Săn hàng hiệu giá rẻ không khó!
Chuẩn bị những kiến thức cơ bản về các chiến dịch giảm giá sẽ giúp bạn chi tiêu hiệu quả và hợp lý hơn nhiều.
Một trong những niềm hạnh phúc và cũng là nỗi bi kịch lớn nhất của hầu hết các tín đồ thời trang đó chính là các chiến dịch giảm giá.
Sau khi lăn xả trong "thiên đường siêu khuyến mãi", bạn có thể sung sướng rước về những món đồ hiệu chất lượng lại có giá chỉ bằng 1/2, thậm chí bằng 2/3 so với giá gốc. Tuy nhiên sau đó, bạn cũng có thể sẽ rất bàng hoàng khi phát hiện ra mình đã tiêu sạch sành sanh số tiền vừa ki cóp từ lúc nào không hay.
Chuẩn bị những kiến thức cơ bản về các chiến dịch giảm giá sẽ giúp bạn chi tiêu hiệu quả và hợp lý hơn nhiều.
Những mùa siêu khuyến mại quen thuộc
Thông thường giới tín đồ Việt hiện rất quen thuộc với bốn “thánh địa” mua sắm là Mỹ, Anh và Singapore, Hồng Kông.
Trong bốn địa điểm này thì do khoảng cách địa lý, người ta thường tới Singapore và Hồng Kông để mua sắm.
Tại Singapore có chế độ khuyến mãi giảm giá quanh năm nhưng không giảm quá sâu. Đợt siêu giảm giá ở đảo quốc sư tử được gọi là Great Sale thường khoảng tháng 6, tháng 7. Năm nay, đợt siêu khuyến mãi này đã diễn ra được gần một tháng, nó bắt đầu từ 30/5 tới 27/7. Mức giảm giá trong lễ hội mua sắm Great Sale có thể lên tới 70%.
Hồng Kông cũng là địa điểm mua sắm tuyệt vời với các mặt hàng đều được miễn thuế. Hồng Kông giảm giá mạnh nhất vào tháng 5,6 và tháng 1,12. Hàng hóa ở nơi đây rất đa dạng, từ cao cấp như Gucci, LV cho tới bình dân như Giordano, G2000, Espirit.
Sắm đồ hiệu xa xỉ ở Hồng Kông là sự lựa chọn lý tưởng bởi khách sẽ đỡ được một khoản tiền thuế khá lớn. Giá hàng hiệu ở đây có khi chỉ bằng 20% so với cùng loại mặt hàng tại nước khác. Điều duy nhất khiến người Việt ngại ngần tới Hồng Kông để mua sắm đó là giá cả đi lại, ăn ở khá đắt đỏ và phải có thị thực.
Người Việt thường chọn hai thiên đường mua sắm là Singapore và Hồng Kông
Internet phát triển nối liền những khoảng cách. Nếu như cách đây chục năm, cụm từ "mua hàng ở Anh hoặc Mỹ" quá viển vông thì giờ đây, chỉ cần máy tính nối mạng và một người trung gian làm nhiệm vụ đặt hàng hộ là bạn có thể ung dung shopping.
Người Việt chuộng mua hàng ở web Anh và web Mỹ bởi hai nước này có đông du học sinh, người Việt định cư. Điều này có nghĩa là ở đây có nhiều người nhận làm chân trung gian đặt hàng hộ nên việc mua sắm online cũng thuận tiện hơn.
Anh sale mạnh nhất là vào hai thời điểm Boxing Day (21/12) và khoảng tháng 6. Trong khi đó, tại Mỹ, các thời điểm sale lại đa dạng hơn nhiều. Những đợt sale lớn rơi vào giai đoạn diễn ra lễ Phục sinh (tháng 4), lễ Quốc khánh (ngày 4/7), sale mùa hè Summer sales khoảng tháng 6,7 hay lễ Tạ ơn (chương trình khuyến mãi kéo dài từ tuần thứ 3 của tháng 11 đến mùa Noel và Tết Dương lịch cuối tháng 12).
Song song cùng việc chạy chương trình khuyến mại tại các cửa hàng thì vào thời điểm kể trên, hầu hết các website mua sắm đều có hình thức giảm giá vô cùng hấp dẫn.
Rất nhiều mặt hàng giảm giá trong những lễ hội siêu khuyến mãi
Đặc biệt, ở Mỹ có ngày rất đặc biệt tên là Cyber Day (Ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Sáu đen tối Black Friday. Black Friday là ngày thứ Sáu đầu tiên sau lễ Phục Sinh). Nếu như Black Friday là ngày siêu khuyến mại tượng trưng cho hình thức mua hàng truyền thống thì Cyber Day lại cổ động cho mùa giảm giá cực lớn trên các trang bán hàng điện tử kéo dài trong giai đoạn từ Lễ Tạ ơn cho tới Năm mới.
Việc nắm được các giai đoạn giảm giá nóng nhất trong năm sẽ giúp giới tín đồ căn được khoảng thời gian và chuẩn bị về tài chính để sẵn sàng oanh tạc các website cũng như các trung tâm mua sắm.
Theo chị Thanh Tâm (35 tuổi, nhân viên ngân hàng) thì mua hàng sale ở cửa hàng và trên mạng có cái thú riêng: "Tôi từng tới Sing và Hồng Kông để mua hàng vào mùa siêu giảm giá. Có rất nhiều đồ rẻ và cảm giác khi đi shopping cũng rất háo hức. Mặc dù vậy, do khá xô bồ nên tôi mua phải nhiều đồ ít tính hữu dụng. Mua hàng trên mạng vào mùa sale thì hồi hộp như chơi xổ số vậy."
Các website mua bán có thể giảm tới 70%
Mua hàng sale quanh năm
Như đã nói ở trên, ở nhiều cửa hàng tại các kinh đô mua sắm thì việc giảm giá diễn ra quanh năm. Các mẫu "sale off" thường là mẫu cũ và giá giảm không hấp dẫn như vào mùa siêu khuyến mãi.
Ở một số website cũng vậy. Có nhiều trang giảm giá quanh năm. Chẳng hạn như Theoutnet.com, Houseoffraser.co.uk, BrandAlley.co.uk của Anh hay Bluefly.com, Neimanmarcus.com, Sakfifthavenue.com, 6pm, Zappos.com của Mỹ. Trong số này có những trang chuyên bán hàng giảm giá và có trang chỉ giảm giá trên một số hàng nhất định.
Ngoài ra, để khuyến khích mua sắm, thì các website cũng thường xuyên tung ra các chiêu khuyến mãi bất kể vào mùa sale hay không. Ví dụ như giảm tiếp 25% so với giá đã sale (giá đã giảm), trừ 50 đô là so với giá niêm yết... Do đó kể cả không vào mùa siêu khuyến mãi thì bạn vẫn nên cập nhật các website mua sắm để biết được các thông tin ưu đãi.
Bên cạnh đó, một số các website lại có chiêu giảm giá theo ngày và theo giờ. Tức là website đó chỉ bán một nhóm sản phẩm hàng hiệu có giá cực hấp dẫn trong thời gian nhất định. Một số website khác được tổ chức như "hội kín". Nó có thể yêu cầu khách phải ghi danh hoặc có thậm chí cần người giới thiệu, ví dụ như Gilt.com, Ruelala.com, Ideeli.com... Tuy thủ tục hơi lích kích nhưng ưu điểm của dạng website này là nó đưa ra các chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn, thậm chí còn "hời" hơn cả trong mùa sale.
Nhiều website bán hàng hiệu sale quanh năm. Nhưng tất nhiên là mẫu mã không được đa dạng lắm và hàng hóa hầu như cũng không đủ cỡ (size)
Vài lưu ý khi săn hàng sale
- Nên đăng ký nhận thông tin qua email từ các trang bán hàng để cập nhật hàng giảm giá mọi lúc, mọi nơi. Cosmopolitan từng lên một loạt các đặc điểm của những người nghiện mua sắm. Trong đó đứng đầu bảng là hai đặc điểm: tim ngừng đập khi mùa sale bắt đầu và hòm thư đầy ắp email báo chương trình khuyến mãi.
- Đối với các trang web bán hàng sale trong thời gian ngắn hạn thì bạn cần "nhanh tay, nhanh mắt", bởi nhiều món đồ chỉ kịp ở trên giá vài phút trước khi bị hết nhẵn.
- Trong trường hợp bạn không thể tự mình mua được đồ ở website nước ngoài thì rất cần người trung gian tin cậy. Họ sẽ giúp bạn "canh sale", mua hộ và chuyển hàng về Việt Nam.
- Hãy giữ chặt túi tiền. Một người tỉnh táo sẽ luôn chiến thắng trong mọi mùa sale, đó là tránh được thảm cảnh bị nợ nần chồng chất vì đã lỡ vung tay quá trán và mua được nhiều đồ hữu ích. Các biên tập viên thời trang của tạp chí Glamour khuyên các tín đồ nên lên kế hoạch trước mình định mua thứ gì trước mỗi đợt sale.
Cẩn tỉnh táo và cân nhắc khi săn hàng sale
- "Chất lượng hơn số lượng", những tay săn sale khôn ngoan thường không cố gắng càn quét thật nhiều đồ rẻ. Thay vào đó là đồ tốt, giá hợp lý.
- Biết so sánh giá là kỹ năng quan trọng. Đôi khi cùng một mặt hàng, cùng một mùa sale nhưng chúng có thể có giá chênh nhau khi được rao bán ở hai website khác nhau. Chẳng hạn như 6pm và zappos thường bán các sản phẩm giống nhau nhưng mua ở zappos thường đắt hơn ở 6pm. Bạn có thể tìm kiếm bằng cách đánh từ khóa là tên của mặt hàng đó trên google để xem những website nào có bán và so sánh giá.
- Một điều không chỉ áp dụng khi đi mua hàng sale mà là cho mọi lần shopping tại cửa hiệu ở nước ngoài đó là bạn nên luôn nhớ giữ lại biên lai. Rào cản ngôn ngữ và không nắm kỹ luật pháp có thể khiến bạn gặp rắc rối nếu không chứng minh được các khoản chi.