dành cho iPhone dường như đang yếu dần trước sự trỗi dậy của Samsung và các đối thủ khác. Nhiều thông tin tiêu cực về việc Apple cắt giảm sản lượng iPhone đã đẩy cổ phiếu Táo khuyết cũng như của các nhà máy sản xuất, các hãng cung ứng linh kiện vào chuỗi dài trượt giá. Nỗi lo ngại về việc Apple đã cạn sức sáng tạo sau sự ra đi của thầy phù thủy Steve Jobs càng đổ thêm dầu vào lửa. Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2011, cổ phiếu Apple đã tụt xuống dưới ngưỡng 400 USD trong phiên giao dịch hôm 19/4 vừa qua.
Nhiều nguồn tin nội bộ từ các hãng cung ứng châu Á tiết lộ với Reuter rằng, họ đang cố giảm bớt sự phụ thuộc vào Apple. Đã qua rồi cái thời dễ dàng ăn theo thành công của Apple và chứng kiến cổ phiếu tăng giá phi mã chỉ nhờ tin đồn hãng A, hãng B nằm trong số những đối tác bán linh kiện cho Apple. Thậm chí tại Nhật Bản, Apple còn bị đặt tên lóng là "Táo độc", do luôn đề ra những chuẩn mực cao ngất nhưng lại chỉ trực ép giá đối tác.
Việc Apple trì hoãn ra mắt iPhone mới cũng khiến cho hàng chục nhà cung cấp cảm thấy mệt mỏi. Họ vốn dự kiến iPhone 5S sẽ được sản xuất đại trà từ tháng 6, nhưng giờ đây có vẻ như thời điểm sẽ bị dời lại đến cuối hè. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc iPhone 5S sẽ được bổ sung một số tính năng mới như cảm biến vân tay.
Và nếu như mọi năm, giới thạo tin chỉ đồn thổi về những sản phẩm sắp ra mắt của Apple thì năm nay, họ đua nhau đoán già đoán non về việc liệu sức cầu dành cho iPhone có yếu đi hay không. Và cũng chưa bao giờ, những tin đồn trước giờ Samsung công bố smartphone mới nhất thuộc họ Galaxy S là Galaxy S4 lại xuất hiện dày đặc như năm nay, một đặc quyền vốn chỉ dành cho iPhone mà thôi.
Các số liệu thị trường cũng không đứng về phía Apple. Trong Quý IV/2012, thị phần smartphone toàn cầu của Apple giảm từ 23% cùng kỳ xuống còn 21.8%. Xét tổng thể cả năm 2012, Samsung mới là hãng smartphone số 1 với 30.3% thị phần, bỏ xa Apple với 19.1% thị phần.
Sự đi xuống của Apple cả về thị phần lẫn vị thế trong ngành công nghiệp smartphone có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà mạng và nhà cung cấp linh kiện. Chắc chắn, hãng sẽ gặp khó khăn hơn khi thương thảo về giá thành linh kiện và mức trợ giá dành cho các thế hệ iPhone kế tiếp.
Và tất nhiên, việc cổ phiếu của hàng loạt đối tác của Apple như Cirrus Logic, Qualcomm, LG Display, Toshiba đồng loạt giảm giá mạnh một tuần gần đây đều có thể quy lỗi cho Apple và việc iPhone 5S ra mắt muộn. Với tất cả những gì đang diễn ra, những mùa quả ngọt mà Apple dành tặng cho đối tác châu Á dường như đang dần biến thành trái đắng.