6 điện thoại chứng minh LG không bao giờ sợ đổi mới
Đã có thông tin cho rằng LG sẽ sớm rời khỏi ngành công nghiệp smartphone, và nếu vậy chắc chắn sẽ rất buồn khi đây là một công ty sẵn sàng đổi mới.
Rất nhiều sản phẩm của LG mang đến những điều mới mẻ mà không phải smartphone nào cũng đã có trước đó, và dưới đây là 6 sản phẩm tiêu biểu cho điều này.
LG DoublePlay
Smartphone màn hình kép không phải là mới đối với LG và thậm chí có thể nói rằng chỉ có rất ít nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm với màn hình kép như LG.
Một trong những điện thoại màn hình kép đầu tiên của hãng là LG DoublePlay (2011) chạy Android có thiết kế trượt ngang, mở ra để lộ bàn phím QWERTY với màn hình ở giữa các phím. Màn hình chính 3,5 inch với độ phân giải 320 x 480 và màn hình nhỏ hơn 2,0 inch chia bàn phím thành các nửa bằng nhau tạo cho nó một thiết kế tách rời.
Câu hỏi đặt ra là màn hình nhỏ hơn sẽ làm gì? Nó có thể hiển thị các điều khiển phát lại nhạc trong khi bạn lướt web trên màn hình chính. Nó cũng đóng vai trò là phần mở rộng của màn hình lớn hơn cho một số tính năng nhất định như lướt qua các dấu trang hoặc mở các tab trên màn hình nhỏ trong khi trình duyệt chính đang mở trên màn hình lớn hơn. Ngoài ra còn có nhiều mục đích sử dụng khác nhưng một tính năng thú vị mà LG bổ sung là khả năng đẩy ứng dụng trên màn hình nhỏ sang màn hình lớn hơn chỉ với một nút duy nhất.
LG Crystal
Ngày nay, chúng ta đã thấy các công ty tung ra điện thoại với mặt sau có thể nhìn xuyên qua, cho phép bạn nhìn thấy “phần bên trong” của chúng. Nhưng LG Crystal GD900 (2009) mới là sản phẩm đầu tiên làm điều này.
Bàn phím chữ và số trong suốt của LG Crystal thực sự là một màn hình cảm ứng với các bảng chữ cái và số được khắc trên bề mặt. Nó có hệ thống chiếu sáng riêng khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong bóng tối. Vì nó thực sự là một màn hình cảm ứng, người dùng có thể lướt ngón tay của mình trên nó và sử dụng nó để điều hướng thiết bị giống như sử dụng bàn di chuột. Nó cũng hỗ trợ các cử chỉ đa chạm như chụm để thu phóng.
LG G Flex
LG G Flex là một thiết bị tích hợp nhiều công nghệ ấn tượng. Từ màn hình OLED dẻo cong lõm tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng, đến pin LiPo dẻo và mặt sau được phủ lớp đặc biệt có khả năng tự chữa lành khỏi trầy xước. LG G Flex xứng đáng nằm trong đại sảnh danh vọng của smartphone.
Các tính năng thú vị khác của LG G Flex bao gồm các nút nguồn và âm lượng gắn phía sau cũng như bộ điều khiển IR gắn phía sau cho phép người dùng điều khiển các thiết bị điện tử bằng cách giữ điện thoại thẳng đứng thay vì nằm ngang như điều khiển từ xa thông thường.
LG G5
G5 có thể được coi là một trong những thất bại của LG nhưng nó xứng đáng được nhắc đến vì nó là mẫu điện thoại mô-đun, điều mà chỉ một vài hãng điện thoại dám thử sức.
G5 có cái được gọi là Magic Slot, cho phép người dùng tháo phần dưới cùng của điện thoại và hoán đổi nó lấy một phụ kiện bổ sung. LG gọi những phụ kiện này là LG Friends. Một trong những tiện ích bổ sung này là LG Cam Plus mang đến các điều khiển máy ảnh phần cứng như nút chụp vật lý, nút máy quay và nút xoay zoom. Tiện ích bổ sung này cũng có pin tích hợp, làm tăng tổng dung lượng pin của điện thoại. Một tiện ích bổ sung khác là LG Hi-Fi Plus có DAC Bang & Olufsen cho âm thanh độ phân giải cao.
LG V10
Thêm một smartphone màn hình kép khác được LG tiết lộ, và nó ra mắt vào năm 2015 với hai màn hình nằm trên đỉnh. Màn hình chính là 5,7 inch QHD và trên cùng là màn hình cảm ứng 2,1 inch nhỏ hơn, bên cạnh camera selfie kép. Cũng cần nhớ rằng LG là nhà sản xuất đầu tiên ra mắt điện thoại có hai camera ở mặt trước.
Màn hình thứ hai này có trình điều khiển hiển thị riêng, có nghĩa là nó hoạt động độc lập với màn hình chính. Nó luôn bật và ngoài việc hiển thị thông báo, nó còn có các biểu tượng phím tắt cho một số ứng dụng nhất định và các nút bật/tắt cho các tính năng như Wi-Fi, máy ảnh, đèn pin và chế độ chuông. Người dùng cũng có thể tùy chỉnh nó để hiển thị thông báo mà mình chọn. Khi màn hình chính được sử dụng, màn hình nhỏ hơn sẽ hiển thị menu ứng dụng gần đây và các phím tắt cho các tính năng như chụp ảnh màn hình.
LG Wing
Đây là nỗ lực mới nhất của LG đối với một thiết bị màn hình kép với cách tiếp cận khác hoàn toàn với các công ty khác. Lần này, LG đã ẩn màn hình thứ hai phía sau màn hình chính và để truy cập nó, những gì người dùng làm là trượt màn hình bên ngoài 6,8 inch, được kết nối với cơ chế xoay sang trái.
Khi màn hình chính ở vị trí ngang, người dùng có thể truy cập màn hình phụ 3,9 inch nhỏ hơn. Khi mở ra, LG Wing trông giống như một chữ “T” viết hoa. Người dùng có thể giữ điện thoại ở chế độ này hoặc lật ngược điện thoại để màn hình lớn hơn nằm ở phía dưới. Rất nhiều tình huống có thể áp dụng màn hình kép này đã được LG đưa ra và tất cả đều khá thú vị.
Nguồn: [Link nguồn]
OnePlus đã sẵn sàng cho sự ra mắt của loạt OnePlus 9 vào ngày 24/3 tới đây, trong đó đáng chú ý là bản Pro với sự hợp...